10 dấu ấn giáo dục - đào tạo nổi bật năm 2023

Ngày 30-12, Bộ GD-ĐT công bố 10 dấu ấn GD-ĐT nổi bật năm 2023. Trong đó có sự kiện xác định phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ trên một triệu giáo viên cả nước..

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì họp báo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì họp báo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Theo đó, 10 dấu ấn GD-ĐT nổi bật năm 2023 bao gồm:

1. Đánh giá kết quả 10 năm đổi mới GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29). Ngành GD-ĐT đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới, phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

2. Thúc đẩy phát triển GD-ĐT 6 vùng kinh tế - xã hội: Hiện thực hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng miền. Bộ GD-ĐT tổ chức 6 hội nghị phát triển GD-ĐT 6 vùng kinh tế - xã hội nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển GD-ĐT của vùng; đã ban hành 6 kế hoạch hành động để xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD-ĐT của 6 vùng.

3. Đánh giá giữa kỳ quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Phát huy thành quả, tháo gỡ khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới. 4 nhóm giải pháp đã được chỉ rõ trong báo cáo đánh giá giữa kỳ của Bộ GD-ĐT gồm: Tiếp tục phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách giáo khoa; tập trung thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên cho giáo dục theo quy định.

4. Phê duyệt sách giáo khoa mới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tính đến cuối năm 2023, nhiệm vụ này đã được Bộ GDĐT hoàn thành.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu năm 2023

5. Xác định phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Dấu ấn của đổi mới

Ngày 28-11-2023, phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được công bố rộng rãi tới toàn thể xã hội. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Cùng với phương án thi, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 làm căn cứ để các nhà trường, giáo viên, học sinh tham khảo cho quá trình dạy và học.

6. Phát triển và chăm lo đội ngũ nhà giáo: Đổi mới chính sách, bổ sung biên chế, quan tâm, chăm lo đời sống giáo viên.

Ngày 25-9-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP chính thức bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thành xét thăng hạng. Việc bỏ thi thăng hạng viên chức đã giúp xóa bỏ những tồn tại từ thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo giáo viên.

Tiếp tục thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, năm 2024 các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông.

7. Gặp gỡ trên một triệu giáo viên cả nước: Chia sẻ, đồng thuận, quyết tâm đổi mới giáo dục.

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên có cuộc gặp gỡ với hơn 1 triệu nhà giáo trên cả nước

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên có cuộc gặp gỡ với hơn 1 triệu nhà giáo trên cả nước

Ngày 15-8-2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước. Đây là lần đầu tiên, hoạt động này được tổ chức. Trước khi diễn ra, thông qua kênh của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hơn 6.300 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng, cho thấy sự quan tâm, mong mỏi của giáo viên được trò chuyện, lắng nghe giải đáp trực tiếp từ người đứng đầu ngành về những vấn đề thiết thân với đội ngũ.

8. Tích cực, chủ động chuyển đổi số: Số hóa đầy đủ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Năm 2023, ngành giáo dục lần đầu tiên đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó có công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS. Đến nay, Bộ GD-ĐT đã đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023. Bộ cũng đã thực hiện xác thực và định danh được gần 24,21/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh; đã đồng bộ, làm giàu cho dữ liệu dân cư thông tin (chuyên ngành GD-ĐT) của hơn 24 triệu công dân là giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành giáo dục.

 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và khu vực năm 2023

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và khu vực năm 2023

9. Ngày 10-6-2023, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp Hội Khuyến học Việt Nam phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời.

10. Duy trì tốp 10 quốc gia đạt kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế cao nhất.

Năm 2023, 7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia. Tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải, với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/10-dau-an-giao-duc-dao-tao-noi-bat-nam-2023-post720612.html