400 doanh nghiệp ngành thực phẩm kết nối giao thương
Ngày 16 - 4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) đã có buổi họp báo công bố thông tin chương trình Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TPHCM 2024 (HCMC FOODEX 2024).
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC cho biết, triển lãm HCMC FOODEX 2024 với khẩu hiệu “Kết nối giá trị cùng phát triển” dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của gần 400 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế với hoạt động kết nối giao thương.
Cũng theo ông Lữ, ngành nông sản của Việt Nam đang xuất hiện nhiều cơ hội mới. Trước hết, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng xuất khẩu của mình vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản nhờ vào sự đa dạng và chất lượng cao của các mặt hàng như cà phê, lúa gạo, hạt điều... Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng hỗ trợ việc giảm thuế và tăng cường xuất khẩu. Công nghệ số phát triển giúp mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tối ưu hóa chuỗi giá trị nông sản thông qua các nền tảng trực tuyến và kết nối quốc tế.
Ngoài ra, việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp, nhà thu gom hàng nông sản, nhà sản xuất, chế biến và phân phối, các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics, sẽ giúp đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và an toàn, với mức giá cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiều cơ hội, song Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức trong thời gian sắp tới. Tham gia các FTA thu hút vốn FDI, nhưng lại tạo ra áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Sự cần thiết của tiêu chuẩn chất lượng cao và yêu cầu về môi trường là một thách thức, cũng như áp lực từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và nhu cầu đầu tư vào công nghệ để tăng cường cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Do vậy, triển lãm trên diễn ra từ ngày 15 đến 18-5-2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, quận 7, là cơ hội để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm giới thiệu sản phẩm mang thương hiệu Việt và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm tốt ra thị trường thế giới. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, tiếp cận thông tin và xây dựng chiến lược đổi mới máy móc, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Được biết, tại TPHCM, ngành lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố, chiếm 14% - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp từ 14% - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực, thực phẩm không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm như: Rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm… Có thể khẳng định, với nguồn nguyên liệu phong phú, ngành lương thực và thực phẩm vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/400-doanh-nghiep-nganh-thuc-pham-ket-noi-giao-thuong-post735616.html