5 giải pháp Bình Định hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số

Đẩy mạnh các giải pháp hoàn thiện hạ tầng số và tăng cường liên thông dữ liệu; không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện; ưu tiên mục tiêu phát triển công dân số và phổ cập kỹ năng số toàn dân…

Đó là những giải pháp tỉnh Bình Định hướng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, thống kê và khai thác dữ liệu dân cư theo những nội dung định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 17/02/2025 của Tỉnh ủy Bình Định, Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 26/02/2025 của UBND tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bình Định, việc khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) là nhiệm vụ trọng tâm, giữ vai trò nền tảng trong xây dựng chính quyền số, phát triển công dân số, xã hội số và kinh tế số trên địa bàn.

Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều nhóm tiện ích ứng dụng dữ liệu dân cư gắn với định danh và xác thực điện tử. Kết quả bước đầu góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ thiết thực cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững trong kỷ nguyên số.

Cụ thể, 100% thủ tục hành chính được kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư; xác thực thông tin định danh công dân. 104 thủ tục khai thác thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tự động điền các trường dữ liệu vào các biểu mẫu điện tử tương tác.

100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ sử dụng thẻ căn cước/VNeID. Đẩy mạnh khuyến khích người dân sử dụng chữ ký số và các tiện ích số để thực hiện các giao dịch hành chính và dịch vụ công, góp phần hình thành thói quen sử dụng dịch vụ số, nâng cao năng lực số cho công dân…

100% cơ sở y tế tại Bình Định triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ sử dụng thẻ căn cước/VNeID. Ảnh: CTV

100% cơ sở y tế tại Bình Định triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ sử dụng thẻ căn cước/VNeID. Ảnh: CTV

Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời đẩy mạnh khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian tới, tỉnh Bình Định tập trung triển khai 5 giải pháp như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh các giải pháp hoàn thiện hạ tầng số và tăng cường liên thông dữ liệu, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số hiện đại, trọng tâm là đầu tư xây dựng hiệu quả Trung tâm dữ liệu tỉnh, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như y tế, giáo dục, thuế…

Giải pháp thứ 2 là không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện, hoàn thiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân và doanh nghiệp. Thông qua việc tích hợp, đồng bộ hóa với Cổng dịch vụ công tỉnh, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác nhờ vào dữ liệu đã được xác thực.

Giải pháp thứ 3, ưu tiên mục tiêu phát triển công dân số và phổ cập kỹ năng số toàn dân hướng đến mỗi người dân tỉnh Bình Định là một “công dân số”. Xác định nhiệm vụ trọng tâm 100% công dân được cấp tài khoản định danh điện tử, từ đó làm nền tảng thúc đẩy phát triển các tiện ích số như hồ sơ y tế, học bạ, giấy phép lái xe điện tử... và các tiện ích khác trên VNeID để người dân tiếp cận, sử dụng dễ nhất.

Giải pháp thứ 4, khai thác dữ liệu phục vụ điều hành thông minh và phát triển bền vững: Dữ liệu dân cư là “nguồn tài nguyên mới” giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành và dự báo cho các cấp chính quyền. Thông qua phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tỉnh có thể hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội sát với thực tiễn từng địa phương, từng nhóm dân cư…

Giải pháp thứ 5, đẩy mạnh triển khai các giải pháp bảo mật nhiều lớp, kiểm tra định kỳ, giám sát truy cập và xây dựng phương án ứng phó với các sự cố an ninh mạng. Công tác đào tạo đội ngũ chuyên trách về an toàn thông tin và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dùng cần được tăng cường nhằm xây dựng một không gian số an toàn và bền vững.

An Nhiên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/5-giai-phap-binh-dinh-huong-den-xay-dung-chinh-quyen-so-cong-dan-so-2404069.html