5 huyện của Tp.HCM muốn lên thành phố
Để lên quận cần nhiều tiêu chí và ít dư địa phát triển hơn nên Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn thuộc Tp.HCM đều muốn lên thành phố trước 2030.
Ngày 19/7, đại diện Sở Nội vụ Tp.HCM cho biết, đang hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố thuộc Tp.HCM giai đoạn 2021-2030 để trình UBND Tp.HCM trước 30/9.
Song song đó, 5 huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ cũng xây dựng đề án riêng. Vì vậy, sau khi các đề án này được trình, UBND Tp.HCM mới chốt địa phương nào lên quận hoặc thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các huyện ngoại thành đều muốn lên thành phố hơn là lên quận bởi theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 huyện ngoại thành muốn lên quận hay thành phố phải đáp ứng 5 tiêu chí.
Theo quy định, địa phương đủ điều kiện lên thành phố khi đạt 5 tiêu chuẩn về quy mô dân số; diện tích tự nhiên; số đơn vị hành chính; được công nhận đô thị loại I, II hoặc III; cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Đối chiếu các quy định này, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên nói mô hình lên thành phố với huyện dễ thực hiện hơn mô hình cấp quận.
Hiện với quy định lên thành phố, Hóc Môn đạt 2/5 tiêu chuẩn là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Còn ba tiêu chuẩn chưa đạt, huyện đặt mục tiêu cuối 2025 sẽ đáp ứng, gồm: có 65% xã, thị trấn đủ tiêu chí phường (hiện huyện đạt 5/12 xã, thiếu 3 xã); chưa được công nhận là đô thị loại III và không đạt yêu cầu về thu chi ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo.
Hiện với quy định lên thành phố, Hóc Môn đạt 2/5 tiêu chuẩn là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Còn ba tiêu chuẩn chưa đạt, huyện đặt mục tiêu cuối 2025 sẽ đáp ứng, gồm: có 65% xã, thị trấn đủ tiêu chí phường (hiện huyện đạt 5/12 xã, thiếu 3 xã); chưa được công nhận là đô thị loại III và không đạt yêu cầu về thu chi ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo.
Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam cho rằng, địa phương có diện tích lớn thứ ba Tp.HCM, nhưng tốc độ đô thị hóa không đều, có xã phát triển nhà cửa rất nhanh nhưng một số xã vẫn thuần nông. Do đó, huyện Bình Chánh định hướng lên thành phố bởi mô hình này vừa có phường, vừa có xã, phù hợp với địa phương.
Phó bí thư Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Anh Tuấn lý giải việc điều chỉnh định hướng từ lên quận sang thành phố vì địa phương còn nhiều vùng nông thôn không thể chuyển thành đô thị. Việc lên thành phố cũng có các tiêu chí dễ đáp ứng hơn so với lên quận. Đồng thời, các điều kiện tự nhiên, quy mô dân số và hạ tầng, giao thông, văn hóa giáo dục của huyện gần như tương đồng các quận lân cận như 12, Gò Vấp, Bình Tân. Việc lên thành phố cũng phù hợp xu thế phát triển đô thị chung của Tp.HCM, định hướng phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại phía Tây Bắc.
Trong khi đó, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, Huyện ủy Nhà Bè cũng đang bàn bạc theo hướng đưa Nhà Bè trở thành thành phố vệ tinh, đô thị thông minh.
Tương tự, huyện Cần Giờ định hướng phát triển thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Huyện Củ Chi phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/5-huyen-cua-tphcm-muon-len-thanh-pho-d31338.html