Theo Atlas Địa lý Việt Nam, sông Bạch Đằng còn có những tên gọi khác như Bạch Đằng Giang, sông Vân Cừ. Đây là dòng sông chảy giữa thị xã Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh và huyện Thủy Nguyên của thành phố Hải Phòng. Trong quá khứ, sông Bạch Đằng gần như là tuyến đường thủy duy nhất mà các triều đại phong kiến phương Bắc có thể kéo thủy binh vào nước ta. Nắm được địa thế đặc biệt này, cha ông ta nhiều lần bày binh bố trận trên sông Bạch Đằng để tiêu diệt địch.
Trước khi bãi cọc ở Cao Quỳ (xã Liên Khê huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) được phát hiện và khai quật mới đây, 3 bãi cọc được tìm thấy ở Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa ở thị xã Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh. Theo các nhà khoa học, 4 bãi cọc này liên quan trận đánh của vua Ngô Quyền năm 938 và trận đánh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn năm 1288.
Theo các nhà nghiên cứu, cọc Bạch Đằng được làm bằng gỗ lim, táu, chiều dài từ 1,5 m đến hơn 2,5 m, đường kính khoảng 18 cm đến 28 cm. Lim là loại gỗ rất tốt, cứng, chắc, ngâm dưới bùn hàng trăm năm không mục nát.
Theo một số tài liệu, người được cho là nghĩ ra kế cắm cọc xuống đáy sông giúp Ngô Vương là Kiều Công Hãn. Ông là con của Kiều Công Chuẩn, anh trai sứ quân Kiều Thuận. Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để chiếm quyền, Kiều Công Hãn không theo ông nội mà mang quân vào châu Ái theo Ngô Quyền.
Vốn là tướng tài, Kiều Công Hãn có cái nhìn và nhận định chuẩn xác khi khuyên Ngô Quyền rằng: “Nam Hán là nước nhỏ ở vùng duyên hải, nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La. Ta nên bày trận đánh chúng ngay khi mới vào cửa sông Bạch Đằng”. Ngô Quyền khen kế đó hay, liền sai Dương Tam Kha chỉ huy quân lính chặt 3.000 cây gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm. Từ bãi cọc này, Ngô Quyền làm nên chiến thắng lẫy lừng năm 938.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trong trận đánh trên sông Bạch Đằng năm 981, vua Lê Hoàn chỉ huy quân đội Đại Cồ Việt đánh tan quân Tống xâm lược. Viên chủ tướng Hầu Nhân Bảo của địch chết trong đám loạn quân.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã đập tan hoàn toàn mộng xâm lăng Đại Việt của quân Mông - Nguyên. Những viên chỉ huy sừng sỏ của địch như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Tích Lệ Cơ đều bị quân ta bắt sống.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing News