17 khu vực trọng điểm phát triển của TP.HCM trong tương lai

Đồ án đề xuất 17 khu vực trọng điểm phát triển của TP, trong đó có 2 khu vực trọng điểm mở rộng là vùng trung tâm TP và khu Phú Mỹ Hưng.

HĐND TP.HCM vừa ban hành Nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 của UBND TP, trong đồ án nêu rõ các định hướng phát triển và các khu vực trọng điểm của TP trong tương lai.

Khu Phú Mỹ Hưng, trung tâm TP mở rộng

“Về hình thái đô thị, sẽ đề xuất các mô hình phát triển đô thị khác nhau phù hợp với các khu vực có điều kiện phát triển đặc thù của TP. Đặc biệt đối với các khu vực trung tâm đô thị phát triển mới gắn với kết nối giao thông vùng (như cao tốc, đường sắt...), nghiên cứu phát triển theo các mô hình đô thị tập trung vùng ven”, tờ trình của UBND TP về đồ án nêu.

UBND TP cũng nêu ví dụ như khu đô thị Punggol (Singapore) với những nguyên tắc quy hoạch và phát triển hiện đại về nhà ở, cơ sở hạ tầng nước, thiết kế đô thị, giao thông, thông minh công nghệ và xanh hóa để làm cơ sở cho quy hoạch TP.HCM.

Cụ thể, đồ án đề xuất 17 khu vực trọng điểm phát triển của TP. Trong đó có 2 khu vực trọng điểm mở rộng là vùng trung tâm TP và khu Phú Mỹ Hưng.

Với khu Phú Mỹ Hưng mở rộng, đồ án xác định đây là khu đô thị vùng ngập nước. Phú Mỹ Hưng là khu vực đô thị khá hoàn chỉnh, với các khu ở đã định hình và các khu vực thương mại - dịch vụ có mức độ thu hút nhất định, gắn liền với các không gian cây xanh có khai thác yếu tố nước như khu kênh đào, khu hồ Bán Nguyệt.

“Khi bổ sung ga đường sắt quốc gia và mở rộng thêm trung tâm mới về phía Nam khu này sẽ đóng vai trò trung tâm mới của Vùng đô thị phía Nam. Hiện trạng khu đất về phía Nam đường Nguyễn Văn Linh, trên địa phận huyện Nhà Bè các khu vực nhà cao tầng đang hình thành nhanh chóng dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, cùng phía sâu hơn là phần đất ngập nước là đất dự trữ của TP”, đồ án nêu về khu Phú Mỹ Hưng.

Với khu trung tâm Sài Gòn mở rộng, được xác định là đô thị lịch sử. Đây là khu vực trung tâm kinh tế, văn hóa và lịch sử của TP.HCM, tập trung nhiều công trình công cộng, đại lộ, công viên, di sản.

“Tuy nhiên, các di sản mới chỉ được bảo tồn đơn lẻ, rời rạc mà thiếu sự liên kết để tạo thành không gian đô thị đặc sắc, tương tự với hệ thống công viên cây xanh. Hệ thống đại lộ cảnh quan đã được xác lập nhưng thay vì ưu tiên người đi bộ, vẫn còn đông đúc xe cơ giới. Khu vực ven sông, kênh rạch chưa được khai thác tốt, bị chia cắt với đô thị bởi các tuyến đường lớn, các hệ thống hạ tầng khổng lồ và thiếu thân thiện với người dân”, đồ án đánh giá.

Vì vậy, UBND TP cho rằng cần tiếp tục phát triển khu trung tâm TP theo hướng thân thiện với người đi bộ và đa dạng hóa các hoạt động công cộng, tăng cường chất lượng không gian bằng hệ thống cây xanh cảnh quan và liên kết tối đa với bờ sông, kích hoạt hoạt động trên bờ sông và ngay trên mặt nước, hướng mặt tiền đô thị trở ra dòng sông.

 Trung tâm TP.HCM được xác định là phát triển hướng mặt tiền đô thị trở ra dòng sông. Ảnh: Kiên Cường

Trung tâm TP.HCM được xác định là phát triển hướng mặt tiền đô thị trở ra dòng sông. Ảnh: Kiên Cường

Hình thành nhiều khu quan trọng tiềm năng

Ngoài 2 khu mở rộng trên, đồ án đề xuất 12 khu vực trọng điểm khác. Theo đó, có 2 khu vực trọng điểm phát triển mới là Trung An - Hòa Phú (huyện Củ Chi) và Tân Phú Trung - Tân Thới Hiệp - Tân Nhị - Tân Thạnh Đông (quận 12).

Hình thành 7 khu vực trọng điểm: Vĩnh Lộc, Hưng Long (huyện Bình Chánh); Linh Trung, Tam Đa - Long Phước, Trường Thọ (TP Thủ Đức); khu đô thị nước Bình Khánh, khu đô thị lấn biển Cần Giờ và vùng Cần Thạnh mở rộng sang phía Tây (huyện Cần Giờ).

Tiếp tục phát triển 3 khu vực trọng điểm đã hình thành như Công viên phần mềm Quang Trung, khu Tân Kiên (huyện Bình Chánh, đã hình thành các chức năng y tế), khu công nghệ cao TP.HCM. Bên cạnh đó là triển khai 3 khu: Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), tái phát triển khu C30 (quận 10), chuyển đổi khu Tân Thuận (quận 7).

Như khu C30, là khu vực nằm trong trung tâm lịch sử tuy nhiên chưa được khai thác với chức năng đô thị mà mang nhiều tính chất của brownfield development (Khu đô thị tái phát triển từ đất hạ tầng, đất công nghiệp). Với hạ tầng sẵn có là Trung tâm bưu chính liên tỉnh khu vực 2 và quỹ đất có khả năng tái phát triển, khu C30 có tiềm năng trở thành một trung tâm việc làm, dịch vụ, nghiên cứu đổi mới sáng tạo, kết hợp với Đại học Bách Khoa ngay bên cạnh.

Hay khu Tân Kiên được xác định là đô thị kênh rạch. Khu vực Tân Kiên vừa là trung tâm công cộng của vùng đô thị phía Tây, vừa đóng vai trò cửa ngõ với ga đường sắt quốc gia Tân Kiên.

“Hiện trạng khu này đang là khu vực cửa ngõ với mức độ đô thị hóa thấp, hạ tầng chưa đồng bộ. Một vài dự án quy mô lớn như khu y tế phía Tây đang dần hình thành, với mục tiêu hướng đến phục vụ cho toàn vùng Tây Nam Bộ, biến Tân Kiên thật sự trở thành một cửa ngõ mở và tương tác với người dân đến từ phía Tây thành phố”, đồ án phân tích.

Nghị quyết của HĐND TP.HCM về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X, tổ chức vào ngày 19-5.

Về xem xét nội dung Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, HĐND TP.HCM yêu cầu:

Về định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm cần thể hiện đầy đủ các nội dung về hướng phát triển, mở rộng đô thị; về xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng, các khu chuyển đổi chức năng, khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo, khu phát triển mới, khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển…

Đề nghị xem xét kỹ về cơ sở, phương pháp phân vùng và tên gọi các vùng, tiểu vùng, tránh việc phân chia một khu vực quận, huyện thành nhiều vùng khác nhau.

Kiên Cường

Nguồn PLO: https://plo.vn/17-khu-vuc-trong-diem-phat-trien-cua-tphcm-trong-tuong-lai-post791523.html