150.000 liều vaccine dịch tả heo châu Phi được xuất khẩu sang Philippines
Sau 300.000 liều vaccine xuất khẩu sang Philippines vào tháng 7/2023, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu 150.000 liều vaccine ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi sang thị trường này, ngày 29/8.
Cụ thể, chiều 28/8, lô vaccine AVAC ASF LIVE (tên thương mại là vaccine dịch tả heo châu Phi) với 150.000 liều của Công ty CP AVAC Việt Nam đã được chuyển ra sân bay để vận chuyển tới Philippines. Đây là một phần trong đơn hàng 600.000 liều vaccine dịch tả heo châu Phi của AVAC mà Chính phủ Philippines đặt mua.
Trước đó, Việt Nam đã xuất khẩu 305.000 liều vaccine dịch tả heo châu Phi, trong đó Philippines nhận 300.000 liều và Nigeria nhận 5.000 liều. Lô vaccine nhập khẩu từ AVAC Việt Nam được thực hiện vào tháng 7/2023 và Philippines đã thử nghiệm qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 và 2 triển khai từ tháng 2 đến tháng 9/2023 và được tiêm cho 1.000 con heo tại 9 trại chăn nuôi. Giai đoạn 3 triển khai từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024. Trong đó, đã tiêm cho 150.000 con heo tại 30 trang trại quy mô lớn, phần còn lại tiêm cho các trang trại quy mô nhỏ. Kết quả cho thấy vaccine an toàn, đáp ứng miễn dịch lên tới 100%. Tất cả đàn heo được bảo hộ cho đến khi xuất chuồng.
Từ kết quả trên, Philippines đã chính thức cấp phép lưu hành vaccine “AVAC ASF LIVE” của Việt Nam tại quốc gia này.
Hiện, Việt Nam là nước duy nhất nghiên cứu thành công và chính thức lưu hành thương mại vaccine dịch tả heo châu Phi. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên xuất khẩu vaccine này.
Ngoài Philippines, hiện có một số quốc gia khác cũng đang đăng ký thử nghiệm vaccine do Việt Nam sản xuất để phòng chống dịch tả heo châu Phi, như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nepal, Myanmar và Nigeria.
Vaccine AVAC ASF LIVE mất gần 3 năm để nghiên cứu và phát triển thành công. Đây là vaccine nhược độc đông khô được nuôi cấy trên dòng tế bào DMAC. Vaccine này có giá từ 61.000 - 69.000 đồng/liều, được khuyến cáo tiêm 1 liều duy nhất và thời gian bảo hộ ít nhất 5 tháng. Theo Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam, mức giá này là cao nên Công ty lên kế hoạch sau thời gian thương mại sẽ có lộ trình giảm giá để phù hợp cho người chăn nuôi.
Hiện, AVAC Việt Nam có thể cung cấp khoảng 2-5 triệu liều mỗi tháng. Công suất này đủ để cung cấp cho thị trường Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Ngoài ra, TS. Nguyễn Văn Điệp cũng cho biết, vaccine AVAC ASF LIVE đã giải quyết được 3 mục đích: Kiểm soát bệnh về mặt lâm sàng; giảm lây lan dịch bệnh và giúp giảm thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh vaccine, vẫn cần đồng bộ với thực hiện tốt an toàn sinh học, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật và tập huấn đào tạo…
Tại Việt Nam, ngoài AVAC còn có Navetco và Dabaco cũng nghiên cứu vắc xin dịch tả heo châu Phi.