256.000 tỷ đồng: Quá ít…

Ngày 3/6, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về 'Phát triển Văn hóa giai đoạn 2025-2035'. Trong tờ trình này, mục được quan tâm nhất chính là 'Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình phát triển văn hóa dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng'. Con số ấy có thể khiến nhiều người bị choáng nhưng nếu nhìn sâu vào nó, chúng ta sẽ nhận ra là 'quá ít'.

1. Có một điểm mà tất cả chúng ta sẽ phải đồng thuận với nhau là kể từ sau đổi mới, trải qua gần 40 năm, sự phát triển của đất nước là thực sự rõ rệt nhưng trong chặng đường phát triển 4 thập kỷ đó, phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế.

Nói một cách ngắn gọn, đời sống của người Việt trong nước hiện nay đã ở mức cao hơn rất nhiều so với những năm 80, 90. Cách đánh giá của người Việt hải ngoại đối với đời sống trong nước cho thấy rõ rệt nhất biến chuyển ấy. Thậm chí, đối với nhiều người nước ngoài, sống ở Việt Nam thoải mái, dễ chịu hơn so với ở bản xứ của họ rất nhiều. Nhưng, song song với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa người Việt trong nước dường như nghèo nàn đi, cho dù có cơ hội được tiếp cận thế giới dễ dàng hơn bội phần.

Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc chính là đòn bẩy cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc chính là đòn bẩy cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Chính vì thế, phát triển văn hóa là đòi hỏi tiên quyết và việc đầu tư cho phát triển văn hóa là tất yếu. Tờ trình Quốc hội của Bộ VH-TT&DL xoay quanh chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cũng là nhiệm vụ thiết yếu mà Bộ phải làm. Với tầm nhìn 10 năm, rõ ràng đây là một chiến lược nghiêm túc và để đầu tư cho 10 năm phát triển văn hóa, thực sự 256.000 tỷ đồng là còn ít.

256.000 tỷ đồng cho 10 năm chia bình quân là 25.600 tỷ đồng/năm. Nếu chi 25.600 tỷ đồng/năm mà đảm bảo người Việt Nam trở nên văn minh hơn, tiến bộ hơn, có mặt bằng dân trí ngang bằng các quốc gia phát triển nhất thì thực tế, phải chi đến 20 năm cũng là xứng đáng chứ đừng nói 10 năm. Văn hóa phát triển, nhu cầu của con người trong xã hội cũng nâng cấp hơn, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển hơn dẫn tới kinh tế phát triển hơn. Cái lợi ích chung của phát triển văn hóa thực sự rất lớn, không thể chỉ đong đo đếm theo kiểu từng đồng, từng triệu, từng tỷ.

Video "Con cò bé bé" của Xuân Mai đã cán đích 1,5 tỷ lượt xem trên YouTube.

Video "Con cò bé bé" của Xuân Mai đã cán đích 1,5 tỷ lượt xem trên YouTube.

Xem sơ qua chiến lược phát triển văn hóa kể trên, chúng ta có thể thấy rõ mấy mục căn bản nhất là: hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; hằng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam; ít nhất 10 tác giả đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%...

Với ngần ấy hạng mục đề ra, rõ ràng 256.000 tỷ là quá ít. Hãy chỉ nhìn vào nội chuyện 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tập, chúng ta đã thấy đòi hỏi số lượng vốn đầu tư khủng khiếp tới mức độ nào. Thêm vào đó, việc phổ cập giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa cho 100% học sinh, sinh viên cũng sẽ ngốn không ít ngân sách. Và, tất cả những việc ấy đều là chuyện buộc phải làm nếu muốn phát triển văn hóa, nhất là ở khía cạnh đầu tư vào con người.

2. Song, cái quá ít của ngân sách đầu tư là việc có thể cảm thông được, bởi muốn đầu tư thì phải căn cứ vào điều kiện. Nếu so với GDP của Việt Nam hiện nay (khoảng 420 tỷ USD), 256.000 tỷ đồng (tương đương 11 tỷ USD) là rất lớn. Nếu như ở giai đoạn thập niên 2030, GDP đạt kỳ vọng gấp rưỡi, gấp đôi hiện tại thì 11 tỷ USD đầu tư cho phát triển văn hóa 10 năm là con số mà ngân sách quốc gia có thể chấp nhận được. Nhưng, cái quá ít khác cần phải nói tới chính là trong chiến lược phát triển văn hóa của Bộ VH-TT&DL còn quá ít chi tiết. Tất cả mục tiêu đặt ra đa số mang tính chung chung, thiếu cụ thể và chưa giải đáp rõ được văn hóa sẽ được nâng tầm như thế nào, bằng các kế hoạch cụ thể nào.

Khi đưa ra một chiến lược, một kế hoạch, càng chi tiết bao nhiêu, càng có khả năng định lượng kỹ bao nhiêu, đánh giá về hiệu quả đầu tư sẽ chính xác bấy nhiêu và tính thuyết phục cũng từ đó tỷ lệ thuận với nó. Một chiến lược dài hơi nhưng được vạch ra thành từng kế hoạch, chính sách cụ thể và có thước đo hiệu quả cụ thể thì có đầu tư vào đó mấy chục tỷ USD cũng là hợp lý. Ngược lại, nếu một chiến lược quá mang tính khái quát, với những kế hoạch chung chung, chưa có các chi tiết để định lượng mục tiêu thì đầu tư 1 triệu USD cũng là bất hợp lý. Khi ấy, con số 1 triệu USD cũng sẽ là quá lớn và ngược lại, ở ví dụ kế trên đó, con số 10 tỷ USD cũng sẽ thành quá nhỏ.

Điển hình như mục "các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%", chúng ta dễ nhận ra sự thiếu hợp lý của nó về mặt toán học. Nếu nhìn vào GDP hiện tại đang ở mức 420 tỷ USD và tính trên cơ sở này, nếu công nghiệp văn hóa có khả năng đóng góp 8%, tức khoảng 33,6 tỷ USD/năm vào ngân sách nhà nước, có lẽ con số 11 tỷ USD đầu tư cho phát triển văn hóa không cần phải trông cậy vào nguồn vốn ngân sách Trung ương (63%) và vốn ngân sách địa phương như tờ trình của Bộ VH-TT&DL nữa mà chính văn hóa đã đủ tự tái đầu tư cho văn hóa rồi.

Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Nhìn vào những con số đó có thể thông cảm vì những người làm văn hóa không phải chuyên gia kinh tế, song chính nó cũng chỉ ra cái tính đại khái của việc xây dựng một chiến lược quan trọng. Trong khi đó, ở mảng phát triển công nghiệp văn hóa, rõ ràng Bộ VH-TT&DL còn lúng túng, chưa đề ra được kế hoạch phát triển thị trường văn hóa trong khi bản thân các ngành công nghiệp âm nhạc, điện ảnh, sân khấu v.v... và v.v... đã và đang vận hành như một thị trường tuân thủ mọi nguyên tắc thị trường từ bao năm qua rồi.

Ví dụ cơ bản nhất mà chúng ta có thể thấy chính là video "Con cò bé bé" của Xuân Mai đã cán đích 1,5 tỷ lượt xem trên YouTube. 1,5 tỷ lượt xem tương đương 1,5 triệu CPM và có thể mang lại cho đơn vị đầu tư con số gần 1 triệu USD. Đó chính là điển hình của công nghiệp văn hóa. Mà "Con cò bé bé" cũng chỉ là một sản phẩm đơn lẻ mà thôi trong khi ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm công nghiệp âm nhạc, điện ảnh, thể thao v.v... và v.v...) có hàng chục triệu sản phẩm đang được kinh doanh trên thị trường. Tại sao chiến lược phát triển văn hóa lại không khơi mở ở lĩnh vực mà Đảng và Chính phủ đã nhắc tới từ thập niên 90 rồi?

Rõ ràng, 256.000 tỷ đồng đã bắt đầu quá ít, không phải về con số đầu tư mà là quá ít về những hạng mục, chi tiết cần phải được lên kế hoạch thực hiện trong chiến lược phát triển văn hóa. Và, một khi chiến lược phát triển văn hóa còn đại khái, còn thiếu tính thiết thực, thiếu mục tiêu cụ thể cùng các thước đo cụ thể, sẽ có ít người đồng thuận với chiến lược ấy bởi đơn giản, công chúng đang nhìn thấy 256.000 tỷ đồng có thể được chi cho những thứ quá mơ hồ.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/256-000-ty-dong-qua-it-i735389/