135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Biểu tượng giải phóng dân tộc và di sản cách mạng toàn cầu

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ) về ảnh hưởng của các lãnh tụ cách mạng trong thế kỷ XX, ông Garis Djoumez, nhà sử học chuyên về quan hệ quốc tế và tiểu sử học đã đưa ra những nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người kiến tạo lịch sử Việt Nam, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: TTXVN

Theo nhà sử học Djoumez, một trong những đóng góp lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phá vỡ trạng thái tâm lý được gọi là “tâm lý bất lực” (learned helplessness), một khái niệm tâm lý học được phát triển trong thập niên 1960. Trạng thái này mô tả tâm thế của con người hoặc các cộng đồng bị áp bức khi họ tin rằng mình hoàn toàn bất lực trước hoàn cảnh thống trị, do đã quá quen thuộc với các mô thức kiểm soát và đàn áp.

Đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, nhiều dân tộc thuộc địa rơi vào tình trạng bị áp bức và lệ thuộc. Tại Việt Nam, thực dân Pháp xây dựng một hệ thống diễn ngôn mang tính “xã hội học về cơ thể”, trong đó người Việt bị khắc họa như những con người yếu ớt, chỉ thích hợp với lao động chân tay, cần được giám sát nghiêm ngặt để tránh nguy cơ nổi loạn. Ngược lại, người Pháp tự xem mình là những con người khỏe mạnh, dũng cảm, đại diện cho quyền lực và trật tự, có đủ tư cách để thống trị các dân tộc nhỏ bé.

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã làm đảo chiều hoàn toàn nhận thức áp đặt ấy. Ông phá vỡ khuôn mẫu về “người Việt yếu ớt”, thay vào đó là hình ảnh một dân tộc kiên cường, bất khuất, có khả năng chiến đấu, kháng cự và quyết tâm giành chiến thắng. Theo nhà nghiên cứu Djoumez, đây là một quá trình “tái hiện hình ảnh cơ thể bị trị”, biến một hình tượng từng bị ru ngủ và tước đoạt phẩm giá thành biểu tượng của tinh thần kháng chiến và khát vọng về chủ quyền.

Ông Djoumez cho hay sự thay đổi nhận thức trên bắt đầu từ sớm. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ấy đang ở châu Âu, đã tận mắt chứng kiến cảnh lính da trắng sợ hãi, mệt mỏi, thậm chí suy sụp giữa chiến hào. Cùng lúc đó, hàng trăm nghìn người lính châu Á, trong đó có nhiều người Việt Nam đang sát cánh cùng quân đồng minh. Từ chính trải nghiệm đó, Người nhận ra rằng người châu Á, dù từng bị xem là yếu kém, hoàn toàn có thể đứng lên chiến đấu như bất kỳ dân tộc nào khác. Nhận thức ấy đã đặt nền móng cho việc “giải thiêng” hình ảnh con người thuộc địa, mở ra con đường cho phong trào giải phóng dân tộc mang tầm vóc toàn cầu.

Ông Djoumez cho biết thêm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 không chỉ là một thắng lợi về mặt quân sự, mà còn là biểu tượng cao nhất của quá trình “tái khẳng định khí chất nam tính” của những con người từng bị trị. Đó là một chiến thắng không chỉ dành riêng cho Việt Nam, mà còn trở thành cú hích tinh thần mạnh mẽ đối với các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập khỏi ách thực dân và đế quốc trên toàn thế giới.

Một điểm nổi bật khác mà nhà sử học Djoumez nhấn mạnh là cách thức Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa cộng sản. Ông cho rằng trong khi nhiều lãnh tụ cộng sản thời đó xem chủ nghĩa này như một mục tiêu tối thượng thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại xem đó là công cụ để phục vụ cho mục tiêu lớn hơn: Giải phóng dân tộc.

Ban đầu, Người tiếp cận phong trào xã hội chủ nghĩa tại Pháp, nhưng nhanh chóng thất vọng vì sự mơ hồ và thiếu lập trường chống thực dân rõ ràng. Qua các tác phẩm của Lênin, ông chuyển sang chủ nghĩa cộng sản, nhưng vẫn giữ một thái độ thực tiễn và linh hoạt, không giáo điều. Từ đó, ông quy tụ lòng dân không phải bằng những lý thuyết trừu tượng, mà bằng tinh thần yêu nước sâu sắc, hun đúc nên một phong trào cách mạng thống nhất và bền bỉ. Chính cách tiếp cận này là điểm khác biệt cốt lõi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh tụ cộng sản khác, những người thường bị ràng buộc do giáo điều và lý tưởng chủ nghĩa.

Tiếp nối tinh thần ấy, Việt Nam ngày nay đang triển khai chính sách đối ngoại được gọi là "Ngoại giao cây tre", một mô hình mềm dẻo, kiên cường, linh hoạt tùy theo tình hình quốc tế, song vẫn giữ được cốt lõi lợi ích dân tộc. Đây chính là sự kế thừa rõ nét tư duy chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại toàn cầu hóa.

Cũng theo ông Djoumez, Việt Nam là minh chứng sinh động cho năng lực điều phối khéo léo giữa các cực quyền lực toàn cầu, mà không bị cuốn vào vòng xoáy lệ thuộc ý thức hệ. Những sự kiện như chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm tới Nga hay chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội hồi năm 2023 đều phản ánh khả năng giữ thế cân bằng một cách mềm dẻo, nhưng đầy bản lĩnh, đúng như hình ảnh cây tre Việt Nam “gió lay mà không gãy”.

Ông Djoumez nhấn mạnh mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đã phát triển ổn định và bền vững. Với mức tăng trưởng gần 7% trong năm 2024, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng kinh tế ở châu Á và trở thành nguồn cảm hứng mới cho nhiều quốc gia đang trên hành trình phát triển.

Ông khẳng định: “Chúng ta đang chứng kiến một quốc gia từng là thuộc địa, từng bị giam trong tâm lý bất lực, nay đang trở thành một hình mẫu phát triển cả về chính trị, kinh tế và ngoại giao. Đó chính là minh chứng hùng hồn cho tầm nhìn xa và tư duy chính trị vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Hương Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/135-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-bieu-tuong-giai-phong-dan-toc-va-di-san-cach-mang-toan-cau-20250516102333963.htm