'Zero-hours contract' và các vấn đề pháp lý

'Zero-hours contract' (tức 'hợp đồng không giờ') là một loại hợp đồng lao động (HĐLĐ) khá phổ biến ở nước Anh. Đã có ý kiến cho rằng Việt Nam cũng cần bổ sung quy định về hợp đồng không giờ vào Bộ luật Lao động (BLLĐ), do đây là xu hướng lao động phổ biến trong tương lai. Bài viết này xem xét những vấn đề pháp lý của loại HĐLĐ này trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam.

Hợp đồng không giờ là một loại HĐLĐ mà theo đó người lao động (NLĐ) không được đảm bảo về công việc hay thời giờ làm việc, chỉ có thể thực hiện công việc khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) có yêu cầu và chỉ nhận tiền lương đối với những công việc đã thực hiện(1). Bên cạnh đó, pháp luật của Anh cũng quy định rằng, bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng không giờ mà cấm NLĐ làm các công việc khác đều là các điều khoản không thể thực hiện được(2).

Như vậy, với hợp đồng không giờ, NSDLĐ không cần phải đảm bảo cung cấp việc làm lâu dài cho NLĐ mà vẫn có thể sử dụng NLĐ bất kỳ khi nào có nhu cầu hoặc khi thiếu nguồn lao động nhất thời. Ngược lại, việc giao kết hợp đồng không giờ cũng phù hợp với nhu cầu của những NLĐ làm việc trong những ngành, nghề mang tính thời vụ hay những công việc cần sự tự do, linh hoạt về giờ giấc làm việc, và họ có thể lựa chọn nhiều loại công việc khác nhau.

Tuy nhiên, hợp đồng không giờ cũng có những mặt hạn chế. Về phía NLĐ, họ sẽ không được đảm bảo giờ làm việc tối thiểu và không có được công việc thường xuyên, cố định, không có thu nhập cố định và các chế độ phúc lợi lao động như những NLĐ làm việc theo các loại HĐLĐ thông thường khác. Trong khi đó, NSDLĐ thì không thể áp dụng các quy định về xử lý kỷ luật lao động nên gần như không có sự ràng buộc chắc chắn nào trong mối quan hệ với NLĐ dạng này.

Pháp luật về lao động của Việt Nam chưa công nhận

Hợp đồng không giờ chưa được pháp luật về lao động của Việt Nam công nhận. BLLĐ hiện chỉ thừa nhận hai loại HĐLĐ dựa trên thời hạn giao kết hợp đồng, đó là HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn.

Liên quan đến trả lương theo khối lượng công việc, luật có quy định hình thức trả lương theo sản phẩm căn cứ vào mức độ hoàn thành về số lượng và chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao; hoặc hình thức trả lương khoán căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành công việc. Tuy nhiên, các hình thức trả lương đều phải gắn với một trong hai loại HĐLĐ đã được pháp luật về lao động quy định.

Một vấn đề đặt ra, nếu NSDLĐ và NLĐ giao kết HĐLĐ theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng đưa những điều khoản mang tính chất của hợp đồng không giờ vào HĐLĐ thì có khả năng phải đối mặt với những rủi ro pháp lý.

Thứ nhất, một trong những nội dung chủ yếu trong HĐLĐ theo yêu cầu của pháp luật về lao động đó là thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nên nếu HĐLĐ không quy định những nội dung này, NSDLĐ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 50 triệu đồng về hành vi giao kết HĐLĐ không đầy đủ các nội dung chủ yếu của HĐLĐ theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, pháp luật về lao động của Việt Nam chưa có quy định hình thức làm việc theo yêu cầu mà không phụ thuộc vào thời giờ làm việc đã được quy định trong nội quy lao động của doanh nghiệp hay theo quy định của pháp luật (BLLĐ chỉ quy định thời giờ làm việc bình thường, thời giờ làm việc vào ban đêm và làm thêm giờ).

Do đó, nếu HĐLĐ ghi hình thức làm việc này thì đồng nghĩa với việc thời giờ làm việc của NLĐ không được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, nội dung đó có thể bị tòa án xem là vi phạm pháp luật về lao động.

Những rủi ro khi giao kết các loại hợp đồng mang tính chất hợp đồng không giờ

Trên thực tế, tính chất của hợp đồng không giờ đã và đang tồn tại ở Việt Nam, nơi các hợp đồng đặt dưới những tên gọi như hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng cung ứng dịch vụ cá nhân hay hợp đồng hợp tác, và chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Tuy nhiên, khi giao kết các loại hợp đồng này (sau đây gọi chung là hợp đồng dịch vụ), các bên sẽ phải chấp nhận một số rủi ro pháp lý.

Một là, hợp đồng dịch vụ có thể bị xem là HĐLĐ nếu có các nội dung có liên quan đến việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên. Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cá nhân giao kết hợp đồng có thể bị xem là mối quan hệ lao động và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về lao động.

Nếu có tranh chấp xảy ra, cá nhân giao kết hợp đồng có thể khởi kiện doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Nếu tòa án không công nhận tính pháp lý của hợp đồng dịch vụ, doanh nghiệp có thể bị buộc phải giao kết HĐLĐ với cá nhân đó và thực hiện các nghĩa vụ của NSDLĐ đối với NLĐ cho khoảng thời gian NLĐ làm việc theo hợp đồng dịch vụ đó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 50 triệu đồng về hành vi giao kết không đúng loại HĐLĐ với NLĐ.

Hai là, hợp đồng dịch vụ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại. Có thể thấy các công việc được mô tả trong hợp đồng là hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lời. Theo Luật Thương mại, chủ thể giao kết các hợp đồng loại này phải là các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh hoặc các cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, các cá nhân không phải đăng ký kinh doanh chỉ bao gồm các hoạt động quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP, như là buôn bán rong, buôn bán vặt, buôn chuyến, hoặc thực hiện các dịch vụ như đánh giày, bán vé số, chữa khóa, trông giữ hoặc sửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.

Như vậy, các cá nhân muốn cung cấp nhiều loại dịch vụ khác theo hợp đồng dịch vụ đều phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dưới góc độ thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản chi của doanh nghiệp cho các dịch vụ do các cá nhân không có đăng ký kinh doanh cung cấp có thể không được xem là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, bởi lẽ các cá nhân không có đăng ký kinh doanh không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp khi cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.

Kết

Về ý kiến nên đưa quy định về hợp đồng không giờ vào BLLĐ, quan điểm của người viết bài này là chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại, do tính chất của loại hợp đồng này đang có những xung đột với pháp luật lao động hiện hành về các nội dung có liên quan đến thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của NLĐ, các quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ đối với NLĐ và các loại bảo hiểm bắt buộc.

Trên thực tế, hợp đồng không giờ ở nước Anh cũng đang vấp phải một số ý kiến chỉ trích khi chúng bộc lộ những hạn chế nhất định. Việc quy định về hợp đồng không giờ trong pháp luật về lao động có thể đi ngược lại các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do trong khu vực và trên thế giới.

(*) Công ty Luật Phuoc & Partners

(1) Doug Pyper, Zero-hours contracts, [Briefing paper No. 06553, 2018], 4

(2) Điều 27A.(3), Phần 2A của Employment Rights Act 1996

Vũ Ngọc Yến - Lại Thị Diệu Thùy(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/zero-hours-contract-va-cac-van-de-phap-ly/