Zimbabwe lại chìm trong khủng hoảng?

Zimbabwe, quốc gia nghèo ở khu vực Nam Phi, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị mới khi Tổng thống Emmerson Mnangagwa bị phản đối trong chính nội bộ đảng cầm quyền khiến người ta liên tưởng đến cuộc đảo chính năm 2017 xảy ra với người tiền nhiệm của ông.

Mầm mống bất ổn

Đất nước Zimbabwe chính thức giành được độc lập từ Anh vào năm 1980, sau cuộc cách mạng kéo dài 15 năm, được lãnh đạo bởi Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU) do ông Robert Mugabe lãnh đạo. Ông Mugabe sau đó được bầu làm tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Zimbabwe.

Nắm quyền từ năm 1980 đến 2017, ông Robert Mugabe đã để lại một di sản chính trị đầy tranh cãi. Dù được ca ngợi vì vai trò trong cuộc đấu tranh giành độc lập, nhưng quản lý đất nước không phải là điểm mạnh của ông. Chính sách thu hồi sở hữu đất của ông đã phá hủy nền nông nghiệp, khiến kinh tế Zimbabwe suy sụp. Từ đất nước từng được coi là “vựa lúa của châu Phi”, Zimbabwe rơi vào cảnh thiếu lương thực, dẫn đến nạn đói.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Zimbabwe giảm hơn 40% từ năm 2000 đến 2008. Ông cũng bị cáo buộc gian lận trong những cuộc bầu cử suốt thời gian cầm quyền của mình giúp ông giữ vị trí tổng thống trong 37 năm và chỉ rời ghế khi đã 92 tuổi.

Tổng thống Emerson Mnangagwa muốn tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 3.

Tổng thống Emerson Mnangagwa muốn tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 3.

Điều đáng nói là, lực lượng đã đẩy ông Mugabe khỏi ghế tổng thống vào năm 2017 không phải là phe đối lập mạnh mẽ nào mà lại chính là những “đồng minh” cũ của ông Mugabe trong đảng ZANU-PF. Người lãnh đạo cuộc “lật đổ” đó chính là Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa. Ông Mnangagwa đã lãnh đạo quân đội làm một cuộc đảo chính vào tháng 11/2017, ép ông Mugabe từ chức và lên làm tổng thống thứ hai của đất nước từ đó tới nay.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mnangagwa hứa hẹn "một Zimbabwe mới" với cải cách kinh tế và chống tham nhũng, nhưng tình hình không cải thiện. Năm 2023, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát ở Zimbabwe lên tới 285%, đồng tiền Zimbabwe mất giá nghiêm trọng. Tham nhũng vẫn hoành hành khi Zimbabwe xếp thứ 157/180 trên bảng chỉ số tham nhũng toàn cầu năm 2023. Cá nhân ông Mnangagwa bị cáo buộc là “tham quyền cố vị” khi đang cố gắng tìm cách kéo dài thời gian cầm quyền của mình bất chấp Hiến pháp Zimbabwe quy định mỗi tổng thống chỉ được giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ.

Theo đúng quy định, nhiệm kỳ thứ 2 của ông Mnangagwa sẽ kết thúc vào năm 2028, nhưng từ giữa năm ngoái, một số thành viên của đảng ZANU-PF đã kiến nghị “chương trình nghị sự 2030” kêu gọi tổng thống nên tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3 để tiếp tục cải cách. Tại một hội nghị vào tháng 12/2024, đảng ZANU-PF đã có động thái cho phép sửa đổi hiến pháp, gia hạn nhiệm kỳ của ông Mnangagwa đến năm 2030. Tuy nhiên, theo luật, để sửa hiến pháp cần sự chấp thuận của thượng viện và cần có một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Nhưng, khi thông tin này được đưa ra thì những cuộc tranh cãi đã nổ ra khắp nơi.

Cuộc đảo chính năm 2017 đã đưa ông Mnangagwa lên làm tổng thống.

Cuộc đảo chính năm 2017 đã đưa ông Mnangagwa lên làm tổng thống.

Đảng ZANU-PF của ông Mnangagwa, cầm quyền từ năm 1980, hiện vẫn là “trụ cột quyền lực” của đất nước Zimbabwe với tầm ảnh hưởng chi phối toàn bộ nền chính trị, kinh tế và quân đội của đất nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây nội bộ đảng đang chia rẽ sâu sắc giữa phe của ông Mnangagwa và các đối thủ như Phó Tổng thống Constantino Chiwenga. Theo nhà phân tích chính trị Eldred Masunungure đến từ Đại học Zimbabwe thì: "Tổng thống Mnangagwa đang mất dần sự ủng hộ trong quân đội và đảng cầm quyền, giống như ông Mugabe năm 2017".

Diễn biến khủng hoảng hiện nay

Việc ông Mnangagwa đánh mất sự ủng hộ có rất nhiều nguyên nhân. Bắt đầu từ cuộc bầu cử gây tranh cãi vào tháng 8/2023, khi ông bị phe đối lập và các tổ chức quốc tế chỉ trích là thiếu minh bạch. Báo cáo đến từ đơn vị giám sát bầu cử của Liên minh châu Phi (AU) ghi nhận "nhiều vi phạm trong quá trình bỏ phiếu". Dù vậy, ông Mnangagwa vẫn tái đắc cử với 52,6% phiếu bầu, trong khi lãnh đạo đối lập Nelson Chamisa (đảng CCC) lại bị tố cáo gian lận.

Nghèo đói và thất nghiệp là tình trạng phổ biến ở đất nước Zimbabwe hiện nay.

Nghèo đói và thất nghiệp là tình trạng phổ biến ở đất nước Zimbabwe hiện nay.

Sau cuộc bầu cử, Chính phủ Zimbabwe tiếp tục bị tố cáo “mất dân chủ” khi liên tục sử dụng lực lượng an ninh đàn áp biểu tình của phe đối lập. Theo tổ chức nhân quyền Amnesty International, năm 2023 có ít nhất 50 người thiệt mạng trong các cuộc đàn áp của chính quyền. Những cáo buộc này ngày càng lan rộng làm giảm uy tín quốc tế của cá nhân ông Mnangagwa cũng như đảng ZANU-PF.

Cùng với những cáo buộc chính trị, kết quả điều hành kinh tế của chính phủ do ông Mnangagwa lãnh đạo cũng rất ảm đạm. Tỷ lệ thất nghiệp theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2023 ước tính lên tới 85%. Cơ sở hạ tầng yếu kém đến mức không đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản của nhân dân. Ngay tại thủ đô Harare, tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt cũng rất phổ biến khi thường xuyên bị cắt (có khi lên đến 18 giờ/ngày), ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất. Hệ thống tài chính Zimbabwe gần như sụp đổ sau khi chính phủ cho Ngân hàng Trung ương Zimbabwe in tiền liên tục, dẫn đến mất giá tiền tệ. Nợ công hiện chiếm 98% GDP khiến Zimbabwe không thể vay quốc tế.

Về xã hội, có tới 70% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Tình trạng di cư ồ ạt và nghèo đói ngày càng phổ biến. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), từ năm 2023 có hơn 3 triệu người (tương đương 20% dân số) đã rời Zimbabwe sang Nam Phi, Botswana tìm việc. Theo khảo sát của Afrobarometer cuối năm 2023 thì có tới 72% người dân Zimbabwe không tin tưởng chính phủ. Trong khi đó, bản thân ông Mnangagwa bị cáo buộc tham nhũng và để cho gia đình nắm nhiều quyền lực.

Những cuộc biểu tình chỉ khiến tình hình đất nước trở nên tồi tệ hơn

Những cuộc biểu tình chỉ khiến tình hình đất nước trở nên tồi tệ hơn

Năm 2023, một cuộc điều tra của của tờ báo Al Jazeera tiết lộ rằng các quan chức Zimbabwe đã “sử dụng các băng đảng buôn lậu để bán vàng của đất nước”. Sự ủng hộ ngay trong đảng ZANU-PF cũng ngày càng giảm khi người đang dẫn đầu cuộc phản đối ông Mnangagwa hiện nay lại chính là một đồng minh thân cận của ông, ông Blessed “Bombshell” Geza. Điều này đã dẫn đến rạn nứt lớn nhất trong đảng khi hôm 7/3/2025, ông Geza đã bị trục xuất khỏi ZANU-PF. Ông Geza sau đó đã bỏ trốn và bị truy nã vì nhiều tội danh.

Bóng ma đảo chính lởn vởn

Cùng có một vị tổng thống điều hành yếu kém nhưng lại “tham quyền cố vị”, cùng có những đồng minh cũ dẫn đầu phe chỉ trích, câu chuyện của Zimbabwe năm 2025 rất giống với những gì đã xảy ra vào năm 2017 khiến người ta không khỏi có sự liên tưởng. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi một thông tin trên Báo The Zimbabwe Mail cuối năm 2024 cho biết: “Nhiều sĩ quan cao cấp bất mãn do không được trả lương đầy đủ”. Thông tin này chưa chắc đã là sự thật khi quân đội luôn có mối liên hệ mật thiết với chính quyền do đảng ZANU-PF lãnh đạo nhưng nó đem đến một thông điệp nguy hiểm là: đang có sự phản đối trong quân đội dành cho ông Mnangagwa.

Ông Blessed Geza từ đồng minh thân cận trở thành người chống lại tổng thống Mnangagwa.

Ông Blessed Geza từ đồng minh thân cận trở thành người chống lại tổng thống Mnangagwa.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, Tổng thống Mnangagwa đã xáo trộn dàn lãnh đạo lực lượng vũ trang của đất nước. Tướng Anselem Sanyatwe, chỉ huy đội cận vệ tổng thống, đã bị sa thải hôm 28/3/2025. Trước đó, tướng Godwin Matanga, Cảnh sát trưởng quốc gia và tướng Isaac Moyo, người đứng đầu Cơ quan Tình báo đã bị sa thải. Hiện nay, trong đảng ZANU-PF, nhiều ý kiến đã công khai bày tỏ ông Mnangagwa nên trao lại quyền cho Phó Tổng thống Constantino Chiwenga.

Ngày 31/3 vừa qua, “lãnh đạo đối lập” Blessed Geza đã phát ra lời kêu gọi biểu tình trên toàn quốc để phản đối Tổng thống Mnangagwa. Chỉ có một số cuộc biểu tình lẻ tẻ diễn ra do chính quyền đã tăng cường kiểm soát an ninh và bản thân người dân cũng không thực sự hưởng ứng lời kêu gọi do “mọi người tin rằng ông Geza sẽ không chiến đấu vì họ”, dẫn lời nhà phân tích chính trị Takura Zhangazha. Mặc dù, theo người phát ngôn của chính phủ - ông Farai Muroiwa Marapira thì “cuộc biểu tình là một thất bại” nhưng với nhiều hình ảnh về những cuộc đàn áp đang được lan truyền trong những ngày qua có vẻ như nó cũng đã khơi lên không ít sự phẫn nộ trong dân chúng.

Có thể, ngay lúc này, một cuộc đảo chính quân sự như năm 2017 chưa xảy ra nhưng những diễn biến chính trị tại Zimbabwe những ngày qua cho thấy sự bất mãn đang dần lên cao và chắc chắn ông Mnangagwa không “an toàn” trên chiếc ghế của mình. Nhưng, nếu nhìn vào gốc rễ của vấn đề, chúng ta sẽ nhận thấy khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe hiện nay là hệ quả của tình trạng tham nhũng, quản lý yếu kém và chia rẽ nội bộ. Dù có đảo chính quân sự hay không thì giải pháp tốt nhất vẫn là cải cách kinh tế và đối thoại chính trị để nâng cao hiệu quả chính phủ. Nếu không, Zimbabwe sẽ tiếp tục chìm trong hỗn loạn, kéo theo hậu quả nghiêm trọng cho người dân.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/zimbabwe-lai-chim-trong-khung-hoang--i764568/