2 người nhập viện sau chạy bộ: Đừng chủ quan khi chơi thể thao

Khi chơi thể thao với cường độ cao mà không được theo dõi nhịp tim hợp lý có thể dẫn đến ngưng tim đột ngột.

Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM) vừa tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhân gặp sự cố sức khỏe nghiêm trọng khi chơi thể thao, cụ thể là khi tham gia giải chạy bộ.

Suy kiệt sau chơi thể thao

ThS-BS chuyên khoa 1 Nguyễn Kim Long, khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115, cho biết cả hai trường hợp đều được Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chuyển đến trong tình trạng suy kiệt sau chơi thể thao.

 Khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 vừa tiếp nhận hai bệnh nhân suy kiệt sau chơi thể thao. Ảnh minh họa: BVCC

Khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 vừa tiếp nhận hai bệnh nhân suy kiệt sau chơi thể thao. Ảnh minh họa: BVCC

Trường hợp đầu tiên là nữ bệnh nhân (34 tuổi) bị ngất và co giật tay chân sau khi chạy bộ được khoảng 4 km. Qua thăm khám, bác sĩ (BS) chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn điện giải do vận động quá sức. Sau khi được truyền dịch, bù điện giải và theo dõi sát, bệnh nhân hồi phục, tỉnh táo và không còn co giật.

Trường hợp tiếp theo là nam vận động viên người Hàn Quốc (33 tuổi) bị tụt huyết áp, suy hô hấp sau khi chạy khoảng 3 km. Qua kiểm tra chuyên sâu, bệnh nhân được xác định có tổn thương cơ tim do tăng men tim, hậu quả của vận động cường độ cao. Nhờ được xử trí kịp thời, bệnh nhân đã ổn định và được chỉ định nhập viện để theo dõi tiếp.

Hiện sức khỏe cả 2 bệnh nhân đều được kiểm soát tốt, không để lại biến chứng nghiêm trọng.

Theo BS Long, chơi thể thao, đặc biệt là chạy bộ vì sức khỏe, là xu hướng tích cực. Nhưng nếu thiếu chuẩn bị hoặc phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe, người tập có thể đối mặt với nguy hiểm.

Từ sự cố này, BS Long cảnh báo người dân không được chủ quan khi nghĩ rằng càng tập càng thấy khỏe, song trên thực tế các bệnh lý tim mạch, huyết áp, rối loạn điện giải có thể âm thầm phát triển và chỉ bộc lộ khi vận động mạnh.

“Trước khi tham gia chạy bộ hay chơi thể thao cường độ cao, chúng ta nên đo huyết áp, điện tâm đồ (ECG); kiểm tra công thức máu, điện giải đồ; tầm soát chức năng gan, thận; xem xét tiền sử bệnh nội - ngoại khoa” - BS Long lưu ý.

BS Long cũng khuyến cáo người tham gia các hoạt động thể thao cần lên kế hoạch chuẩn bị sức khỏe kỹ lưỡng, như ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc; bổ sung nước và điện giải đúng cách, tránh rượu bia. Khi hoạt hoạt động, cần khởi động đúng kỹ thuật, mang giày phù hợp; không nên thi đấu khi đang ốm, mệt hoặc dùng thuốc lợi tiểu.

Khi có dấu hiệu mệt mỏi, đau ngực, chóng mặt, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115 để được xử lý kịp thời.

 Trước khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao, cần chuẩn bị tốt nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả. (Ảnh minh họa: HUỲNH DU)

Trước khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao, cần chuẩn bị tốt nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả. (Ảnh minh họa: HUỲNH DU)

Cẩn thận với nhịp tim khi chạy bộ

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết chơi thể thao, trong đó có chạy bộ mang lại nhiều lợi ích. Đó là trạng thái tinh thần tích cực, cải thiện giấc ngủ, duy trì chức năng cơ xương, duy trì cân nặng lý tưởng, giảm nguy cơ đái tháo đường tuýp 2, kiểm soát đường huyết, kiểm soát huyết áp, kiểm soát lipid máu.

Theo BS Hải, chạy bộ 5-10 phút mỗi ngày với tốc độ 10km/h đủ để làm giảm nguy cơ tử vong do tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân. Trong đó, tử vong do tim mạch hiện đang là nguyên nhân tử vong bệnh lý hàng đầu ở vận động viên.

90% những trường hợp đột tử do tim liên quan đến thể thao là nam giới và 92% trường hợp đột tử do tim liên quan đến thể thao xảy ra trong lúc chơi thể thao. Tần suất đột tử khi chơi thể thao được ghi nhận khi đạp xe là 30,6%, chạy bộ 21,3%, bóng đá 13%…

BS Hải cho biết thêm, nhịp tim và chạy bộ có mối liên quan mật thiết với nhau. Khi chạy bộ, nhịp tim tăng lên để đáp ứng nhu cầu ô-xy cao hơn của cơ thể, đặc biệt là các cơ bắp. Theo dõi nhịp tim trong khi chạy không chỉ giúp đánh giá hiệu quả của buổi tập mà còn giúp người chạy điều chỉnh tốc độ và cường độ sao cho phù hợp với mục tiêu thể lực, tránh quá sức hoặc chấn thương.

Theo đó, ngưng tim khi chạy bộ là một tình trạng nguy hiểm, theo Hội tim mạch châu Âu, tần suất xuất hiện khoảng 0.76/100.000 vận động viên/năm, tuy hiếm gặp nhưng nó có thể xảy ra bất ngờ và đe dọa đến tính mạng.

Cũng theo BS Hải, ngưng tim khi chạy bộ có thể xảy ra do một số nguyên nhân chính: Một số người có thể mắc các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn như bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, bệnh van tim hoặc bệnh cơ tim phì đại… mà chưa được tầm soát.

Khi tập luyện chạy bộ với cường độ cao mà không được theo dõi nhịp tim hợp lý có thể dẫn đến ngưng tim đột ngột. Bởi vì khi vận động cường độ cao, nhịp tim có thể nhanh vượt quá mức an toàn sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng cung cầu ô-xy, từ đó có thể xuất hiện loạn nhịp tim nguy hiểm.

Thứ hai, khi chạy bộ, cơ thể mất nhiều chất điện giải (natri, kali) qua mồ hôi. Mất cân bằng điện giải, đặc biệt là hạ kali máu nặng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động dẫn truyền trong tim, dẫn đến rối loạn nhịp tim và ngưng tim.

Thứ ba, tập luyện với cường độ quá cao hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể đặt quá nhiều áp lực lên tim, dẫn đến nguy cơ ngưng tim. Đặc biệt, nếu người chạy không được tập luyện đầy đủ hoặc có tiền sử bệnh lý, tình trạng này dễ xảy ra hơn.

Cuối cùng, tình trạng ngưng tim cũng có thể do một số yếu tố khác như sử dụng chất kích thích, hoặc các loại thuốc không được chỉ định cho người có vấn đề về tim.

“Biết được những nguyên nhân và áp dụng các biện pháp sàng lọc, dự phòng là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ tử vong, đảm bảo an toàn và hiệu quả khi chơi thể thao” - BS Hải nói.

Dự phòng ngưng tim, đột quỵ khi chạy bộ

Để ngăn ngừa ngưng tim khi chạy bộ, mỗi người phải có chiến lược tập luyện rõ ràng. Cụ thể, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ; theo dõi nhịp tim; chế độ ăn uống và bổ sung nước, điện giải hợp lí; tập luyện đúng cách; khởi động đúng cách.

Quan trọng hơn hết là nhận biết được triệu chứng ngưng tim để hồi sinh tim phổi ngay lập tức, nhận biết triệu chứng đột quỵ để kịp thời xử trí.

Việc nhận thức rõ ràng và tuân thủ các biện pháp dự phòng có thể giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ ngưng tim và đột quỵ khi chạy bộ, đồng thời nâng cao hiệu quả và an toàn trong quá trình tập luyện.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/2-nguoi-nhap-vien-sau-chay-bo-dung-chu-quan-khi-choi-the-thao-post843249.html