Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày

Nếu như mất ngủ là tình trạng ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người thì hay buồn ngủ ban ngày cũng là tình trạng gây phiền toái tới sinh hoạt, công việc của người mắc...

Nguyên nhân dẫn đến chứng buồn ngủ ban ngày rất đa dạng. Sự xuất hiện của tình trạng này cho thấy bệnh nhân đang gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ, có thể liên quan đến công việc, ảnh hưởng của thuốc, vấn đề sức khỏe cơ thể, tổn thương vùng não, và nhiều yếu tố khác...

Đông y chia chứng buồn ngủ ban ngày thành các thể do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Tùy theo nguyên nhân mà đề xuất phương pháp điều trị tương ứng.

Buồn ngủ ban ngày là bệnh lý phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày.

Buồn ngủ ban ngày là bệnh lý phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày.

1. Trị buồn ngủ ban ngày do chứng thấp thịnh khốn tỳ

Bệnh nhân chủ yếu biểu hiện là cả ngày buồn ngủ, không muốn nói chuyện, đầu óc mơ màng, mất cảm giác thèm ăn. Theo Đông y, tỳ là tạng chủ việc vận hóa và chủ việc vận dụng, nay tạng tỳ bị thấp tà quá thịnh vượng ảnh hưởng tới công năng nên sẽ xuất hiện các chứng trạng kể trên.

Phương pháp điều trị: Táo thấp kiện tỳ.

Phương thuốc: Bình vị tán gia thạch xương bồ, hoắc hương, bán hạ gồm thương truật 12g, hậu phác 10g, trần bì 10g, cam thảo 5g, sinh khương 10g, đại táo 5 quả, thạch xương bồ 4g, hoắc hương 8g, bán hạ 8g. Sắc nước uống.

Vị thuốc thương truật.

Vị thuốc thương truật.

2. Trị buồn ngủ ban ngày do đàm nhiệt nội trở

Bệnh nhân bị đàm nhiệt nội trở chủ yếu biểu hiện triệu chứng là chóng mặt, buồn ngủ, cảm giác như đang mơ, mê man, ngủ hay ngáy, ho đờm vàng đặc, ngực đầy, miệng đắng, táo bón, tiểu vàng, đồng thời còn có lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhầy.

Đông y định nghĩa đàm là một sản vật bệnh lý. Thông thường đồ ăn thức uống vào cơ thể thông qua quá trình chuyển hóa, phần tinh hoa sẽ biến thành tân dịch, sau đó tân dịch sẽ chuyển thành khí huyết.

Nếu quá trình chuyển hóa nói trên bị rối loạn, tân dịch sẽ không sinh được khí huyết mà sinh ra đàm. Đàm khi kết hợp với nhiệt tà sẽ hóa thành đàm nhiệt.

Vì vậy, thanh nhiệt hóa đàm là pháp điều trị có thể trực tiếp giải quyết vấn đề thấp nhiệt, giúp điều trị nhanh các triệu chứng. Nếu muốn điều trị chứng này triệt để cần tìm nguyên nhân sinh ra đàm nhiệt để điều trị, điều này cần có sự thăm khám, biện chứng của các thầy thuốc.

Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt hóa đàm khai khiếu.

Phương thuốc: Hoàng liên ôn đởm thang gia thạch xương bồ, đởm nam tinh gồm hoàng liên 8g, bán hạ chế 8g, cam thảo 4g, chỉ thực 10g, phục linh 10g, đại táo 5 quả, trần bì 8g, trúc nhự 8g, thạch xương bồ 4g, đởm nam tinh 8g. Sắc nước uống.

Vị thuốc hoàng liên.

Vị thuốc hoàng liên.

3. Trị thường xuyên buồn ngủ do trung tiêu hư nhược

Bệnh nhân chủ yếu biểu hiện là thường xuyên buồn ngủ. Sau khi ăn triệu chứng càng nặng hơn, bụng đầy, mệt mỏi không có sức, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt ít rêu.

Phương pháp điều trị: Bổ trung ích khí, kiện tỳ tỉnh thần.

Phương thuốc: Bổ trung Ích khí thang gia thương truật, mộc hương, bạc hà gồm hoàng kỳ 15g, nhân sâm 9g, bạch truật 9g, cam thảo 15g, đương quy 6g, thăng ma 6g, sài hồ 6g, trần bì 6g, đại táo 5 quả, sinh khương 10g, thương truật 6g, mộc hương 4g, bạc hà 4g. Sắc nước uống.

Vị thuốc hoàng kỳ trong bài thuốc Bổ trung Ích khí thang trị chứng buồn ngủ ban ngày.

Vị thuốc hoàng kỳ trong bài thuốc Bổ trung Ích khí thang trị chứng buồn ngủ ban ngày.

4. Trị dương khí bất túc

Biểu hiện của bệnh nhân chủ yếu là buồn ngủ nằm cuộn tròn, sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn ít lười nói, hay quên, tinh thần mệt mỏi, đồng thời còn kèm theo lưỡi nhạt rêu trắng.

Theo Đông y, dương khí là nguồn gốc của sự sống, là động lực cho mọi hoạt động của cơ thể. Khi dương khí không đầy đủ sẽ dẫn đến mọi hoạt động bị đình trệ, cơ thể không được ôn ấm, bảo vệ đầy đủ mà xuất hiện các biểu hiện trên.

Phương pháp điều trị: Ôn dương bổ khí, kiện tỳ bổ hư.

Phương thuốc: Phụ tử lý trung thang gồm phụ tử chế 10g, nhân sâm 10g, bạch truật 10g, can khương 10g, cam thảo 10g. Sắc nước uống.

Trong cuộc sống hằng ngày, người có tình trạng hay buồn ngủ cần chú ý thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, nên ăn uống thanh đạm, hạn chế các chất kích thích như cà phê, trà đặc, hút thuốc, uống rượu, không ăn các thức ăn cay nóng kích thích.

Việc sắp xếp lại thời gian sinh hoạt hợp lý và vận động thích hợp là yếu tố rất quan trọng giúp cơ thể thiết lập lại nhịp sinh hoạt bình thường.

Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, không tự ý dùng thuốc để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và tránh các tác dụng phụ, các bài thuốc và liều lượng sử dụng được giới thiệu chỉ mang tính chất tham khảo.

Mời bạn xem tiếp video:

Chất lượng giấc ngủ giúp tăng cường khả năng miễn dịch | SKĐS

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bien-phap-khac-phuc-chung-buon-ngu-ban-ngay-16924062417213866.htm