Phát hiện 200 viên sỏi trong khớp vai, bác sĩ cảnh báo căn bệnh nguy hiểm

Đau khớp vai là triệu chứng thường gặp ở người tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp vai, trong đó có nguyên nhân khá hiếm gặp là sỏi khớp vai mà đôi khi việc chẩn đoán và điều trị thường ở giai đoạn muộn.

Đau mỏi khớp vai kéo dài… thận trọng với sỏi khớp vai

Bệnh nhân nữ 42 tuổi ở Phú Quốc- Kiên Giang vừa được các bác sĩ một bệnh viện tư nhân trên địa bàn mổ nội soi lấy ra hơn 200 viên sỏi từ khớp vai.

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 1 năm chị xuất hiện đau vai trái. Đi khám tại một cơ sở y tế, các bác sĩ chẩn đoán viêm khớp vai, kê đơn thuốc cho chị uống nhưng tình trạng đau vai đỡ rất ít.

Sau đó, bệnh nhân tới khám GS. Trần Trung Dũng, tại đây bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ và chẩn đoán bệnh u sụn màng hoạt dịch túi hoạt dịch cơ delta vai trái. Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi lấy ra hơn 200 viên sỏi từ khớp vai. Hiện bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

Theo các bác sĩ, đây là căn bệnh hiếm gặp, các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với bệnh lý cơ xương khớp khác chẩn đoán xác định bằng chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ nếu để quá lâu sẽ dẫn đến các thương tổn khớp nặng nề không hồi phục.

Cần phát hiện sớm sỏi khớp vai

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Trung Dũng –Giám đốc Trung tâm công nghệ 3D trong y học cho biết, sỏi trong khớp vai là do u xương sụn màng hoạt dịch sinh ra. Màng hoạt dịch là màng trong cùng của bao khớp, có vai trò tiết dịch làm trơn bề mặt hoạt động của khớp. U xương sụn màng hoạt dịch xuất hiện là do sự phát triển bất thường của cấu trúc sụn trong màng hoạt dịch và lắng đọng canxi.

Một số cấu trúc này phát triển lên chỉ dính vào màng hoạt dịch bằng một cái cuống giống như chùm nho, các quả nho là những hạt canxi lắng đọng. Trong quá trình phát triển, các hạt canxi này một phần vẫn nằm trong bao hoạt dịch, một phần khác rơi vào trong khớp.

Bệnh lý này chỉ biểu hiện ở một khớp, như khớp háng, gối, vai. Khi các hạt canxi lắng đọng này rơi vào khớp sẽ cọ sát, chèn ép vào sụn, gây tổn thương bề mặt sụn khớp, thoái hóa khớp làm người bệnh đau, hạn chế vận động. Vì vậy, khi đau mỏi khớp vai cần phải thăm khám sớm.

Một phần sỏi được các bác sĩ lấy từ vai bệnh nhân.

Một phần sỏi được các bác sĩ lấy từ vai bệnh nhân.

Diễn biến của sỏi khớp vai

Cũng theo GS.TS Trần Trung Dũng, nhắc đến u sụn màng hoạt dịch khớp (synovial osteochondromatosis) chắc nhiều người biết đến, đặc biệt là những thể điển hình tạo thành rất nhiều các viên sỏi cản quang trong khớp.

U sụn màng hoạt dịch khớp tiến triển qua 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn điển hình là giai đoạn 3 với các u sụn tự do trong khớp canxi hóa đủ nên phát hiện dễ dàng trên x quang thường quy.

Giai đoạn 1 thường khó chẩn đoán được do biểu hiện chính là tình trạng viêm màng hoạt dịch còn các mầm sụn trong màng hoạt dịch khá khó phát hiện.

Giai đoạn 2 là giai đoạn trung gian, có các sụn tự do trong khớp và vẫn có tình trạng viêm màng hoạt dịch.

"Vấn đề cơ bản là các u sụn chưa canxi hóa hết nên thường không dễ phát hiện trên X quang thường quy do đó thường điều trị như 1 trường hợp viêm màng hoạt dịch và bệnh nhân thường sẽ được chẩn đoán muộn khi có biểu hiện hạn chế vận động khớp và khẳng định chẩn đoán bởi siêu âm hoặc cộng hưởng từ và bởi bác sĩ chuyên khoa. Theo ghi nhận, tổn thương u sụn màng hoạt dịch có ở các khớp như khớp gối, khớp háng, khớp khuỷu, khớp cổ tay, khớp cổ chân và khớp vai trong đó khớp vai là khớp ít gặp nhất"- GS.TS Trần Trung Dũng nói.

GS.TS Trần Trung Dũng cùng ekip thực hiện ca phẫu thuật

GS.TS Trần Trung Dũng cùng ekip thực hiện ca phẫu thuật

Lời khuyên thầy thuốc

Chia sẻ về phương pháp điều trị, GS.TS Trần Trung Dũng cho biết, để điều trị hiệu quả là cắt bỏ phần màng hoạt dịch bị tổn thương và lấy sỏi, có thể bằng mổ mở hoặc nội soi tùy thuộc vào số lượng cũng như kích thước của sỏi, mức độ tổn thương màng hoạt dịch.

Ở giai đoạn sớm bệnh nhân có thể được điều trị bằng các thuốc giảm đau nhằm giảm triệu chứng. Ngược lại, khi đã có sỏi ổ khớp thì chỉ định mổ lấy sỏi là cần thiết, mọi phương pháp điều trị khác đều không còn tác dụng. Trước đây, các bác sĩ dùng phương pháp mổ mở cắt vùng bao hoạt dịch bị tổn thương, đồng thời gắp sỏi trong ổ khớp. Phương pháp này có hạn chế là lấy sỏi khó khăn, đường mổ lớn cùng với việc cắt bao hoạt dịch làm tổn thương khớp nên kết quả phẫu thuật khá hạn chế.

Ngày nay, nhờ có phương pháp mổ nội soi nên việc lấy sỏi trở nên dễ dàng, tránh nguy cơ sót sỏi, đồng thời bao hoạt dịch được bảo tồn nên khả năng hồi phục khớp là rất tốt. Phương pháp mổ nội soi còn cho phép thực hiện những lần mổ sau khi bệnh nhân tái phát sỏi trong ổ khớp.

Tóm lại: U sụn màng hoạt dịch gặp khá phổ biến ở các khớp lớn, thậm chí số lượng còn có thể rất nhiều trong 1 khớp. Các u sụn sẽ gây các cản trở cơ học làm cho bệnh nhân khó chịu, hạn chế vận động và lâu dài là tuổi thọ khớp sẽ giảm. Vì vậy, khi thấy có biểu hiện đau khớp vai cần đến sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán để điều trị kịp thời.

K. Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/200-vien-soi-trong-khop-vai-bac-si-canh-bao-can-benh-nguy-hiem-169240622105026717.htm