10 dự án gần 34.000 tỷ sắp đổ bộ thị trường bất động sản công nghiệp

Theo thống kê của người viết, từ đầu năm đến nay, có 10 khu công nghiệp mới trên cả nước đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 2.683 ha, tổng mức đầu tư 33.670 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thổ Hoàng ở tỉnh Hưng Yên.

Dự án có diện tích 250 ha, được thực hiện tại xã Vân Du, xã Xuân Trúc, xã Quang Lãng và thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi. Tổng vốn đầu tư là 3.095 tỷ đồng. Nhà đầu tư là CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Ân Thi.

Tại Long An, hồi đầu tháng 6, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Long mở rộng cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư. Địa điểm thực hiện tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức và xã Long Định, Phước Vân, huyện Cần Đước.

Dự án có quy mô sử dụng đất gần 329 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.642 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phúc Long.

Ngày 31/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Tân Phước 1Tiền Giang. Đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư đối với CTCP IDICO Tiền Giang

Dự án có vốn đầu tư 5.936,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 896,4 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất rộng 470 ha. Địa điểm thực hiện tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Tại Khánh Hòa, vào tháng 3, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 280 ha. Địa điểm thực hiện tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh và xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa.

Nhà đầu tư là CTCP phát triển khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 1.807 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 271 tỷ đồng.

Ở Thái Nguyên, Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 được duyệt đầu tư vào ngày 7/3. Dự án nằm trên địa bàn xã Bá Xuyên và xã Tân Quang, TP Sông Công. Bao gồm 2 khu vực. Trong đó, khu số 1 có quy mô 175,5 ha và khu số 2 có quy mô 120,7 ha.

Nhà đầu tư là Công ty Viglacera Thái Nguyên (công ty con của Tổng công ty Viglacera - CTCP). Tổng vốn dự án hơn 3.985 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 598 tỷ đồng.

Tại TP Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 5/3. Vị trí dự án nằm trên địa bàn các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh.

Chủ đầu tư dự án là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Tổng vốn là 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.268 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất của khu công nghiệp gần 299,5 ha.

Ở Tây Ninh, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1 có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 1/3. Chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP.

Dự án đặt tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu. Quy mô sử dụng đất hơn 495 ha (không bao gồm phần diện tích tại đường Xóm Bố - Bàu Đồn; kênh thủy lợi N8; tuyến đường quy hoạch cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và đường sắt TP HCM - Tây Ninh đi qua dự án). Tổng vốn đầu tư là 2.350 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 352,5 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động kéo dài 50 năm.

Cũng trong tháng 3, một dự án khác tại Long An là Khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng được duyệt chủ trương đầu tư. Dự án đặt tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, quy mô sử dụng đất gần 113 ha. Nhà đầu tư là CTCP Đầu tư kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát. Tổng vốn đầu tư hơn 1.443 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 268,5 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, liên tiếp hai dự án đã được Phó Thủ tướng ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hồi tháng 2.

Thứ nhất là Khu công nghiệp Việt Hàn mở rộng, đặt tại xã Hồng Thái, xã Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Quy mô rộng hơn 147 ha đất, tổng vốn gần 1.237 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Công ty TNHH phát triển Fuji Phúc Long.

Thứ hai là Khu công nghiệp Phúc Sơn, vị trí ở xã Phúc Sơn và xã Lam Cốt, huyện Tân Yên. Dự án có quy mô gần 124 ha đất, tổng vốn 1.836 tỷ đồng. Nhà đầu tư là CTCP Le Delta.

Một khu công nghiệp ở Bắc Giang. (Ảnh minh họa: Báo Bắc Giang)

Một khu công nghiệp ở Bắc Giang. (Ảnh minh họa: Báo Bắc Giang)

Kịch bản nào cho BĐS công nghiệp 2024?

Chứng khoán MB (MBS) dẫn số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 416 KCN đã thành lập, tăng thêm 6 KCN mới so với năm 2022, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129.900 ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp cả nước đạt khoảng 89.200 ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ, mức tăng chủ yếu ở thị trường miền Bắc. Tổng diện tích đất KCN đã cho thuê đạt khoảng 51.800 ha, tăng 2.800 ha (tăng 5.7% so với cùng kỳ), tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.

Về giá cho thuê trung bình, khu vực miền Nam ổn định ở mức 168 USD/m2/chu kỳ thuê. Còn khu vực miền Bắc tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 123 USD/m2/chu kỳ thuê.

Dự báo về kịch bản của thị trường BĐS công nghiệp, MBS cho rằng thời gian tới sẽ có 2 xu hướng định hình ngành BĐS công nghiệp trong nước. Xu hướng thứ nhất là dòng vốn đầu tư đang có sự dịch chuyển sang thị trường loại 2 trên cả nước nhờ nguồn cung dồi dào, giá thuê thấp.

Tại miền Bắc, dòng vốn FDI có xu hướng chảy sang những thị trường như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Tỷ trọng dòng vốn vào thị trường loại 2 từ 2018 đến nay ghi nhận mức tăng rõ rệt (từ mức 20% năm 2018 lên 53% trong năm 2023). Lý do bởi giá thuê đất KCN tại thị trường loại 2 thấp hơn 20% so với thị trường loại 1, diện tích đất thương phẩm còn lại nhiều, tỷ lệ lấp đầy thị trường loại 2 mới đạt 64%.

Tại miền Nam, tỷ trọng dòng vốn FDI vào thị trường loại 2 có xu hướng tăng trong năm 2023, từ mức 21,6% năm 2022 lên 23,2% năm 2023. Nguyên nhân là nhờ lợi thế về diện tích đất KCN có thể cho thuê lớn, tỷ lệ lấp đầy thị trường loại 2 chỉ đạt 63% trong khi thị trường loại 1 đã đạt tới 90%, giá thuê đất tại thị trường loại 2 chỉ bằng một nửa so với giá tại thị trường loại 1.

Xu hướng thứ hai là phát triển KCN xanh để thu hút dòng vốn FDI vào ngành công nghệ cao. Theo đó, KCN truyền thống đang mất đi lợi thế cạnh tranh khi chỉ có nhà máy sản xuất thuần túy, nhà ở và các dịch vụ tiện ích khác. Xu hướng phát triển KCN xanh đang dần thu hút được nhiều nhà đầu tư hướng tới yếu tố xanh, bền vững.

Xây dựng KCN xanh để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp xanh là xu thế chung trên thế giới. Dự án đầu tư xanh trên thế giới năm 2022 tăng 54% về giá trị và 6% về số lượng dự án so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất ở Châu Phí (36%) và Châu Á (32%).

Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang tập trung thu hút vào ngành công nghiệp xanh, số lượng dự án xanh tăng trưởng năm 2021, 2022 lần lượt là 12% và 21%. Indonesia thu hút đầu tư vào chuỗi sản xuất xe điện, Singapore tập trung vào ngành chất bán dẫn và công nghệ 4.0, Thái Lan phát triển ngành điện tử, còn Việt Nam ở giai đoạn đầu trong thu hút đầu tư xanh.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/10-du-an-gan-34000-ty-sap-do-bo-thi-truong-bat-dong-san-cong-nghiep.html