3 vị trí trên cơ thể vi khuẩn bạch hầu dễ tấn công nhất

Vị trí tấn công của vi khuẩn bạch hầu lên cơ thể có thể dẫn đến các biểu hiện, diễn biến bệnh khác nhau.

 Bạch hầu là bệnh có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm. Ảnh: ear_nose_throat_consultants.

Bạch hầu là bệnh có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm. Ảnh: ear_nose_throat_consultants.

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên (mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng). Tác nhân gây ra bệnh là ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu. Loại độc tố này khi được tiết ra sẽ tác động đến tim, thận, hệ thần kinh, gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.

Theo điều dưỡng Hà Thị Thanh Hoa, khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, biểu hiện cũng sẽ khác nhau.

Bệnh bạch hầu mũi trước

Bệnh nhân thường chỉ có biểu hiện sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

Bệnh bạch hầu họng và amidan

Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai, dính chắc vào amidan hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm hoặc các hạch vùng cổ, khiến cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu người bệnh không được điều trị tích cực có thể nguy hiểm đến tính mạng sau 6-10 ngày.

Bạch hầu thanh quản

Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, xuất hiệp các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và không qua khỏi.

Ngoài những vị trí kể trên, vi khuẩn còn có thể gây bệnh ở một số vị trí khác nhưng những trường hợp này rất hiếm và có tiến triển bệnh nhẹ.

Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú ý:

Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Che miệng khi hắt hơi hoặc ho.
Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/3-vi-tri-tren-co-the-vi-khuan-bach-hau-de-tan-cong-nhat-post1513789.html