3 tình huống người thông minh thường chọn 'giả ngốc' để bảo vệ bản thân

Trong cuộc sống, không phải lúc nào việc thể hiện bản thân cũng là điều tốt, có những thứ bạn nên giả ngốc để tự bảo vệ chính mình.

Trong Nho giáo có một khái niệm được gọi là "Thủ Chuyết", có nghĩa là biểu hiện một cách vụng về. Hiểu một cách đơn giản đây là hành động giả ngốc.

Đừng coi thường việc giả ngốc, đó là cách khôn ngoan của những người thông minh. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta đối mặt với những tình huống khó xử, giả ngốc là cách tốt nhất vào lúc này, nó có thể giúp bạn giảm đến 70% rắc rối.

Người thông minh biết cách giả ngốc đúng nơi đúng chỗ. Ảnh minh họa

Người thông minh biết cách giả ngốc đúng nơi đúng chỗ. Ảnh minh họa

Khi gặp phải 3 tình huống dưới đây, hãy học cách giả ngốc, đó là lựa chọn thông minh nhất.

1. Khi nghe thấy những trò đùa có ẩn ý

Nói đùa là một chuyện rất bình thường trong cuộc sống. Mọi người dùng những câu chuyện cười để xóa tan bầu không khí căng thẳng, giảm bớt sự bối rối. Nhưng không phải trò đùa nào cũng có mục đích tốt, một số trò đùa tưởng chừng hài hước nhưng lại ẩn chứa ý đồ xấu xa.

Khi bạn được kể một số câu chuyện cười không phù hợp, thậm chí lố lăng hay tục tĩu, tốt nhất nên giả ngốc hoặc giả câm lúc này.

Những trò đùa không phù hợp này thường là những lời bóng gió hoặc những gợi ý đen tối, có tính sát thương cao. Nếu bạn thể hiện mình hiểu câu nói đùa của người ta, mục đích của trò đùa đã đạt được.

Nếu bạn chọn hành động giả ngốc, hỏi thử đối phương xem câu đó có ý nghĩa gì, tại sao nó lại buồn cười, yêu cầu họ giải thích rõ ràng.

Lúc này, người xấu hổ chính là họ chứ không phải bạn, bởi họ không muốn giải thích những câu mình vừa nói đùa. Việc giải thích chẳng khác nào họ đang nói huỵch toẹt ra mục đích xấu xa của mình.

Đôi khi bạn không cần phải đáp lại điều người khác đùa cợt mình, chỉ cần phớt lờ nó, đối phương sẽ chẳng làm gì được bạn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

2. Khi được yêu cầu đứng về một phe

Trong công việc, chúng ta thường gặp phải một tình huống khó xử, đó là khi được yêu cầu thể hiện quan điểm của mình và đứng về phe nào.

Trừ khi bạn chắc chắn muốn theo phe của một người và thể hiện kiên quyết đứng bên cạnh họ, còn không bạn nên giả ngốc, không đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Đôi khi điều này còn dựa vào lòng tin của từng người. Lòng tin này là 2 chiều, không chỉ phụ thuộc vào việc bạn có thể kiên quyết đứng về một phe mãi mãi, mà còn phụ thuộc vào người mà bạn tin cậy, liệu có thể đáp lại như những gì họ hứa hẹn không.

Trong trường hợp bạn thể hiện rõ mình đứng về phe nào, không chắc điều đó có thực sự là điều nên làm nhưng có một điều chắc chắn là bạn đã làm tổn thương phe còn lại.

Vì vậy, khi bạn gặp phải tình huống này, bạn có thể giả vờ không hiểu đối phương đang hỏi cái gì, không thể hiện quan điểm của mình, đó là lựa chọn an toàn và thông minh nhất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

3. Khi được hỏi ý kiến

Trong công việc, bị hỏi ý kiến là một việc rất phổ biến. Thế nhưng, đôi khi mục đích của việc hỏi không phải để lắng nghe ý kiến mà là để bạn rơi vào bẫy. Trong trường hợp đó, bạn cần học cách giả ngốc để tránh vấn đề khó khăn này.

Khi gặp phải câu hỏi khó trả lời và được yêu cầu phải thể hiện quan điểm, bạn có thể áp dụng cách "chỉ mô tả, không đánh giá".

Chỉ nêu ra sự thật khách quan, không đưa ra nhận xét chủ quan. Nếu đối phương tiếp tục đặt câu hỏi, bạn có thể tiếp tục giả ngốc, lấy lý do kinh nghiệm và khả năng của mình còn hạn chế, không đưa ra ý kiến. Đây là cách để tự bảo vệ bản thân.

Nếu là thời điểm thích hợp, câu hỏi quen thuộc, bạn có thể tự do diễn đạt ý kiến của mình. Nhưng nếu câu hỏi chứa ý đồ xấu, ít nói sẽ ít sai, nên giả ngốc coi như mình không biết gì hết.

Nếu gặp phải 3 tình huống trên, bạn nên giả ngốc để tránh rước rắc rối vào người. Người thông minh sẽ biết đâu là thời điểm nên nói và nên giả ngốc.

Phan Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/3-tinh-huong-nguoi-thong-minh-thuong-chon-gia-ngoc-de-bao-ve-ban-than-2246702.html