16 loại thực phẩm bạn tuyệt đối không được cho vào lò vi sóng

Lò vi sóng giúp việc bếp núc nhanh gọn nhưng không phải thực phẩm nào cũng phù hợp, một số món ăn có thể gây cháy, phát nổ, mất chất dinh dưỡng hoặc nguy cơ ngộ độc nếu hâm nóng bằng thiết bị này.

Một số loại thực phẩm nếu hâm nóng bằng lò vi sóng sẽ gây nguy hiểm. (Ảnh: iStock)

Một số loại thực phẩm nếu hâm nóng bằng lò vi sóng sẽ gây nguy hiểm. (Ảnh: iStock)

Lò vi sóng là thiết bị quen thuộc trong căn bếp hiện đại, giúp hâm nóng thức ăn nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào cũng phù hợp để đưa vào lò vi sóng. Một số món ăn, dù phổ biến đến đâu, cũng có thể gây hại nếu được xử lý bằng thiết bị này.

Từ nguy cơ cháy nổ, phát tán hóa chất độc hại, đến việc làm mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm - danh sách dưới đây sẽ giúp bạn sử dụng lò vi sóng một cách an toàn và thông minh hơn.

1. Cá chưa sơ chế

Cá là thực phẩm dễ hỏng và rất nhạy cảm với nhiệt độ cao không đều của lò vi sóng. Việc hâm nóng cá bằng thiết bị này không chỉ làm cá bị khô, mất đi độ mềm tự nhiên mà còn có thể khiến mùi tanh lan khắp nhà.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên bảo quản cá ở nhiệt độ dưới 4 độ C và sơ chế kỹ lưỡng để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

2. Ớt cay

Khi bị hâm nóng, capsaicin - hoạt chất tạo vị cay trong ớt - có thể phát tán dưới dạng khí, gây kích ứng mắt, mũi và họng. Việc hâm nóng ớt trong lò vi sóng dễ dẫn đến trải nghiệm "khó thở" hơn là một món ăn ngon lành.

3. Sữa mẹ

 Tuyệt đối không hâm nóng sữa cho trẻ nhỏ bằng lò vi sóng. (Ảnh: iStock)

Tuyệt đối không hâm nóng sữa cho trẻ nhỏ bằng lò vi sóng. (Ảnh: iStock)

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cho sữa mẹ (và sữa công thức) vào lò vi sóng có thể làm nóng sữa không đều, tạo ra những "điểm nóng" trong bình sữa, có thể làm bỏng lưỡi và cổ họng nhạy cảm của bé.

Phương pháp hâm nóng truyền thống là ngâm bình sữa vào nước ấm sẽ giảm thiểu nguy cơ này.

4. Thịt chế biến sẵn

Các nghiên cứu cho thấy thịt chế biến khi làm nóng bằng lò vi sóng có thể sinh ra các hợp chất oxy hóa cholesterol (COP) - yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Do đó, nếu muốn hâm nóng xúc xích hay thịt nguội, bạn nên dùng chảo hoặc lò nướng.

5. Quả nho

Dù là nguyên quả hay cắt đôi, nếu bạn cho nho vào lò vi sóng, chúng sẽ hoạt động như một ăngten phát dòng điện qua lớp vỏ và có thể tạo ra tia lửa plasma - hiện tượng phát sinh điện tương tự như sét, rất nguy hiểm.

Các loại quả hình cầu như mâm xôi đen hay trứng cút cũng có thể phản ứng tương tự.

6. Nước sốt cà chua (sốt mỳ ống)

 (Ảnh: iStock)

(Ảnh: iStock)

Sự kết hợp giữa nước và chất xơ trong cà chua khiến sốt dễ bắn tung tóe khi được hâm nóng bằng vi sóng. Không chỉ gây mất vệ sinh, việc này còn làm giảm chất lượng món ăn. Hãy dùng xoong hoặc chảo để hâm nóng sốt cà chua.

7. Thịt đông lạnh

Việc rã đông thịt bằng lò vi sóng khiến nhiệt không phân bố đều, một số phần thịt có thể bắt đầu chín trong khi các phần khác vẫn đông đá. Điều này tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.

Rã đông trong tủ lạnh vẫn là cách an toàn nhất bởi nhiệt độ lạnh sẽ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn trong thịt.

8. Bông cải xanh

Nghiên cứu cho thấy việc nấu bông cải xanh quá lâu trong lò vi sóng có thể làm mất tới 97% flavonoid - hợp chất chống viêm quý giá. Nếu dùng lò vi sóng, hãy chỉ nấu trong khoảng 1 phút. Tốt hơn hết là nên hấp bông cải xanh để giữ dưỡng chất.

9. Trứng luộc nguyên vỏ

 Trứng luộc có thể phát nổ khi được hâm nóng trong lò vi sóng, khiến bạn bị bỏng hoặc chấn thương. (Ảnh: iStock)

Trứng luộc có thể phát nổ khi được hâm nóng trong lò vi sóng, khiến bạn bị bỏng hoặc chấn thương. (Ảnh: iStock)

Trứng luộc có thể phát nổ khi được hâm nóng trong lò vi sóng, đặc biệt là khi bạn lấy nó ra và bóc vỏ. Vụ nổ có thể khiến bạn bị bỏng hoặc chấn thương.

10. Nấm và khoai tây còn thừa

Nếu không được bảo quản đúng cách, nấm và khoai tây chín có thể sinh ra vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như Clostridium botulinum. Hâm nóng chúng bằng lò vi sóng vẫn không đảm bảo an toàn. Cách tốt nhất là nên bảo quản chúng trong tủ lạnh sau khi nấu chín trong vòng hai giờ.

11. Bánh mỳ

Khi được hâm nóng bằng lò vi sóng, tinh bột trong bánh mì sẽ chuyển thành dạng mềm và dính. Khi nguội, chúng trở nên dai và cứng. Kết cấu này khiến bánh mất đi độ ngon. Nếu không có lò nướng, bạn có thể làm nóng bánh mỳ bằng chảo.

12. Thịt gà

 (Ảnh: iStock)

(Ảnh: iStock)

Việc nấu chín gà bằng lò vi sóng có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn salmonella, vì nhiệt độ không đều không tiêu diệt được vi khuẩn. Nếu buộc phải dùng lò vi sóng, hãy chắc chắn rằng phần trong cùng của thịt đạt ít nhất 71 độ C.

13. Nước pha trà

Mỗi loại trà cần nhiệt độ nước khác nhau. Nước pha trà xanh (bao gồm cả matcha ) và trà trắng nên ở mức từ 77 đến 80 độ C. Trà thảo mộc nên ở mức 93 độ C, trong khi trà ô long và trà rooibos nên ở mức 91 độ C hoặc nóng hơn.

Không giống như hầu hết các ấm điện được thiết kế để đun nước đến 100 độ C, không có cách nào để biết nước được hâm nóng bằng lò vi sóng nóng đến mức nào, điều này có thể dẫn đến nước quá nóng và tách trà có vị không ngon.

14. Rau lá xanh sống

 Rau bina có thể tạo ra tia lửa khi gặp điện trường trong lò vi sóng. (Ảnh: iStock)

Rau bina có thể tạo ra tia lửa khi gặp điện trường trong lò vi sóng. (Ảnh: iStock)

Các loại rau như cải xoăn, rau bina chứa nhiều khoáng chất như sắt, magie và selen - có thể tạo ra tia lửa khi gặp điện trường trong lò vi sóng. Rau lá xanh chỉ nên nấu trước rồi mới hâm nóng bằng vi sóng nếu cần thiết.

15. Quả mọng đông lạnh

Như đã lưu ý ở trên, các loại quả mọng hình cầu, kích thước bằng quả nho chứa nhiều nước có nguy cơ gây cháy trong lò vi sóng. Thêm vào đó, khi được hâm nóng trong lò vi sóng, chất chống oxy hóa trong quả mọng sẽ bị mất đi. Tốt nhất, bạn nên rã đông chúng trong tủ lạnh hoặc để ở nhiệt độ phòng.

16. Thức ăn đã hâm nóng nhiều lần

Việc hâm nóng thực phẩm quá nhiều lần làm giảm chất lượng món ăn và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Nguyên tắc an toàn là không nên hâm nóng lại thức ăn đã rã đông hay đã được hâm nóng trước đó. Hãy ăn hết thức ăn thừa trong vòng 2 ngày (nếu bảo quản lạnh) hoặc 24 giờ (nếu đã rã đông).

Hãy luôn nhớ, lò vi sóng là trợ thủ đắc lực trong nhà bếp, nhưng không phải là giải pháp phù hợp cho mọi loại thực phẩm. Việc hiểu rõ các nguy cơ tiềm ẩn sẽ giúp bạn sử dụng thiết bị này một cách an toàn, giữ được hương vị và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/16-loai-thuc-pham-ban-tuyet-doi-khong-duoc-cho-vao-lo-vi-song-post1050399.vnp