15 năm thể hiện bản lĩnh của sức mạnh nội sinh…
15 năm là một quãng thời gian chưa hẳn đã dài, nhưng cũng không phải là ngắn đối với sự phát triển của một Thủ đô. Và Hà Nội đã chứng minh được rằng, dù phải trải qua không ít thử thách khó khăn, nhưng với những gì TP đã đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục thể hiện được tầm vóc mới, bản lĩnh mới bằng sức mạnh nội sinh bền bỉ...
Tầm vóc, bản lĩnh mới
Đến nay, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, cuộc sống của người dân ngày một được nâng cao. Kinh tế - xã hội của Thủ đô đã và đang không ngừng tăng trưởng mạnh. Theo đó, kinh tế của Hà Nội tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trong giai đoạn 10 năm từ 2008-2018, kinh tế Hà Nội tăng trưởng bình quân 7,41%/năm, gấp gần 1,3 lần mức tăng bình quân chung cả nước là 6%. Quy mô GRDP năm 2018 ước đạt hơn 904 nghìn tỷ đồng. Năm 2019, tăng trưởng GRDP vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,46%.
Trong 2 năm 2020 và 2021, kinh tế Thủ đô đã gặp rất nhiều thử thách do đại dịch Covid-19. Năm 2020, GRDP của TP tăng 3,98%; năm 2021 tăng 2,92%. Năm 2022, kinh tế Thủ đô từng bước phục hồi. Hà Nội đã hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu phát triển năm 2022. GRDP tăng trưởng 8,89%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, đời sống xã hội luôn được chính quyền Thủ đô quan tâm.
Trong suốt những năm qua, Hà Nội đã chủ động xây dựng hàng nghìn ngôi nhà cho người có công với cách mạng; tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; quan tâm thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện lưới; cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư chuẩn hóa; hỗ trợ việc làm cho người lao động, xây dựng nhiều gói hỗ trợ cho người dân và DN vực dậy sau đại dịch Covid-19…
Thời gian qua, dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thách thức, nhất là sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền, lượng công việc phải thực hiện lớn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức.
Dễ thấy, tại Hà Nội, nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín. Hàng loạt dự án giao thông lớn nhỏ được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi. Nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô. Trong khu vực nội đô, nhiều tuyến đường như: Vành đai 1, Vành đai 2 và một số đoạn tuyến của Vành đai 2,5 cùng Vành đai 3 và 3,5... được tích cực triển khai xây dựng; Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được mở rộng.
Với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, thời gian qua mạng lưới xe buýt Hà Nội tiếp tục được phát triển, điều chỉnh hợp lý hóa để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP gồm 154 tuyến (trong đó 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).
Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, năm 2022, ngoài các dự án trọng điểm, Ban đã hoàn thành, thông xe nhiều dự án, như Hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... trong năm 2023, Ban tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai các dự án ngay từ những ngày đầu năm sát với thực tế để triển khai thực hiện đáp ứng tiến độ, tập trung chỉ đạo, đôn đốc công tác thi công những dự án còn tồn tại vướng mắc. Đồng thời, tập trung hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những khó khăn mà một số dự án đang gặp phải.
Đáng chú ý, mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 65/75 bệnh viện đạt 87%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa khu du lịch đạt 92%; Xe buýt cũng kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Qua đánh giá, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt.
Đó là về giao thông, tổng quan chung về phát triển kinh tế, theo Cục Thống kê TP Hà Nội, tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng đầu của năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Tính riêng trong tháng 1/2023, TP thu hút 21,8 triệu USD, trong đó 22 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vấn đăng ký đạt 2,4 triệu USD. Cũng trong thời gian này, TP có 1.551 DN đăng ký thành lập mới; TP đã giải quyết việc làm cho gần 13,8.000 người, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022, an sinh xã hội được đảm bảo.
Tận dụng mọi nguồn nội lực
Hà Nội đang từng ngày đổi khác. Về những vùng ven của Thủ đô, tất thảy mọi người đều dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt và đổi thay theo chiều hướng tích cực. Sự phát triển mang tính bứt phá của ngoại thành đã xóa nhòa dần đi những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn, miền núi với trung tâm Thủ đô.
Dù có nhiều thành tựu nhưng Hà Nội cũng đang trên đường đổi mới với không ít thách thức. Dễ thấy, đó là những tất yếu trong phát triển hạ tầng giao thông đô thị để Thủ đô có thêm dư địa phát triển; đó là việc xây dựng và phát triển đồng bộ các vùng, các khu vực vệ tinh theo đúng quy hoạch…
Ông Nguyễn Thế Thụ sống tại huyện Gia Lâm đã mua được căn nhà chung cư tại Khu đô thị Đặng Xá nhiều năm về trước. Ông Thụ cho biết, hiện nay, Khu đô thị Đặng Xá có đầy đủ công trình hạ tầng xã hội, nằm tại vị trí đắc địa với nhiều tuyến đường quan trọng đi qua. “Khi về sống ở đây, tôi cảm thấy rất vui vì đời sống được nâng cao, đi lại thuận tiện. Tôi mong chính quyền Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa, thúc đẩy việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội mới cho những người dân có thu nhập thấp giống như tôi có cơ hội được sở hữu ngôi nhà mới”, ông Thụ chia sẻ.
Với những thành công nhất định sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã và đang từng bước vươn mình phát triển, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thách thức mới, khẳng định tầm vóc của một Thủ đô văn minh, hiện đại. Trên con đường phát triển đó, Hà Nội sẽ cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, giải quyết những khó khăn một cách triệt để và đạt hiệu quả cao…
Cách đây không lâu, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu cụ thể khi đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5% - 8%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300-8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD.
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%. Năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7,0-7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%...
Như vậy mục tiêu đã có, hành lang phát triển của Hà Nội đã có, điều cốt yếu hiện tại là sự nỗ lực nội tại của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Điều này cũng phần nào cho thấy, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô công cuộc xây dựng, nâng cao đời sống người dân đã và đang có những bước chuyển mạnh. Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, bằng sự quyết tâm không ngừng nghỉ, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.
Những thành công đạt được trong suốt 15 năm qua nhờ bản lĩnh, sức mạnh nội sinh; cùng với khát vọng phát triển, vươn lên và niềm tin chiến thắng mà thành phố đang thể hiện trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chính là cơ sở để tin chắc rằng, Hà Nội sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới.