'4 tại chỗ', '3 sẵn sàng' ứng phó với thiên tai ở huyện Kim Động

Huyện Kim Động có diện tích tự nhiên gần 10,3 nghìn héc-ta, trong đó có hơn 8,8 nghìn héc-ta trong đồng và 1,5 nghìn héc-ta ngoài đê sông Hồng. Huyện có trên 10,94km đê tả sông Hồng qua địa phận 6 xã, trong đó có 3,3km đê xung yếu về mạch đùn, mạch sủi, tại các xã: Đức Hợp, Mai Động... Trước mùa mưa bão, huyện đã xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) theo phương châm '4 tại chỗ', '3 sẵn sàng' nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão có thể xảy ra.

Gia cố bờ vùng khu vực sông Cao Xá – Phượng Tường thuộc xã Vũ Xá (Kim Động)

Gia cố bờ vùng khu vực sông Cao Xá – Phượng Tường thuộc xã Vũ Xá (Kim Động)

Từ ngày 22 đến 24/7 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn huyện có mưa to, tổng lượng mưa đo được trên 300mm. Mưa dồn dập trong thời gian ngắn làm cho một số bờ sông, bờ vùng bị tràn nước, ngập sâu; gần 240 héc-ta lúa, hoa màu của người dân các xã: Toàn Thắng, Vĩnh Xá, Hiệp Cường... bị ngập úng. Ngay khi mưa lớn xảy ra, lãnh đạo UBND huyện đã đi kiểm tra đồng ruộng, đánh giá tình hình mưa ngập và huy động 100% các trạm bơm để tiêu úng. Đồng thời, khảo sát các điểm đê xung yếu, những bờ sông, bờ kênh có khả năng sạt lở để tìm biện pháp khắc phục kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Thế Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện Kim Động có diện tích tự nhiên phân thành 2 vùng rõ rệt: Vùng trong đê và ngoài đê. Những năm gần đây, thiên tai không ảnh hưởng nhiều đến huyện nhưng cũng gây thiệt hại nhất định cho sản xuất và đời sống của Nhân dân. Cụ thể, năm 2023, do ảnh hưởng của nước lũ sông Hồng gây sạt lở khoảng 300 mét chiều dài đất bãi của thôn Phú Mỹ và mái kè một số vị trí thuộc xã Đức Hợp xuất hiện sụt, lún; trận dông lốc ngày 5/7/2022 làm gãy đổ 22,4héc-ta chuối tại các xã: Hùng An, Đức Hợp với mức độ thiệt hại trên 70%; hay như hoàn lưu bão số 2 (tháng 8/2022) gây mưa làm cho nước lũ sông Hồng và sông nội đồng lên cao, gây tràn, sạt một số vị trí bờ vùng thuộc các xã: Vĩnh Xá, Toàn Thắng, Chính Nghĩa và ảnh hưởng đối với 230 héc-ta diện tích sản xuất nông nghiệp, mức độ thiệt hại khoảng 30%... Để chủ động ứng phó trước mọi tình huống thiên tai, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã rà soát toàn bộ hiện trạng hệ thống đê, công trình hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, úng; giả định các tình huống thiên tai và xây dựng các phương án ứng phó theo từng cấp độ cụ thể.

Với phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ; “3 sẵn sàng” gồm: Chủ động phòng ngừa; ứng phó kịp thời và khắc phục khẩn trương, hiệu quả, huyện Kim Động đã rà soát, xây dựng các phương án, bố trí, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng khu vực; chủ động cùng UBND các xã, thị trấn xây dựng lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai với 5.106 người, gồm: Lực lượng xung kích, lực lượng dân quân cơ động, lực lượng dự bị... Ngoài vật tư của Nhà nước trang bị theo quy định, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách số lượng và hợp đồng cụ thể với chủ phương tiện ô tô, tàu thuyền... để huy động khi cần thiết; huy động vật tư, dụng cụ có sẵn trong Nhân dân như: Tre, phên nứa, cuốc, xẻng, bao tải, xe thô sơ, máy phát điện,... giao mỗi hộ gia đình chuẩn bị 2 bao tải và đất đóng sẵn để khi cần có thể huy động được ngay. Huyện cũng đã tổ chức tập huấn công tác phòng, chống lụt bão, xử lý sự cố theo tình huống giả định như: Sạt trượt mái đê; mạch đùn, mạch sủi khi nước lũ lên cao… UBND huyện chỉ đạo UBND các xã ven đê tổ chức lực lượng tuần tra, ứng trực theo quy định; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê; cảnh báo lũ trên sông; tổ chức ký cam kết, kiểm tra, giám sát hoạt động của các bến phà, đò ngang; thông báo và tổ chức di chuyển người, tài sản của các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh ở vùng ngập úng đến nơi an toàn; kịp thời hoành triệt các cửa khẩu khi nước lũ dâng cao… Hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về đê điều, thủy lợi, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024 với chủ đề “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”...

Với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, tin rằng công tác phòng, chống thiên tai của huyện Kim Động sẽ góp phần hạn chế tối đa thiệt hại khi có mưa, bão.

Lệ Thu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/4-tai-cho-3-san-sang-ung-pho-voi-thien-tai-o-huyen-kim-dong-3174518.html