100 ngày chiến sự Nga-Ukraine: Trận chiến ở miền Đông sẽ quyết định thắng-thua
Sau khi rút khỏi thủ đô Kiev và kết thúc giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga chuyển trọng tâm sang khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine và giành được nhiều bước tiến trong khu vực, mặc dù cuộc chiến được đánh giá còn lâu mới kết thúc.
Chiến trường Donbass sẽ quyết định tương lai
Theo đánh giá của các nhà quan sát phương Tây, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine từ ngày 24/2 đến nay có thể đã không đạt được mục tiêu ban đầu. Nhưng với việc kiểm soát hoàn toàn thành phố cảng Mariupol, lực lượng Nga đã thiết lập một đường liên kết trên bộ với bán đảo Crimea mà nước này sáp nhập từ năm 2014.
Donbass giờ đây sẽ là chiến trường quyết định tương lai Ukraine cũng như chiến dịch quân sự của Nga. Nếu chiến dịch giành thắng lợi ở Donbass, Nga có thể khiến phương Tây nao núng, các lực lượng Ukraine suy giảm nhuệ khí chiến đấu, đồng thời củng cố sức mạnh cũng như sức ảnh hưởng của Tổng thống Vladimir Putin. Ngược lại, nếu không đạt được mục tiêu ở Donbass, chiến dịch quân sự của Nga có nguy cơ thất bại.
Trong vài ngày qua, quân đội Nga đã đạt những bước tiến đáng kể ở Donbass và kiểm soát được phần lớn thành phố Sievierodonetsk quan trọng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thừa nhận rằng “tình hình ở Donbass vô cùng khó khăn”.
Ông Mathieu Boulegue thuộc tổ chức tư vấn quân sự Chatham House của Anh nhận định: “Các lực lượng Nga hiện đang chiếm ưu thế ở Donbass, nhưng trong những tuần tới, Moscow sẽ buộc phải chuyển từ chiến tranh di chuyển sang chiến đấu từ các vị trí cố định. Lực lượng của họ đang mệt mỏi. Các vị trí sẽ sớm đóng băng tại chỗ”.
Nhà sử học quân sự người Pháp Michel Goya cho rằng: “Trận chiến giành Donbass còn lâu mới kết thúc”. Theo ông, mặt trận phía Đông “trở thành một trận chiến quyết định và cần tập trung nỗ lực trong những tuần tới”.
Cuộc chiến tiêu hao kéo dài
Mục tiêu của Điện Kremlin là “tiếp cận biên giới hành chính của Donbass”, cựu tướng quân đặc nhiệm Pháp Christophe Gomart nói với đài truyền hình RTL ngày 31/5.
“Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn, họ sẽ phải tạm dừng chiến dịch, vì hai bên đã chiến đấu hơn 3 tháng qua và đã kiệt sức. Hiện giờ cuộc xung đột đang trở thành một cuộc chiến tiêu hao”, ông Gormat nói.
Ông Michael Kofman, thuộc tổ chức nghiên cứu CNA có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Ukraine có thể mất lãnh thổ trong ngắn hạn, nhưng Nga cũng phải đối mặt với những vấn đề lớn trong việc duy trì khả năng quân sự của mình trong dài hạn để giữ vững thành quả”.
Ông Boulegue thuộc tổ chức tư vấn quân sự Chatham House nói rằng, các cuộc phản công của Ukraine xung quanh các thành phố phía nam Mykolayiv và Kherson cho thấy “các khu vực này đang bị tranh chấp” chứ không phải do Moscow kiểm soát hoàn toàn.
Đồng quan điểm với ông Gomart, ông Mark Cancian, thuộc tổ chức tư vấn CSIS có trụ sở tại Mỹ, dự đoán về “một cuộc chiến tiêu hao kéo dài”.
“Hiện tại, không bên nào có vẻ sẵn sàng thỏa hiệp hoặc thực hiện một thỏa thuận… Cho đến khi một bên quyết định, đây sẽ là một kiểu xung đột đóng băng cấp độ thấp”. ông Cancian nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ rút lại lực lượng.
“Với những đánh giá hiện nay, chúng tôi có thể nói rằng, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa”, ông Blinken nói.
Phương Tây tăng tốc bơm vũ khí cho Ukraine
Cho tới nay, Nga đã đưa tới chiến trường Ukraine hàng loạt vũ khí hiện đại và uy lực, trong đó có cả tên lửa siêu thanh và hệ thống laser chiến đấu.
Hồi tháng 3, Nga tuyên bố sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal để phá hủy một kho vũ khí ở phía Tây Ukraine. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 cũng đã được đưa tới chiến trường Ukraine cuối tháng 5.
Bên cạnh đó, Nga cũng tiết lộ nước này đang sử dụng vũ khí laser thế hệ mới có tên là Zadira ở Ukraine. Mỹ nói rằng, không có bằng chứng nào cho thấy loại vũ khí nào như vậy được sử dụng ở Ukraine. Nhưng nếu đây là sự thật, điều này khiến Nga trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí năng lượng định hướng (DEW) trong một cuộc chiến tranh toàn diện.
Giới chức Ukraine nói rằng, họ sẽ không thể giành chiến thắng quân sự trước Nga nếu không được cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại hơn.
Đáp lại, Mỹ và các nước phương Tây bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng hơn và tầm xa hơn cho Ukraine để giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Mỹ đã đồng ý cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS. Tiếp sau Mỹ, Anh tuyên bố sẽ gửi hệ thống phóng rocket đa nòng M270 có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 80km cho Ukraine.
Đức cũng cam kết cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng IRIS-T là hệ thống phòng không hiện đại nhất mà nước này có. Tuyên bố này đánh dấu việc chuyển giao vũ khí phòng không tầm xa đầu tiên cho Ukraine kể từ khi chiến tranh bùng phát cuối tháng 2 vừa qua.
Các vũ khí mới có thể giúp Ukraine thiết lập và giữ các tuyến phòng thủ mới ở phía Đông, đánh trả các trận pháo kích của Nga nhằm vào các thị trấn và thành phố ở miền Đông.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng Nga đang hy vọng sẽ kiểm soát được Donbas trước khi bất kỳ loại vũ khí mới nào của phương Tây có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế.
Lầu Năm Góc cho biết sẽ mất ít nhất 3 tuần để đưa các vũ khí chính xác của Mỹ và lực lượng binh sỹ Ukraine đã được huấn luyện vào chiến trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl bày tỏ tin tưởng, các vũ khí tiên tiến sẽ được đưa tới Ukraine kịp thời để tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến./.