2022 có 'đuổi' được COVID-19?
Những tưởng người dân cả nước sẽ đón một cái tết tạm yên ổn khi vaccine COVID-19 ngày càng được phủ rộng, số ca nhiễm mới giảm, thì đột ngột biến chủng Omicron - 'vị khách không mời mà đến' lại khiến người dân mất ăn mất ngủ.
Thay vì háo hức đón Tết, nhà nhà lại phập phồng lo lắng trước nguy cơ biến chủng mới sẽ lại như một đợt sóng xâm nhập vào nước ta. Bước sang năm thứ ba đối mặt với đại dịch COVID-19, một câu hỏi lớn vẫn còn đau đáu: Năm 2022, liệu chúng ta có “đuổi” được COVID-19 hay không?
Cảnh giác cao độ
Từ Alpha, Beta, Gama đến Delta, và mới đây nhất là Omicron, virus SARS- CoV-2 đã “biến hình” liên tục để có thể đi được xa hơn, tấn công rộng hơn vào thế giới loài người. Chuyên gia nhiều nước đã cảnh báo rằng bản chất của virus là càng tồn tại lâu trong cộng đồng và lây truyền nhiều thì biến thể sẽ xuất hiện. Và virus SARS-CoV-2 cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên với sự lây lan nhanh chóng ra nhiều nước và lập tức được liệt vào danh sách “biến chủng đáng lo ngại", Omicron khiến người dân “toát mồ hôi” trước tình trạng biến chủng này chưa biến mất, biến chủng khác đã xuất hiện.
Omicron liệu có phải là "kẻ thù đáng gờm" hơn biến chủng Delta? Trao đổi với Chuyên đề An ninh thế giới về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận về ảnh hưởng của Omicron tới đời sống xã hội vì chưa có đủ dữ liệu hay bằng chứng. Hiện tại có những ý kiến trái chiều về biến chủng Omicron. Có ý kiến cho rằng biến chủng này đột biến quá nhiều ở protein gai nên khả năng đây chính là chỗ virus SARS-CoV-2 bám dính, xâm nhập vào tế bào của người và làm lây lan nhanh hơn gấp năm lần so với biến thể Delta, có thể vô hiệu hóa vaccine hiện có. Nếu Omicron được xác nhận lây lan mạnh hơn, nó sẽ bắt đầu “soán ngôi” Delta vốn đang chiếm ưu thế gần như ở mọi quốc gia.
Cũng có ý kiến khác cho rằng phần lớn những trường hợp nhiễm Omicron ở Nam Phi có triệu chứng nhẹ hơn nên rất có thể độc lực của virus này đã yếu đi. Và như thế có nghĩa biến chủng Delta sẽ tiếp tục "thống trị" thế giới. Tuy nhiên còn phải tiếp tục nghiên cứu vì hầu hết các ca nhiễm mới ở Nam Phi là những người trong độ tuổi 20-30. Các bác sĩ lưu ý nhóm tuổi này nói chung có các triệu chứng nhẹ hơn so với các nhóm tuổi khác khi mắc COVID-19. Để đi đến kết luận về biến chủng này phải chờ nghiên cứu đối với các đối tượng người già, người mắc bệnh nền và chưa tiêm hết vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không ngớt cảnh báo mức nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh rất đáng lo ngại và đang đưa ra các giải pháp làm thế nào để trì hoãn việc lây lan nhanh của chủng này trong khi tiếp tục có những nghiên cứu trong thời gian gấp rút để có đáp ứng thích hợp.
Nguy cơ hiển hiện trước mắt là biến thể này có thể lọt vào nước ta, chỉ còn là vấn đề thời gian sớm hay muộn mà thôi. Với tinh thần cảnh giác cao độ, Việt Nam đã tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia châu Phi có dịch, tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến và đi về từ các quốc gia này. Hoạt động kiểm dịch y tế ở các cửa khẩu cũng được tăng cường. Để chủ động phát hiện sớm biến chủng Omicron, cần tiến hành xét nghiệm để giải trình tự gene của những người nhập cảnh về Việt Nam có nguy cơ cao.
Liệu biến chủng Omicron có vô hiệu hóa vaccine? WHO cho rằng biến chủng mới này có khả năng làm suy yếu hiệu quả của vaccine và lây lan nhanh hơn Delta. Trong khi các nghiên cứu ở một số nước vẫn cho rằng vaccine còn tác dụng với biến chủng mới. Với những diễn biến khó lường của biến chủng mới, các hãng dược đã lao vào khu vực biến chủng xuất hiện để nghiên cứu, xem xét tác động của nó lên vaccine.
Nhiều nhà sản xuất đã bắt tay phát triển vaccine thế hệ thứ hai cho các biến chủng trong tương lai. Tuy nhiên quá trình này không thể diễn ra trong ngày một ngày hai mà có thể mất đến vài tháng. Trong khoảng thời gian chờ đợi thì biện pháp “câu giờ” hiệu quả là tiêm liều tăng cường cho người dân để phòng ngừa biến chủng Omicron. Như thế có nghĩa liều vaccine tăng cường chỉ là giải pháp tạm thời.
Nới lỏng nhưng không thả lỏng
Nếu như ở giai đoạn đầu của đại dịch, chúng ta đã nỗ lực bằng mọi cách để hướng tới zero COVID. Nhưng giờ đây, với việc các biến chủng liên tục xuất hiện đã trở thành “chuyện thường ngày thời đại dịch”, chúng ta có lẽ phải quen với một trạng thái bình thường mới là mối đe dọa từ COVID-19 sẽ không bao giờ kết thúc, virus sẽ chuyển thành mầm bệnh lâu dài. Như vậy có nghĩa, thay vì “tống cổ” được COVID-19 thì chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Thậm chí chấp nhận số ca mắc tăng cao trong cộng đồng. Bởi thời điểm này nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng như giai đoạn trước sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế và an sinh xã hội. Hơn nữa so với thời điểm cuối năm 2020, chúng ta hiện đã có vaccine và kinh nghiệm phòng chống dịch nên phải đưa ra tổng thể nhiều giải pháp để thích ứng một cách an toàn, linh hoạt, vừa kiểm soát dịch có hiệu quả vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nếu chủng mới xuất hiện thì có thể tăng cường một số giải pháp ở từng vùng dân cư, nhưng không thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội trên diện rộng, không thể cấm việc đi lại một cách cực đoan.
"Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn" - ông Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Gavi, Liên minh vaccine do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã khẳng định. Ở Việt Nam, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiêm hết mũi 2 tại các địa phương. Tiêm mũi tăng cường ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao gắn với địa bàn nguy cơ dịch cao ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, trong đó chú ý đến người già, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch. Song song với liều tăng cường thì tích cực triển khai có kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết, số lượng phù hợp và hoàn thiện sớm nhất việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, để các cháu sớm trở lại trường học. Tiến hành nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định rằng mặc dù hiện tại có nhiều tỉnh thành chưa phủ được 2 mũi vaccine, nhưng Việt Nam đủ nguồn vaccine để tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Chính phủ luôn chỉ đạo làm sao sản xuất được vaccine trong nước sớm nhất để tiêm cho người dân, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp sản xuất vaccine trong nước, bởi chỉ có vaccine trong nước mới đảm bảo được an ninh vaccine, để nước ta tự chủ được nguồn vaccine. Tuy nhiên hoạt động sản xuất vaccine nội hiện tại có những khó khăn nhất định trong vấn đề thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến sáng năm 2022 có thể có vaccine của Việt Nam sản xuất để tiêm cho người dân.
Dù sau Omicron có là những biến chủng gì đi nữa, thì virus SARS-CoV-2 vẫn lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc gần và lây theo giọt bắn. Nên thay vì lo lắng, cách tốt nhất mà người dân có thể làm là duy trì nguyên tắc 5K bởi đây là mấu chốt để cắt đứt được nguồn lây nhiễm. Người dân có ý thức đi tiêm vaccine và cho con em mình đi tiêm vaccine khi đã đủ điều kiện tiêm, để góp phần đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine trong cả nước. Mặc dù tiêm vaccine không thể vô hiệu hóa hoàn toàn sự lây lan virus SARS-CoV-2 nhưng vẫn có tác dụng giảm triệu chứng nặng.
Trong điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, cần quán triệt nguyên tắc phân tầng, phân luồng, phân tuyến F0 một cách chính xác. Bệnh nhân tầng một thì chỉ điều trị tại nhà hoặc tuyến y tế cơ sở. Bệnh nhân trung bình và nặng sẽ điều trị ở bệnh viện tuyến trên. Trước thực trạng số lượng bệnh nhân gia tăng lớn mỗi ngày như hiện nay thì mục tiêu ngăn chặn lây nhiễm sẽ rất khó. Vì thế cần chuyển sang giảm tỷ lệ chuyển tầng và giảm tỷ lệ tử vong.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp tới, nhu cầu đi lại, giao lưu gặp gỡ của người dân tăng cao sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. Biến thể Delta vẫn đang hiện hữu và hết sức nguy hiểm, còn biến chủng Omicron vẫn còn là một ẩn số. Vì vậy PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh rằng chúng ta đã nới lỏng nhưng không thả lỏng, buông trôi, phải cảnh giác, thận trọng trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh. Người dân hạn chế tiếp xúc đông người, luôn tính toán đến nguy cơ dịch bệnh khi tiếp xúc và di chuyển. Ưu tiên các hoạt động kinh tế, dịch vụ thiết yếu có kiểm soát. Còn dịch vụ nào không thiết yếu mà nguy cơ cao thì cần hạn chế.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/2022-co-duoi-duoc-covid-19--i639213/