20 địa phương có số thí sinh không ĐKXT nhiều nhất gồm những tỉnh nào?
Trước những ý kiến khác nhau về số lượng hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức lên tiếng lý giải.
Những ngày qua, sau khi dữ liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học được công bố, có nhiều ý kiến khác nhau về số lượng hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng. Trước những thông tin này, ngày 24/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra kết quả phân tích liên quan tới một số dữ liệu thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ số liệu thống kê năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống là 642.270; năm 2021 số lượng là 794.739. Theo số liệu này, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020.
"Trong đó, cần lưu ý số lượng đăng ký xét tuyển tăng mạnh ở năm 2021 có lý do quan trọng là tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và nhiều em học phổ thông, học đại học ở nước ngoài cũng đã trở về Việt Nam để học tập" Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá:
"Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin".
Sau đây là một số phân tích trên cơ sở dữ liệu của 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống.
1) Tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các miền trên cả nước:
2) Tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các vùng trên cả nước:
3) 20 địa phương có số thí sinh không đăng ký xét tuyển nhiều nhất:
4) Tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các khu vực ưu tiên:
5) Thống kê điểm theo các tổ hợp xét tuyển chính của các thí sinh không đăng ký xét tuyển (lần lượt đồ thị ngang là theo các khối D1, C0, B0, A1, và A0):
Từ những con số thống kê trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải:
"Thống kê này cho thấy điểm các tổ hợp của các thí sinh không đăng ký xét tuyển đều hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhất là ở các khối A0, A1 và B0 thì các mức điểm đại đa số là rất thấp, thấp hơn mức điểm trung vị, điểm trung bình và thấp hơn 15 điểm/tổ hợp.
Riêng khối C0 điểm có khá hơn, tuy nhiên năm nay tổ hợp C0 có phổ điểm thí sinh đạt được rất cao trên cả nước, do vậy mức độ cạnh tranh xét tuyển sẽ cao hơn, điểm sàn mà các trường công bố cũng có xu hướng cao hơn".
Trước đó, theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm khóa cổng đăng ký trực tuyến - 17 giờ ngày 20/8, hệ thống tuyển sinh ghi nhận 616.044 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển đại học năm 2022. Còn lại 325.716 em không đăng ký (chiếm 34,6%). Tổng số nguyện vọng đã đăng ký vào các trường đại học là hơn 3.094.572 (trung bình mỗi thí sinh đăng ký 5,02 nguyện vọng).