3 phương pháp xác định suy dinh dưỡng ở trẻ theo chuẩn WHO phụ huynh nên biết

Để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, các nhà khoa học đã chuẩn hóa mối liên hệ giữa chỉ số chiều cao, cân nặng, tuổi tác. Việc làm này giúp trẻ được đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng chính xác trong những lần kiểm tra sức khỏe từ đó đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Suy dinh dưỡng ở trẻ là tình trạng cơ thể thiếu hụt năng lượng, dưỡng chất (protein, glucid, lipid,…), các vi chất, khoáng chất… gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình tăng trưởng của trẻ như suy yếu hệ miễn dịch, chậm phát triển thể chất - trí tuệ… Việc nắm vững cách xác định và đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng hoặc nguy cơ suy dinh dưỡng theo tiêu chuẩn của WHO giúp cha mẹ theo dõi sức khỏe con một cách chính xác qua từng giai đoạn phát triển, từ đó phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời.

1. Z-Score là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Z - Score còn được gọi là Độ lệch chuẩn (SD), là thước đo khoảng cách giữa các trị số của trẻ và giá trị tiêu chuẩn của quần thể. Điểm Z có thể được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau ở bất cứ nơi nào cần đo lường thống kê. Tuy nhiên, đối với dinh dưỡng, chúng ta thường tính Z - Score cho cân nặng theo chiều cao, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo tuổi. Tất cả các phép đo Z - Score về dinh dưỡng đều đưa ra câu trả lời cho câu hỏi liệu trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không và phạm vi suy dinh dưỡng (nhẹ/trung bình/nặng). Năm 2006, WHO đã đưa ra chỉ số Z- Score để đánh giá về tình trạng dinh dưỡng ở đối tượng trẻ em.

Chỉ số Z-Score được tính bằng công thức sau:

Z = (X-µ)/σ

Trong đó:

Z là điểm số tiêu chuẩn.

X là giá trị thực tế (ví dụ: cân nặng hoặc chiều cao của trẻ).

μ là giá trị trung bình của tổng thể.

σ là độ lệch chuẩn.

Các chỉ số đánh giá suy dinh dưỡng ở trẻ em

Cách đánh giá suy dinh dưỡng trẻ em thường dựa vào các chỉ số như:

Cân nặng theo tuổi: Chỉ số này so sánh cân nặng thực tế của trẻ với cân nặng tiêu chuẩn của các trẻ cùng độ tuổi và giới tính dựa trên bảng chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chiều cao theo tuổi: Chỉ số này đo lường chiều cao của trẻ so với chuẩn chiều cao trung bình của trẻ cùng độ tuổi và giới tính. Thông qua chỉ số này có thể xác định trẻ có bị thấp còi hay không.

Cân nặng theo chiều cao: Chỉ số này đánh giá mối quan hệ giữa cân nặng và chiều cao của trẻ, giúp xác định trẻ đang gặp tình trạng suy dinh dưỡng hay thừa cân.

BMI theo tuổi: Chỉ số BMI theo tuổi là sự kết hợp giữa cân nặng và chiều cao của trẻ, được điều chỉnh theo tuổi và giới tính. Chỉ số này được sử dụng chủ yếu cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên để đánh giá trẻ có nguy cơ thừa cân hoặc suy dinh dưỡng hay không.

2. Bảng phân loại cân nặng và chiều cao cho trẻ suy dinh dưỡng

Theo các chuyên gia, việc phân loại suy dinh dưỡng theo cân nặng và chiều cao của trẻ giúp bác sĩ xác định mức độ suy dinh dưỡng của trẻ một cách rõ ràng và chính xác. Dựa vào đó, các bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp, giúp trẻ phục hồi dinh dưỡng và phát triển bình thường. Dưới đây là các chỉ số đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi:

2.1. Chỉ số cân nặng theo tuổi

- Chỉ số Z-Score < -3 SD: Trẻ được đánh giá là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, mức độ nặng.

- Chỉ số Z-Score < -2 SD: Trẻ được đánh giá là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, mức độ vừa.

- Chỉ số Z-Score-2 SD < Z-Score < 2 SD: Trẻ được đánh giá là bình thường.

- Chỉ số Z-Score> 2 SD: Trẻ được đánh giá là thừa cân.

- Chỉ số Z-Score> 3 SD: Trẻ được đánh giá là béo phì.

2.2. Chỉ số chiều cao theo tuổi

- Chỉ số Z-Score< -3 SD: Trẻ được đánh giá là suy dinh dưỡng thể thấp còi, mức độ nặng.

- Chỉ số Z-Score< -2 SD: Trẻ được đánh giá là suy dinh dưỡng thể thấp còi, mức độ vừa.

- Chỉ số Z-Score-2 SD < Z-Score < 2 SD: Trẻ được đánh giá là bình thường.

2.3. Chỉ số cân nặng theo chiều cao

- Chỉ số Z-Score< -3 SD: Trẻ được đánh giá là suy dinh dưỡng thể gầy còm, mức độ nặng.

- Chỉ số Z-Score< -2 SD: Trẻ được đánh giá là suy dinh dưỡng thể gầy còm, mức độ vừa.

- Chỉ số Z-Score-2 SD < Z-Score < 2 SD: Trẻ được đánh giá là bình thường.

- Chỉ số Z-Score> 2 SD: Trẻ được đánh giá là thừa cân.

- Chỉ số Z-Score> 3 SD: Trẻ được đánh giá là béo phì.

Cách tính suy dinh dưỡng trẻ em dựa theo chỉ số cân nặng và chiều cao theo độ tuổi.

Cách tính suy dinh dưỡng trẻ em dựa theo chỉ số cân nặng và chiều cao theo độ tuổi.

3. Cách tính suy dinh dưỡng trẻ em theo tiêu chuẩn WHO

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ qua các số đo nhân trắc (thường dùng nhất là cân nặng & chiều cao) là phương pháp phổ biến và đơn giản có thể áp dụng bất kỳ lúc nào. Thực hành cách tính suy dinh dưỡng trẻ em qua các số đo nhân trắc bao gồm 4 bước:

Tính tuổi.

Đo cân nặng.

Đo chiều cao.

Đánh giá tình trạng dinh dưỡng theo quần thể tham chiếu.

Dưới đây là công thức và ví dụ cụ thể cho từng chỉ số chính:

3.1. Công thức tính Z-Score cân nặng theo tuổi (W/A)

Công thức:

Z = (cân nặng của trẻ – cân nặng trung bình)/σ

Trong đó:

Z là điểm số tiêu chuẩn.

σ là độ lệch chuẩn.

Ví dụ cụ thể: Cân nặng thực tế của bé gái 2 tuổi là 9kg.

Cân nặng trung bình theo tiêu chuẩn của WHO cho bé gái 2 tuổi là 12kg.

Độ lệch chuẩn là 1,5kg.

Áp dụng vào công thức:

Z = (9 – 12)/1,5 = -3/1,5 = -2

Kết luận: Z-Score = -2, nghĩa là bé bình thường và không có dấu hiệu suy dinh dưỡng.

3.2. Công thức tính Z-Score chiều cao theo tuổi (H/A)

Công thức:

Z = (chiều cao của trẻ – chiều cao trung bình)/σ

Trong đó:

Z là điểm số tiêu chuẩn.

σ là độ lệch chuẩn.

Ví dụ cụ thể: Chiều cao thực tế của bé trai 3 tuổi là 85cm.

Chiều cao trung bình theo tiêu chuẩn của WHO cho bé trai 3 tuổi là 95cm.

Độ lệch chuẩn là 3cm.

Áp dụng vào công thức:

Z = (85 – 95)/3 = -10/3 = -3,33

Kết luận: Z-Score = -3,33, nghĩa là bé bị thấp còi nghiêm trọng.

3.3. Công thức tính Z-Score cân nặng theo chiều cao (W/H)

Công thức:

Z = (cân nặng của trẻ – cân nặng trung bình theo chiều cao)/σ

Ví dụ cụ thể: Cân nặng thực tế của bé trai có chiều cao 90cm là 10kg.

Cân nặng trung bình theo tiêu chuẩn của WHO cho bé trai 90cm là 12kg.

Độ lệch chuẩn là 1,2kg.

Áp dụng vào công thức:

Z = (10 – 12)/1,2 = -2/1,2 = -1,67

Kết luận: Z-Score = -1,67, nghĩa là bé có cân nặng theo chiều cao trong giới hạn bình thường, không có dấu hiệu suy dinh dưỡng.

4. Những lưu ý khi tính trẻ suy dinh dưỡng

Để tránh việc kết quả đầu ra bị sai số và không phản ánh đúng thực trạng cơ thể của bé, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều sau khi thực hành đo lường và cách tính suy dinh dưỡng trẻ em.

4.1. Lưu ý khi tính tuổi

Tháng tuổi của trẻ tính từ khi trẻ sinh ra đến khi trẻ được 29 ngày tuổi, nghĩa là trẻ được 0 tháng. Cứ như vậy, trẻ một tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 1 tháng cho đến khi được 1 tháng 29 ngày tuổi…

Năm tuổi của trẻ được tính đến đúng ngày sinh nhật lần thứ nhất, trẻ sẽ được tính là 1 tuổi. Cứ như vậy, đến đúng ngày sinh nhật lần thứ hai, trẻ sẽ được tính là 2 tuổi…

4.2. Lưu ý khi đo cân nặng

Chọn cân có độ chính xác đến 100g.

Đặt cân ở nơi bằng phẳng, chắc chắn để thuận tiện đặt bé lên cân.

Điều chỉnh cân về số 0 trước khi cân.

Cân vào một thời điểm nhất định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi vừa ngủ dậy và chưa ăn gì.

Mặc quần áo tối thiểu, bỏ giày dép và các vật nặng khác trong người.

Người đọc nhìn thẳng chính giữa mặt cân, đọc số cân khi cân đã thăng bằng.

4.3. Lưu ý khi đo chiều cao

Sử dụng thước đo chiều dài nằm đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi và thước đo chiều cao đứng đối với trẻ trên 24 tháng tuổi.

Thước phải có độ chia tối thiểu là 0,1cm.

Đo đứng: Hướng dẫn trẻ đứng quay lưng vào thước đo, hai chân sát vào nhau, trục cơ thể trùng với trục thước đo, mắt nhìn thẳng, hai tay buông thõng 2 bên.

Đo nằm: Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt thước sao cho mắt hướng thẳng lên trần nhà, đỉnh đầu chạm vào đầu thước chỉ số 0, hai gối thẳng, hai gót chân chạm nhau.

Lưu ý: Nếu trẻ trên 24 tháng tuổi không đo đứng được sẽ phải đo nằm rồi lấy kết quả trừ đi 0,7cm.

Cách tính suy dinh dưỡng trẻ em theo chuẩn WHO có thể giúp các bậc phụ huynh phát hiện sớm dấu hiệu nghi ngờ tình trạng suy dinh dưỡng của con.

Cách tính suy dinh dưỡng trẻ em theo chuẩn WHO có thể giúp các bậc phụ huynh phát hiện sớm dấu hiệu nghi ngờ tình trạng suy dinh dưỡng của con.

5. Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số suy dinh dưỡng ở trẻ

Theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau ảnh hưởng đến chỉ số suy dinh dưỡng ở trẻ, bao gồm các yếu tố liên quan đến môi trường sống, dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe, cụ thể như:

Trong những tháng đầu đời, trẻ không được bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú đủ sữa mẹ.

Chế độ ăn thiếu cân bằng dinh dưỡng hoặc không nhận đủ các vi chất dẫn đến thiếu năng lượng.

Những bệnh lý truyền nhiễm như viêm đường hô hấp, tiêu chảy và một số bệnh liên quan đến ký sinh trùng như nhiễm giun, sán… có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của trẻ.

Môi trường sống bị ô nhiễm, thiếu vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và suy dinh dưỡng ở trẻ em.

6. Cách cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ hiệu quả

Nhằm giúp trẻ bị suy dinh dưỡng có thể bắt kịp đà tăng trưởng và phát triển bình thường, các bậc phụ huynh cần chú ý đến hai yếu tố quan trọng: tăng cường năng lượng và bổ sung chất dinh dưỡng. Dưới đây là những phương pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ:

Chế độ ăn của trẻ cần có đủ năng lượng từ các nhóm thực phẩm giàu protein, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Lựa chọn thực phẩm tươi sạch rõ nguồn gốc và ưu tiên chế biến tại nhà giúp trẻ hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Bố mẹ nên thay đổi phương pháp chế biến món ăn thường xuyên để kích thích khẩu vị và giúp con ăn nhiều hơn.

Dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng tránh các loại vi khuẩn gây bệnh.

Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày bao gồm các bữa phụ xen kẽ bữa chính.

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng các sản phẩm tăng cường để bổ sung vi chất.

Đảm bảo trẻ được tiêm phòng đầy đủ và tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

Tạo cơ hội cho con tham gia các hoạt động thể chất và vận động thường xuyên.

Theo dõi các chỉ số cân nặng và chiều cao của con định kỳ để phát hiện kịp thời những thay đổi về tình trạng dinh dưỡng. Nếu phát hiện con có dấu hiệu sụt cân hoặc chậm tăng trưởng, bố mẹ nên sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín để được kiểm tra chuyên sâu và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Chế độ ăn của trẻ cần có đủ năng lượng từ các nhóm thực phẩm giàu protein, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Chế độ ăn của trẻ cần có đủ năng lượng từ các nhóm thực phẩm giàu protein, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Tóm lại, cách tính suy dinh dưỡng trẻ em theo chuẩn WHO có thể giúp các bậc phụ huynh phát hiện sớm dấu hiệu nghi ngờ tình trạng suy dinh dưỡng của con. Tuy nhiên, để được chẩn đoán và kiểm tra chính xác nhất, bố mẹ nên sớm đưa con đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân, từ đó xây dựng kế hoạch chăm sóc phù hợp và hiệu quả.

Mai Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-phuong-phap-xac-dinh-suy-dinh-duong-o-tre-theo-chuan-who-phu-huynh-nen-biet-169250703190340975.htm