1. Chùa Một Cột (quận Ba Đình). Nằm bên Quảng trường Ba Đình, chùa Một Cột nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo gồm một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất, là một biểu tượng lịch sử của thủ đô Hà Nội cũng như nền văn hóa có bề dày ngàn năm của Việt Nam.
Tương truyền, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông. Theo đó, vào năm 1049, vua đã mơ thấy mình được Phật bà Quan Âm đưa lên tòa sen. Tỉnh dậy, nhà vua kể lại chuyện cho quần thần nghe và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa có hình dáng như đài sen.
Do những biến thiên lịch sử, chùa Một Cột đã được xây dựng lại nhiều lần, mỗi lần lại có những sửa đổi khác nhau nên diện mạo không còn giống như thời Lý. Vào thời Nguyễn, chùa được trùng tu lớn khoảng những năm 1840-1850 và năm 1922.
Vào năm 1954, chùa Một Cột bị thực dân Pháp và tay sai phá hủy khi rút khỏi Hà Nội. Đến năm 1955, công trình được kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng tái dựng theo kiến trúc để lại từ thời Nguyễn.
2. Chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm). Nằm ở số 73 phố Quán Sứ, chùa Quán Sứ có lịch sử hình thành và phát triển mang nhiều nét đặc biệt. Theo sử sách, vào thời vua Lê Thế Tông (1573–1599), triều đình đã cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long.
Vì sứ thần các nước này theo đạo Phật nên một ngôi chùa đã được dựng trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Theo các biến động của thời cuộc, nhà Quán Sứ không còn, nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, được gọi là chùa Quán Sứ.
Năm 1934, khi Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở trung ương. Năm 1942 chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng. Kiến trúc chùa là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Ngày nay, chùa Quán Sứ là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng là nơi đặt Phân viện Nghiên cứu Phật học thuộc Giáo hội và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình ở Việt Nam.
3. Chùa Láng (quận Đống Đa). Nằm trên phố Chùa Láng, chùa Láng hay Chiêu Thiền tự được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Đây là nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một trong những nhà tu hành nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam.
Với quần thể kiến trúc bề thế, được bố trí hài hòa, cân xứng trong một không gian thoáng đãng, chùa Láng đã từng được coi là “đệ nhất tùng lâm” ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Ngày nay đây vẫn là một trong những ngôi chùa có khuôn viên rộng nhất khu vực nội thành Hà Nội.
Quần thể kiến trúc chia thành nhiều lớp, từ ngoài vào trong gồm ba lớp cổng, nhà bát giác và khu chùa chính gồm bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ, tăng phòng… Trong đó, nhà bát giác là công trình nổi bật, tạo nên nét đặc trưng của kiến trúc chùa Láng.
Các không gian thờ tự ở chùa Láng được bài trí tôn nghiêm với sự hiện diện của gần 200 bức tượng. Đây là một trong những ngôi chùa có số lượng tượng thờ nhiều nhất Việt Nam, nhiều bức trong đó có giá trị nghệ thuật cao. Ngoài ra chùa còn lưu giữ được hàng chục văn bia cổ có giá trị.
4. Chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng). Nằm trong ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai, chùa Liên Phái được ví như một đóa sen tuyệt đẹp của kinh thành Thăng Long xưa. Theo văn bia, chùa được xây dựng thời vua Lê Dụ Tông (1705–1729).
Ngôi chùa này chính là chốn tổ của phái Liên Tông (dòng hoa sen) – một trong những phái thiền của Phật giáo bản địa Việt Nam – xuất hiện cuối thời Hậu Lê. Kiến trúc hiện tại của chùa được định hình vào đợt tu bổ năm 1855, với chùa chính gồm tòa tam bảo, nhà bái đường và nhà thờ tổ.
Công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Liên Phái là tháp Diệu Quang nằm phía trước chùa. Tháp có hình lục lăng cao 10 tầng, quy mô tương đối lớn, được coi là kiến trúc quý hiếm vào bậc nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội.
Sau chùa là khu vườn tháp được xây dựng trên một gò đất cao, có 9 ngôi tháp xây thành ba hàng, trong đó có tháp Cửu Sinh xây bằng đá niên đại hơn 250 tuổi, là tòa tháp cổ nhất trong nội thành Hà Nội.
Mời quý độc giả xem video: Trường nữ sinh Hà Nội xưa | VTV24.
Quốc Lê