39 đặc sản hấp dẫn của TP.HCM đạt chứng nhận OCOP
Các hợp tác xã, doanh nghiệp rất vui mừng vì sản phẩm sau khi được công nhận sẽ là bước đệm giúp họ tiếp cận người tiêu dùng, du khách, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Đa dạng nhóm sản phẩm đạt OCOP
Tối ngày 30/6, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM năm 2022, cho 11 chủ thể với 39 sản phẩm, trong đó 15 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, khi triển khai thành công sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.
Trước đây, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28/1/2019 về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM đến năm 2020. Cuối năm 2021, Thành phố đã đánh giá, và có quyết định phân hạng đối với 28 sản phẩm, trong đó có 27 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; 1 sản phẩm trình Trung ương xem xét, đánh giá đạt 5 sao.
Từ những kết quả đạt được ban đầu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Thành phố đã tiếp tục ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022 về phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019 - 2020, trong đó có 2 nội dung đáng chú ý như: Mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình OCOP trên phạm vi toàn thành phố (giai đoạn 2019 - 2020, Chương trình OCOP chỉ được triển khai thực hiện điểm trên địa bàn 5 huyện xây dựng nông thôn mới: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, thì đến giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đã mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình ra 22 quận huyện và TP. Thủ Đức).
Bên cạnh đó là mở rộng lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, nếu giai đoạn 2019 - 2020 chỉ tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố, thì giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thât - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Sau 9 tháng triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đã có những bước tiến nổi bật. Cụ thể là thu hút nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP hơn. Đến nay toàn TP. HCM có 66 sản phẩm trên địa bàn 4 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ được công nhận sản phẩm OCOP.
Chia sẻ tại Lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP tối 30/6, các doanh nghiệp bày tỏ phấn khởi và cho biết, sản phẩm sau khi được công nhận sẽ là bước đệm giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.
Là doanh nghiệp có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4, gồm mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ viên đen, mật ong nhân sâm, tinh bột nghệ vàng, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm của Xuân Nguyên phải trải qua các bước đánh giá bài bản toàn diện, từ đầu vào nguyên liệu, khu chế biến sản xuất và đầu ra thành phẩm bởi nhiều cấp đánh giá (huyện, tỉnh, Trung ương) với Hội đồng đánh giá chuyên nghiệp gồm nhiều ngành: y tế, công thương, tài chính, môi trường…. Riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như: VietGAP, HACCP, ISO...
"Năm 2021, 2 sản phẩm của Xuân Nguyên là mật ong rừng sữa ong chúa và viên hà thủ ô 5 trong 1 cũng đã xuất sắc đạt chứng nhận 4 sao. Với tinh thần trách nhiệm cao, chúng tôi không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, con người, vùng nguyên liệu… để cho ra những sản phẩm chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và chung tay xây dựng nền kinh tế nông nghiệp nông thôn thịnh vượng” - ông Lư Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ.
Mạnh dạn tạo nên một hướng đi riêng, Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu là doanh nghiệp có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 4 mang thương hiệu Cà phê Meet More. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu cho biết, Việt Nam là một trong những đất nước có tiềm năng về trái cây nhiệt đới, ông mong muốn tạo nên một sản phẩm gần gũi với người Việt Nam, đặc biệt là làm từ trái cây để giúp bà con tiêu thụ nông sản, do đó cà phê Meet More ra đời mang thông điệp “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và “Hãy tự hào về nông sản Việt”.
Chung tay hỗ trợ sản phẩm OCOP phát triển
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Chính vì vậy, rất cần có sự chung tay, hỗ trợ phát triển Chương trình của các sở, ngành liên quan.
Từ đó, ông Đinh Minh Hiệp cho rằng, các sở, ngành, theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị cần có những hoạt động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ phát triển Chương trình. Cụ thể, ông mong muốn Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, cấp nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ các giải pháp công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.
Sở Công Thương có thể hỗ trợ doanh nghiệp kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến hệ thống siêu thị hiện có trên địa bàn Thành phố.
Sở Du lịch kết nối tuyến du lịch với các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP; quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến các hệ thống nhà hàng, khách sạn,..; giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện quảng bá du lịch của Thành phố…
Đặc biệt, các chủ thể tham gia Chương trình cũng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới sản phẩm; chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm đã được Thành phố đánh giá, phân hạng sao.
Chương trình OCOP tại TP.HCM đã được mở rộng hơn về phạm vi, tạo điều kiện cho các chủ thể, gồm hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, TP.Thủ Đức tham gia (giai đoạn trước giới hạn phạm vi ở 5 huyện ngoại thành).
Sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của TP.HCM đang tập trung nhiều ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và TP. Thủ Đức.
Thời gian qua, các hệ thống phân phối lớn của TP.HCM đã tích cực tìm hiểu sản phẩm và kết nối với các chủ thể, nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Kết quả, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mega Market đã ký biên bản ghi nhớ với toàn bộ 11 chủ thể; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM ký với 7 chủ thể; Tập đoàn Central Retail ký với 3 chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của TP.HCM.
Hữu Long – Thanh Huyên