2 vấn đề đặc biệt nóng

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều vấn đề đã làm nghị trường rất nóng. Trong đó nổi bật là 2 vấn đề: Điện và nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội vẫn là mơ ước của người lao động. Ảnh:Quang Vinh.

Nhà ở xã hội vẫn là mơ ước của người lao động. Ảnh:Quang Vinh.

Thứ nhất, chuyện thiếu điện. Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ lớn, đã được ĐBQH đặt vấn đề: Tại sao phải nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện mặt trời, điện gió không được lên lưới? Từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (vào năm 2019). Tuy nhiên, đến nay, EVN tiếp tục báo lỗ, năm 2022 còn lỗ tới 26.000 tỷ đồng và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện (từ tháng 9/2023).

ĐBQH cũng nêu dẫn chứng 2 doanh nghiệp (DN) thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3 ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 là 2.550 tỷ đồng và Tổng công ty Phát điện 2 là 3.668 tỷ đồng. Vậy thì vì sao công ty “con”vẫn lãi nhưng công ty “mẹ” (EVN) lại lỗ đến vậy?

ĐBQH Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Tôi tham dự nhiều cuộc họp với ngành điện, trong tổng số 100% sản lượng điện phát lên, EVN chỉ phát trực tiếp 11%; 89% sản lượng còn lại là của các công ty và DN khác không thuộc EVN hoặc thuộc EVN nhưng là công ty cổ phần”. Từ đó, ông Minh đặt câu hỏi: EVN không tăng tiền mua điện cho 89% DN này, tại sao lại lỗ, trong khi giá bán vừa rồi đã tăng. Trong khi đó, số DN có sản lượng điện phát lên lưới trong giai đoạn 2021-2022 vẫn lãi rất lớn.

Chưa hết, ông Minh tiếp tục: "Tại sao chúng ta phải nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện mặt trời, điện gió không được lên lưới. Đây cũng là tài sản quốc gia, tại sao lãng phí như vậy".

Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, vì tập đoàn này thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên của tập đoàn này lại báo lãi.

Trong một diễn biến được cho là liên quan, EVN đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đối với ông Nguyễn Đức Ninh, để phục vụ cho thanh tra chuyên ngành trong công tác quản lý và điều hành cung cấp điện.

Cùng với “chuyện điện” thì vấn đề nhà ở xã hội cũng rất nóng, vì đó là câu chuyện an cư, là mơ ước của công nhân, người lao động thu nhập thấp, các đối tượng chính sách.

Trong các ý kiến của ĐBQH về vấn đề này thì ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) rất đáng chú ý khi cho rằng, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê. Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước khác sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội.

“Người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị chủ yếu là công nhân, người mới đi làm, có thu nhập thấp hơn mức trung bình. Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức đối với đại bộ phận người có thu nhập thấp cho nên việc mua, sở hữu một căn hộ dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn" - ông Hiển nói và cho rằng rất có thể dẫn đến việc người dân khai man các điều kiện về thu nhập, diện tích để hưởng lợi từ mua nhà ở xã hội với giá thấp. Trường hợp khác là người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua, dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm cho nhà ở xã hội không phục vụ đúng đối tượng, mất đi ý nghĩa.

Còn theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM), Chính phủ rà soát đất công, tài sản công còn hoang phí; Quốc hội giám sát thì sẽ có nguồn lực tài chính rất lớn đầu tư nhà cho người lao động thuê. Ông Ngân cũng lưu ý đến hệ thống nhà trọ, bởi hiện chủ nhà trọ giữ vai trò quan trọng hơn nhà đầu tư bất động sản trong đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động tại các đô thị lớn.

“Họ chia sẻ với người lao động. Hình ảnh chủ nhà trọ chia tay người lao động về quê khi không có việc làm rất xúc động” - ông Ngân nói và đề nghị Chính phủ nên trình Quốc hội có gói hỗ trợ chủ nhà trọ với lãi suất 0 đồng để nâng cấp, đảm bảo chuẩn hóa theo quy định để vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa huy động nguồn lực xã hội lo chỗ ở cho người lao động.

Mai Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/2-van-de-dac-biet-nong-5721715.html