100 năm ngày sinh danh họa Dương Bích Liên (17/7/1924 - 17/7/2024): Sống trầm lặng, vẽ thầm lặng và tỏa sáng

Dương Bích Liên cùng với Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái tạo thành 'bộ tứ huyền thoại' của hội họa Việt Nam. Ông giống với những người bạn của mình, đó là sự đam mê hội họa để sáng tạo ra những tác phẩm đỉnh cao.

Quý hồ tinh, bất quý hồ đa

Sinh thời, họa sĩ Dương Bích Liên sống một mình trong căn nhà đơn sơ ở gần dốc Bà Triệu (Hà Nội). Người đương thời vẫn nhớ tới một họa sĩ sống khép kín, ẩn mình. Ông không thích xuất hiện ở những chỗ đông người, nhất là chỗ xa lạ. Những nơi ông thường hay lui tới đó là chỗ ông có thể gặp những người bạn “cùng cạ” với mình. Sinh thời, họa sĩ Dương Bích Liên chỉ năng đến chơi với họa sĩ Nguyễn Sáng và họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông cũng từng im lặng trước nhiều lời đề nghị tổ chức triển lãm cá nhân cho ông. Có chuyện mà bây giờ kể lại, nhiều người nghĩ là chuyện đùa, chuyện tếu. Ấy là khi một mình khép kín với những suy nghiệm để vẽ, họa sĩ Dương Bích Liên không muốn tiếp ai. Với những người ông không muốn gặp, ông thò đầu ra khỏi cửa nói: "Tôi đi vắng rồi…".

Ẩn sau lối sống khép kín, có phần dị biệt, là một con người luôn khát khao đi tìm vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình. Ông dành cả cuộc đời mình để dấn sâu vào nghệ thuật giá vẽ. Họa sĩ Dương Bích Liên cũng không phải là người “tiện đâu vẽ đó”. Ông luôn tự đặt ra những yêu cầu cao đối với cá nhân, và hiếm khi hài lòng với những tác phẩm vẽ xong. Thậm chí, trước khi chết, ông chỉ ao ước được đốt hết những tác phẩm của ông đã vẽ để hóa thân cùng ông về với cát bụi.

Bây giờ hậu thế nhìn lại, thấy di sản hội họa mà họa sĩ Dương Bích Liên để lại chỉ có 79 bức tranh, trong đó nổi tiếng là những tác phẩm: "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc" (sơn mài), "Chiều vàng" (sơn mài), "Mùa gặt" (sơn dầu), "Hào" (sơn dầu), "Hành quân đêm" (sơn dầu)... Có những bức vẽ ông nghiền ngẫm ý tưởng rất lâu. Chẳng hạn, ông được gặp và được phép ở cạnh Bác Hồ để vẽ tranh từ năm 1954, nhưng phải đến năm 1980 ông mới vẽ bức sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”. Bức này sau đó đoạt Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980. Đến năm 2017, tác phẩm này được công nhận là Bảo vật quốc gia, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Có một câu chuyện mà sau này giới họa sĩ vẫn nhớ, là vào năm 1980 khi Hội Mỹ thuật Việt Nam có lời mời “bộ tứ” Nghiêm, Liên, Sáng, Phái tổ chức triển lãm cá nhân, chỉ có Dương Bích Liên không tham gia với lý do "chưa hài lòng với những tác phẩm mình có".

Họa sĩ Dương Bích Liên vẽ ít, ông chủ trương thực hành nghệ thuật theo lối “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Song, những sáng tác của ông được giới họa sĩ và phê bình mỹ thuật công nhận là thế giới nghệ thuật sang trọng, nghiêm túc.

Tác phẩm "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc" (sơn mài) được họa sĩ Dương Bích Liên sáng tác năm 1980

Tác phẩm "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc" (sơn mài) được họa sĩ Dương Bích Liên sáng tác năm 1980

Lối vẽ tinh tế và chắt lọc

Họa sĩ Dương Bích Liên sinh ngày 17/7/1924 tại Hà Nội, nhưng quê ông ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức nho học, nổi tiếng có nhiều người thành đạt, lập nghiệp theo con đường nhân sĩ, giáo chức, thày thuốc, một dòng tộc có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước. Ông nội và bác ruột của ông là những sĩ phu yêu nước từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục và bị Pháp đày ra Côn Đảo. Người bác ruột khác của ông là giáo sư Dương Quảng Hàm, một nho sĩ yêu nước, một nhà sư phạm mẫu mực, nhà nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám, tác giả của nhiều công trình học thuật nổi tiếng, đã hy sinh khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ 1946. Người anh ruột và em trai ông cũng là những liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp…

Năm 16 tuổi, Dương Bích Liên đã là sinh viên khóa cuối cùng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1940 - 1945). Dấn thân với lý tưởng cách mạng và nghệ thuật, họa sĩ Dương Bích Liên rời gia đình lên chiến khu tham gia trong những đoàn kịch, đoàn văn công, đoàn văn hóa kháng chiến, làm báo... Những năm tham gia kháng chiến đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm và những kỷ niệm đó đã làm nên những tác phẩm để đời cho hậu thế.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh danh họa Dương Bích Liên, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ, Dương Bích Liên là một nhà tri thức uyên bác, ông đọc nhiều, học nhiều, nhưng sống yên lặng bên cạnh cuộc sống ồn ào của đô thị. Đời sống nghệ thuật của ông là dòng chảy lặng lẽ đầy tính nghệ thuật. “Mỹ thuật hiện đại Việt Nam may mắn có được bộ “tứ trụ” cuối cùng kết thúc “thế hệ vàng” của mỹ thuật Đông Dương, đây là gạch nối hết sức đa dạng cho xu thế càng ngày càng đa dạng của mỹ thuật đương đại Việt Nam”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Giới nghiên cứu mỹ thuật đánh giá, các tác phẩm của họa sĩ Dương Bích Liên mang nhiều cảm xúc tình yêu với cách mạng, với các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và tuổi trẻ Việt Nam. Một số tác phẩm khác thì nhẹ nhàng bởi vẻ đẹp duyên dáng, quyến rũ, thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của con người, thiên nhiên đất nước với chất lượng nghệ thuật cao. Ông vẽ tinh tế và chắt lọc, vừa chân thực vừa sống động đồng thời có sự bay bổng và mơ mộng. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau: trong sáng, lộng lẫy với sơn mài, khỏe khoắn trong sơn dầu, mềm mại trong phấn dầu, thuốc nước.

Nếu họa sĩ Bùi Xuân Phái nổi tiếng với những bức tranh vẽ phố cổ Hà Nội thì họa sĩ Dương Bích Liên được nhiều người yêu mến với những bức tranh ông vẽ phụ nữ Việt Nam. Trong giới hội họa Việt Nam đến nay vẫn lưu truyền câu "Phố Phái, gái Liên" là bởi vậy. Xem lại những bức tranh ở mảng đề tài này, thấy chân dung phụ nữ của Dương Bích Liên rất đa dạng, đẹp một cách dung dị, đặc biệt chinh phục người xem bởi cái "duyên thầm". Đó là những bức chân dung "Sang mà không lòe loẹt. Đẹp mà không lẳng lơ", "cho ta cả cái Đẹp lẫn cái Thiện" - như nhận xét của họa sĩ Trần Khánh Chương.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, "phẩm chất mơ mộng chiếm toàn bộ nghệ thuật của Dương Bích Liên, dù đôi lúc sự mơ mộng ấy được trình bày dưới vẻ khắc nghiệt. Họa sĩ không bám vào một cảnh trí như Bùi Xuân Phái, không trầm kha vào các ý tưởng và số phận như Nguyễn Sáng, mà tinh tế đứng bên ngoài cái mình vẽ và nhìn nó vừa như là một sự kiện hiện hữu có thực, vừa như một chuyện bịa, một cảnh nằm mơ. Với tranh Dương Bích Liên (qua những “Cô gái và hoa cúc”, “Mùa gặt”...), có thể thấy họa sĩ luôn sống trong nỗi buồn nhân thế, trong những ám ảnh cô đơn".

Còn họa sĩ Đặng Thị Khuê - người từng có 11 năm được gần gũi tiếp xúc với họa sĩ Dương Bích Liên, do làm việc ở Hội Mỹ thuật Việt Nam thì cho rằng, tranh của họa sĩ Dương Bích Liên dù là chất liệu gì, thể loại nào cũng đều mang vẻ đẹp huyền ảo, lung linh, lãng đãng cổ kính vừa gợi cảm vừa bí ẩn. Tái tạo vẻ đẹp tự nhiên qua nhãn thức của riêng mình, ông gửi gắm cả tâm tình trong mối ưu tư da diết... vì thế những khoảng trống trong tranh Dương Bích Liên lại chứa nhiều ý nghĩa nhất khiến người xem bị ám ảnh. Thế giới nghệ thuật của họa sĩ chứa đầy tương phản: vừa lánh đời lại vừa cuồng nhiệt, vừa bình dị lại vừa uyên thâm, vừa bâng quơ, vừa cao thượng, hào sảng… Tồn tại trong im lặng, lấy sáng tạo làm lẽ sống, ông đã một mình với tất cả. Và sự có mặt của ông là sự có mặt của một "nhân cách độc lập đầy kiêu hãnh".

“Trong “bộ tứ huyền thoại”, thì họa sĩ Dương Bích Liên vẫn là một người đầy bí ẩn. Sự lựa chọn của ông ấy là rất rõ ràng, ông ấy như là một ánh sao, một tia chớp thầm lặng đi qua bầu trời nghệ thuật của thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi đổi mới, và để lại những ánh hào quang lung linh…”, họa sĩ Đặng Thị Khuê nhấn mạnh.

Họa sĩ Dương Bích Liên qua đời sau khi người bạn vẽ thân thiết Bùi Xuân Phái mất chỉ khoảng 6 tháng. Ông chọn cách ra đi cũng không giống ai. Đó là một buổi sáng ngày 12/12/1988, khi đó ông mới 64 tuổi. Mấy ngày trước đó, ông đã quyết định... tịch cốc (không ăn cơm, chỉ uống rượu).

Với những đóng góp của mình cho hội họa Việt Nam, năm 2000, họa sĩ Dương Bích Liên đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật.

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/100-nam-ngay-sinh-danh-hoa-duong-bich-lien-1771924-1772024-song-tram-lang-ve-tham-lang-va-toa-sang-153617.html