'Vùng trung lập' Saudi Arabia: Chèo lái giữa 'đại dương xung đột'
Tuần qua, cả thế giới hướng mắt về thủ đô Riyadh, dõi theo từng chuyển động của đàm phán Mỹ-Nga - cuộc gặp không chỉ định hình tương lai Ukraine mà còn phản ánh vị thế ngày càng tăng của Saudi Arabia trong vai trò sứ giả hòa bình.

Phái đoàn Mỹ và Nga họp tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2. (Nguồn: AFP)
Trong bối cảnh cục diện thế giới diễn biến phức tạp, cần một quốc gia đóng vai trò cầu nối, làm trung gian giữa các cường quốc hàng đầu, Saudi Arabia đứng ra tổ chức hội nghị tại Riyadh ngày 18/2 giữa hai phái đoàn Mỹ và Nga, dưới sự dẫn dắt của Thái tử Mohammed bin Salman.
“Kiến trúc sư hòa bình”
Hội nghị đã đưa Mỹ và Nga “chung mâm” sau nhiều năm xa cách, một lần nữa chứng minh rằng Riyadh không chỉ là quan sát viên các vấn đề quốc tế, mà còn là “kiến trúc sư hòa bình”. Sự kiện mở ra tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai, nhằm tìm kiếm giải pháp giảm leo thang, tiến tới chấm dứt xung đột Ukraine.
Matthew Robinson, Giám đốc Trung tâm thông tin châu Âu - vùng Vịnh, nhận định đây là một phần trong nỗ lực của Riyadh nhằm trở thành "một nhân tố chủ chốt trong giải quyết các vấn đề địa chính trị lớn".
Bình luận về Hội nghị ngày 18/2, mạng truyền thình tin tức Al Arabiya ví Saudi Arabia là “địa điểm gặp gỡ quan trọng, vùng trung lập nơi ngay cả những vấn đề toàn cầu phức tạp nhất cũng có thể tìm ra hướng giải quyết”.
Việc Saudi Arabia vươn lên như một thế lực ngoại giao đánh dấu sự chuyển đổi trong quan hệ quốc tế. Các cuộc đàm phán do phương Tây dẫn dắt trước đây đang dần nhường chỗ cho một thế giới đa cực hơn, các quốc gia vừa và nhỏ, trong đó có Riyadh, đóng vai trò chủ chốt giải quyết xung đột quốc tế. Saudi Arabia đang thể hiện khả năng đưa các bên đối lập xích lại gần nhau, cung cấp địa điểm trung lập và thúc đẩy ngoại giao thực dụng, hướng đến kết quả cụ thể.
Trong quá khứ, Riyadh từng đứng ra hòa giải nhiều mối thâm thù lịch sử, chẳng hạn như hàn gắn quan hệ Qatar và các nước vùng Vịnh, xóa nhòa mâu thuẫn Pakistan-Ấn Độ và gần đây nhất là tổ chức hội nghị hòa bình về Ukraine tại thành phố Jeddah tháng 8/2023.
Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện từ khoảng 40 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước châu Âu. Nước chủ nhà Saudi Arabia khẳng định các đại biểu tham dự hội nghị đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục tham vấn quốc tế và trao đổi quan điểm, góp phần xây dựng nền tảng chung mở đường cho hòa bình tại Ukraine.

OPEC là một trong những tổ chức quyền lực nhất trong cung cấp dầu thế giới, vì sản xuất hơn một phần ba nguồn cung dầu toàn cầu. (Nguồn: Oil & Gas Middle East)
“Đôi cánh” kinh tế
Tầm ảnh hưởng của Riyadh không chỉ giới hạn ở lĩnh vực ngoại giao mà còn lan rộng sang kinh tế và thị trường năng lượng. Là thế lực đáng gờm của ngành công nghiệp dầu mỏ và dẫn dắt Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các quyết sách năng lượng của Riyadh tác động đáng kể đến sản lượng và tính ổn định thị trường dầu, cũng như xu hướng kinh tế toàn cầu.
Trọng tâm quyền lực kinh tế của Saudi Arabia nằm ở vai trò lãnh đạo trong OPEC. Với sản lượng xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Vương quốc này đối mặt thách thức cân bằng giữa lợi ích kinh tế và áp lực địa chính trị. Chẳng hạn, Mỹ nhiều lần kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu để giảm giá dầu toàn cầu và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, Riyadh tỏ ra lưỡng lự trước tín hiệu của Washington, do phải cân nhắc nhu cầu tài chính, chính sách năng lượng trong nước và quan hệ với các quốc gia sản xuất dầu khác.
Ngoài yếu tố kinh tế thị trường, chính sách năng lượng của Saudi Arabia là công cụ định hình vị thế địa chính trị, giúp Vương quốc này duy trì cân bằng giữa các cường quốc năng lượng, nhất là Nga. Mối hợp tác với Moscow thông qua các thỏa thuận OPEC+ cho thấy cách tiếp cận thực dụng của Riyadh trong quản lý cán cân cung-cầu dầu mỏ toàn cầu và sự ổn định của kinh tế thế giới.
Dù dầu mỏ vẫn là động lực kinh tế chính, Saudi Arabia đang tích cực theo đuổi chiến lược đa dạng hóa kinh tế thông qua “Tầm nhìn 2030” - một kế hoạch cải cách đầy tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Riyadh mạnh tay đầu tư các lĩnh vực như du lịch, giải trí và công nghệ, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế sôi động và đa dạng hơn. Những nỗ lực này không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng toàn cầu của quốc gia.
Nhìn chung, với sự tham gia của Saudi Arabia trong vai trò trung gian hòa giải, xung đột Ukraine và nhiều mâu thuẫn quốc tế khác phần nào được tháo gỡ, phản ánh tiếng nói ngày càng quan trọng của các nước vừa và nhỏ trong thế giới đa cực. Cần hiểu rằng, nhằm hoàn thành tốt trọng trách sứ giả hòa bình, Riyadh đang tận dụng nền tảng kinh tế vững chắc như "đôi cánh" để giúp nước này giữ cân bằng quan hệ tốt với các cường quốc, vừa duy trì sức mạnh truyền thống là dầu mỏ, vừa phấn đấu mục tiêu mới là "Tầm nhìn 2030".