Tạo hành lang pháp lý ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao

Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, mở rộng ưu tiên cho doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn.

Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, mở rộng ưu tiên cho doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn. (Ảnh: CHQ)

Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, mở rộng ưu tiên cho doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn. (Ảnh: CHQ)

Trọng tâm của sửa đổi lần này là ưu tiên tạo cho các doanh nghiệp , nhất là trong ngành bán dẫn đang được coi là hạt nhân của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 5 là động lực phát triển nền tảng cho các tiến bộ về khoa học, công nghệ.

Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đặc biệt là doanh nghiệp mới được thành lập trong lĩnh vực then chốt này và thống nhất với Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo Luật Hải quan đã được sửa đổi theo hướng cho phép áp dụng chế độ ưu tiên đối với các doanh nghiệp công nghệ cao mà không yêu cầu điều kiện về kim ngạch hay thời gian tuân thủ pháp luật trong hai năm liên tục. Đây vốn là rào cản lớn với các doanh nghiệp mới thành lập từ các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi quy định rằng các doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố là doanh nghiệp công nghệ cao ; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp thực hiện dự án công nghệ chiến lược; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn, dự án xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm phụ trợ trực tiếp trong công nghiệp bán dẫn sẽ được công nhận áp dụng chế độ ưu tiên nếu đáp ứng các điều kiện về công nghệ thông tin, thanh toán ngân hàng, kiểm soát nội bộ và tuân thủ pháp luật kế toán-kiểm toán.

Để bảo đảm minh bạch, dự thảo Luật Hải quan đã bổ sung quy định về phạm vi hàng hóa được áp dụng chế độ ưu tiên. Theo đó, chế độ ưu tiên sẽ chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ chiến lược, công nghệ số trọng điểm được liệt kê trong danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Danh mục này sẽ có mã số thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Đồng thời, quy định cũng mở đường cho việc công nhận chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Việt Nam, qua đó thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Một nội dung đáng chú ý khác là việc bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ – loại hình đang ngày càng phổ biến trong các chuỗi sản xuất toàn cầu, nhất là với các doanh nghiệp chế xuất, gia công.

Theo quy định mới được bổ sung tại Điều 47a, hàng hóa giao nhận tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài (theo hợp đồng mua bán, gia công, thuê, mượn giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài) sẽ được xác định là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, phải thực hiện thủ tục hải quan và chịu sự giám sát hải quan theo quy định.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, mà còn tạo ra môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao một trong những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Toàn bộ các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã được tích hợp vào Luật số 90/2025/QH15 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan lần này là một bước chuyển quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Đây là tiền đề để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới trong thời gian tới.

MINH PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-uu-dai-cho-cong-nghiep-ban-dan-va-cong-nghe-cao-post894405.html