12,76% - không chỉ là con số
12,76% - một con số tưởng như khô khan trong bản tin thống kê cuối quý, lại đang âm thầm viết lại cách người ta nhìn về một vùng đất. Quý I/2025, Hòa Bình - một tỉnh miền núi không cảng biển, không đại đô thị, từng lặng lẽ bên lề những đường cong tăng trưởng, bất ngờ vượt lên, đứng thứ hai cả nước về GRDP. Nhưng điều đáng kể không nằm ở vị trí trên bảng xếp hạng, mà ở cách Hòa Bình đạt tới.
12,76% - một con số tưởng như khô khan trong bản tin thống kê cuối quý, lại đang âm thầm viết lại cách người ta nhìn về một vùng đất. Quý I/2025, Hòa Bình - một tỉnh miền núi không cảng biển, không đại đô thị, từng lặng lẽ bên lề những đường cong tăng trưởng, bất ngờ vượt lên, đứng thứ hai cả nước về GRDP. Nhưng điều đáng kể không nằm ở vị trí trên bảng xếp hạng, mà ở cách Hòa Bình đạt tới.

Bước vào năm 2025, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) tiếp tục khẳng định là một trong những "mắt xích” giữ nhịp ổn định cho sản xuất công nghiệp Hòa Bình.
Không phải đột biến. Đó là kết quả của một quá trình tích lũy dài hơi, nơi những chính sách tưởng chừng khô lạnh đã thấm vào từng thửa ruộng, từng chuyến xe ra vào các khu công nghiệp… Và chính vì vậy, 12,76% không chỉ là một con số, mà là khẳng định từ miền núi rằng: ở đâu có chuẩn bị đủ dài, ở đó có thể bứt phá.
Tăng trưởng - gọi từ những điều nhỏ nhất
Không nhiều người biết rằng, trong những ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng - một công trình trọng điểm quốc gia vẫn thi công không nghỉ. Trong lòng đất, những mũi khoan nhích dần từng mét; trên công trường, kỹ sư và công nhân Công ty xây dựng 47 chia ca trực 24/24h để kịp tiến độ lắp đặt tổ máy trong năm 2025. Đó không phải là một lát cắt riêng lẻ. Đó là tinh thần vận hành không chậm lại, dù mùa xuân rải sắc đào trên khắp núi đồi.
Vậy nên, nếu ngồi lại bên một hàng quán nhỏ gần cổng Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình), không khó để "gặp” câu chuyện bà chủ quán cơm chưa kịp nghỉ Tết, vì "mùng 4 đã có xe tải vào, công nhân đi làm ca sớm lắm”. Có những con số được khởi nguồn từ quyết sách trong phòng họp, lớn dần từ bụi đường, tiếng máy và thậm chí từ những quán cơm sáng đèn sớm nhất một vùng công nghiệp…
Từ những chuyển động lặng lẽ đầu năm ấy, các chỉ số kinh tế của Hòa Bình cũng bắt đầu lên tiếng. Tổng giá trị ngành công nghiệp - xây dựng tăng 27,18% so với cùng kỳ, trong đó riêng sản xuất và phân phối điện tăng gần 89%. Một con số không cần diễn giải dài dòng. Khi điện chạy hết công suất, nghĩa là nhà máy sáng đèn suốt 3 ca, dây chuyền không ngơi nghỉ. Trong ruột mỗi con số là tiếng máy vận hành đều đặn, là dòng vốn luân chuyển không nghỉ, là những chuyến xe vào, ra nơi công trường…
Nhịp tăng cũng lan sang thương mại, dịch vụ, nông nghiệp. Lưu trú và ăn uống tăng 23,4%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 24,7%. Ngành nông nghiệp tăng 4,5%, nhưng điều đáng kể là chất lượng tăng trưởng đã được "nén” bằng những chuyển đổi thật sự: những lô hàng xuất khẩu được sản xuất theo chuỗi, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP - những khái niệm vài năm trước còn khá mới lạ với nông dân Hòa Bình.
"Chỉ trong quý I, vốn đầu tư công của tỉnh đã tăng 121,6%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 6.645 tỷ đồng - tăng gần 39%, trong đó có tới 40 dự án đầu tư mới được cấp phép” - đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết. Đáng mừng là nhiều dự án khởi công sớm, giải ngân nhanh hơn bình quân cả nước, cho thấy sự chủ động của cả hệ thống trong tháo gỡ vướng mắc, đồng hành cùng nhà đầu tư. Các đại công trình như cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội… không còn nằm trên bản vẽ, mà đang bước vào giai đoạn thi công cao điểm, bằng sự phối hợp thần tốc giữa chính quyền và nhân dân.
Ngay cả ở những xã vùng sâu, vùng xa, nhịp đổi thay cũng rõ rệt. Như ở xã Kim Lập (Kim Bôi), hơn 25 km đường giao thông xóm được bê tông hóa bằng nguồn xã hội hóa. Ở vùng cửa ngõ như Lương Sơn, sản phẩm OCOP không chỉ lên kệ siêu thị, mà còn "xuất ngoại” với hộ chiếu xanh. Những chuyển động ấy không còn rời rạc mà đang tụ lại thành dòng chảy. Và Hòa Bình không ồn ào, không phô trương, sáng lên trên bản đồ tăng trưởng quốc gia.
Không ngẫu nhiên - có những bàn tay kiến tạo
Khi ở nhiều nơi, tháng Giêng là để khai hội, thì Hòa Bình đã ngồi lại để tính toán cách đi của cả một năm. Tỉnh bắt đầu năm mới bằng một động tác quan trọng: ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 123-KL/TW của Ban Chấp Trung ương Đảng - một văn bản định hướng lớn, với mục tiêu tăng trưởng toàn quốc đạt 8% trở lên trong năm 2025. Song, điều đáng nói không nằm ở việc Hòa Bình ban hành sớm mà ở chỗ: tỉnh chọn không rải quyết tâm bằng khẩu hiệu, mà gửi vào từng con số cụ thể, từng mốc thời gian buộc phải hoàn thành. Một chương trình hành động đúng nghĩa hành động: ai làm, làm gì, xong lúc nào, kết quả ra sao, đều có dấu mốc rõ ràng.
Hòa Bình không giấu quyết tâm đi xa hơn kỳ vọng - tăng trưởng trên 10% trong năm 2025. Và 3 trụ cột được xác định là: đầu tư công mở đường; cải cách hành chính khai thông dòng chảy; chuyển đổi mô hình phát triển để tạo chiều sâu bền vững.
Năm 2024, Hòa Bình đạt tăng trưởng GRDP 8,96%, đứng thứ 11 cả nước - dấu ấn từ công cuộc cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Không chọn cách bước chậm lại để "giữ vững tăng trưởng”, tỉnh chủ động đẩy mạnh đổi mới mô hình phát triển, chuyển từ số lượng sang chất lượng, từ mở rộng sang chiều sâu. Công nghiệp không chỉ tăng sản lượng, mà bắt đầu hướng đến hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và xanh hóa chuỗi sản xuất. Nông nghiệp không còn đứng riêng một mình, mà dần bước vào chuỗi giá trị liên kết với chế biến, thương mại, logistics. Du lịch thay vì chỉ dẫn khách đến những điểm đẹp, đang học cách giữ chân du khách bằng trải nghiệm, văn hóa bản địa và dịch vụ có chiều sâu.
Ngay cả trong lĩnh vực tưởng chừng khô khan nhất - tài chính, tư duy mới cũng đã ngấm. Thay vì dồn lực vào các khoản thu một lần, ngân sách tỉnh dần dịch chuyển sang thu bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn từ sản xuất và dịch vụ. Đó là thay đổi thầm lặng nhưng mang tính chiến lược, giúp Hòa Bình đứng vững trước những biến động bất định.
Song hành với "hạ tầng cứng” là những chuyển động âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt của "hạ tầng mềm”: cải cách hành chính. Từ cấp tỉnh đến cấp xã, thời gian xử lý hồ sơ tiếp tục được rút ngắn; tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến tăng cao. Ở nhiều địa phương, cán bộ xã giờ đã quen gõ bàn phím hơn viết tay, có thể truy cập cơ sở dữ liệu liên thông để xử lý hồ sơ liên ngành. Việc thành lập doanh nghiệp không còn mất vài tuần như trước, mà chỉ mất chưa đến 24 giờ.
Nếu đường cong tăng trưởng của Hòa Bình hôm nay khiến nhiều người phải ngước nhìn, thì nét đầu tiên đã được vẽ bằng một chất liệu giản dị mà nghiêm cẩn - kỷ luật điều hành từ những ngày Tết chưa kịp phai. Và khi đường cong tăng trưởng ấy bật lên, người ta có thể nhìn thấy dấu tay của những người hoạch định chiến lược - những người không chỉ làm đúng, mà còn làm sớm và làm đến nơi.
"12,76% không phải là đích đến” -đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Nhưng chắc chắn đó là một vạch mốc. Một khởi đầu cho hành trình mới. Và nếu phải chọn một câu để nói về Hòa Bình hôm nay, có lẽ nên là: không còn đi sau, mà đang đi đúng đường, với một tư thế của người biết mình sẽ tới.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/199974/12,76-khong-chi-la-c111n-so.htm