4 thực phẩm giàu cholesterol nhưng vẫn tốt cho người bị mỡ máu
Dù tôm chứa lượng cholesterol tương đối cao nhưng lại không chứa chất béo bão hòa, nhất là khi hấp thay vì chiên hoặc nấu với nhiều bơ, tôm có thể trở thành một phần của chế độ ăn lành mạnh cho tim.

(Ảnh: Vietnam+)
Từ lâu đã quan niệm phổ biến là người mắc bệnh máu nhiễm mỡ (hay mỡ máu) cần tránh tiêu thụ những thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol cao.
Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm dù chứa nhiều cholesterol vẫn có thể trở thành thành phần trong chế độ ăn uống lành mạnh.
Việc hiểu rõ bản chất của từng loại thực phẩm này có thể giúp người bệnh tối ưu hóa dinh dưỡng mà không cần phải loại bỏ hoàn toàn chúng khỏi thực đơn hàng ngày.
Đặc biệt, đây là những loại thực phẩm mà người mắc bệnh máu nhiễm mỡ có thể bất ngờ khi khám phá rằng chúng không nhất thiết phải bị loại khỏi thực đơn nếu họ còn mong muốn duy trì một chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch nhằm kiểm soát mức cholesterol trong máu hiệu quả hơn.
Trứng
Theo các nghiên cứu, việc tiêu thụ một quả trứng mỗi ngày được coi là an toàn cho phần lớn mọi người. Đối với người béo phì, lời khuyên là nên ăn tối đa 6 quả trứng mỗi tuần, mỗi lần chỉ một quả, bởi lượng cholesterol trong một quả trứng phù hợp với mức cholesterol cơ thể được phép nạp mỗi ngày.
Với những người bị mỡ máu, nên ưu tiên bỏ lòng đỏ và chỉ ăn lòng trắng vì phần lớn cholesterol tập trung ở lòng đỏ. Đặc biệt, nếu bạn bị tiểu đường kèm theo cholesterol cao, chỉ nên tiêu thụ dưới 3 quả trứng mỗi tuần để đảm bảo sức khỏe.
Thời điểm tốt nhất để ăn trứng là buổi sáng hoặc chiều, tránh ăn vào buổi tối. Hơn nữa, không nên kết hợp trứng với những thực phẩm như bơ, pho mát, thịt hun khói, xúc xích, hoặc bánh ngọt, do chúng có thể làm tăng mức cholesterol trong máu.
Người bị mỡ máu cần hạn chế ăn trứng cùng các loại tinh bột tinh chế như bánh mỳ trắng, bánh ngọt hay khoai tây, vì những loại thực phẩm này dễ làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Thay vào đó, bạn có thể kết hợp trứng với rau tươi, thảo mộc, gia vị, ớt bột, hoặc dùng kèm bánh mỳ nguyên hạt. Ngoài ra, bơ thực vật mềm với ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cũng là lựa chọn thay thế an toàn.

(Ảnh: Vietnam+)
Phômai
Phômai, mặc dù chứa chất béo bão hòa, lại là một nguồn tuyệt vời cung cấp canxi, chất béo sinh học và peptide, tất cả đều góp phần hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Thay thế bơ bằng phômai có thể giúp giảm mức LDL, loại cholesterol xấu, dù cả hai đều chứa chất béo bão hòa.
Một số loại phômai và sữa có hàm lượng chất béo từ 1-2%, cùng với ít natri hơn sẽ tốt cho sức khỏe tim và phù hợp cho những người có máu nhiễm mỡ. Những sản phẩm này nên được sử dụng hàng ngày để hỗ trợ tiêu hóa và tránh dung nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể.

(Ảnh: Vietnam+)
Thịt bò nạc
Từ lâu nay, quan niệm truyền miệng thường cho rằng thịt đỏ không có lợi cho sức khỏe tim mạch do chứa lượng chất béo bão hòa có khả năng làm tăng cholesterol.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng việc duy trì mức cholesterol trong máu ở trạng thái khỏe mạnh là hoàn toàn khả thi khi áp dụng chế độ ăn giàu rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu, với thịt bò nạc được sử dụng như một nguồn protein chính.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có sự kết hợp của thịt bò nạc có thể góp phần giảm mức cholesterol xấu trong cơ thể.
Đặc biệt, với những người có nồng độ mỡ máu cao, thịt bò hoàn toàn có thể nằm trong thực đơn hằng ngày nếu chọn các phần thịt nạc và tuân thủ khẩu phần ăn thích hợp, trong đó mỗi khẩu phần không vượt quá 85g.
Việc yêu thích thịt bò không cần trở thành rào cản cho sức khỏe tim mạch nếu bạn kết hợp loại thực phẩm này một cách thông minh, cùng với chế độ ăn giàu rau củ, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt và đậu. Cách ăn uống cân bằng này không chỉ giúp duy trì mức cholesterol ổn định mà còn giảm thiểu cholesterol xấu hiệu quả.

(Ảnh: Vietnam+)
Tôm
Mặc dù tôm có hàm lượng cholesterol tương đối cao, nhưng đây lại là thực phẩm không chứa chất béo bão hòa. Đặc biệt khi chế biến bằng cách hấp thay vì chiên hoặc nấu với nhiều bơ, tôm có thể trở thành một phần của chế độ ăn lành mạnh cho tim.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tôm là một thực phẩm mà mọi người có thể sử dụng để hỗ trợ mức cholesterol cân bằng.
Vì vậy, nếu bạn đang cố gắng quản lý lượng cholesterol, hãy thử đưa tôm vào các bữa ăn hợp lý, chẳng hạn như món rau xào với các loại gia vị và thảo mộc phong phú hoặc thêm dầu ôliu lên salad tươi mát.

(Ảnh: Vietnam+)
Cần lưu ý gì khi chuẩn bị chế độ ăn cho người bị mỡ máu?
Khi chuẩn bị chế độ ăn cho người bị mỡ máu cao, cần lưu ý một số điều quan trọng sau:
- Hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo đồng phân trans.
- Ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như trái cây, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt…
- Sử dụng các loại dầu tốt cho sức khỏe khi chế biến các món ăn.
- Có thể ăn một bữa chay mỗi tuần.
- Kiểm soát lượng đường và tinh bột tinh chế trong khẩu phần ăn.
- Hạn chế dùng muối và ưu tiên cách chế biến như hấp, luộc, xào ít dầu.
- Kiểm soát lượng calo nạp vào để duy trì cân nặng hợp lý.
- Nên hạn chế hoặc từ bỏ hoàn toàn việc uống rượu bia, đặc biệt là đối với những người có bệnh tim mạch hoặc cao huyết áp.
- Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên hoặc tham gia các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chơi cầu lông, bơi lội, hoặc các bài tập dưỡng sinh./.