Quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc tại Thủ đô

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ là điểm đến du lịch văn hóa mà còn là 'ngôi nhà thứ hai' của nhiều nghệ nhân tâm huyết trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình.

Việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm của những nghệ nhân mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm của những nghệ nhân mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Gìn giữ nét đẹp tâm linh của người Dao Quần Chẹt

"Làng Văn hóa không chỉ là nơi làm việc, mà thực sự là ngôi nhà thứ hai của tôi trong suốt 5 năm qua", anh Triệu Hùng Cương, trưởng nhóm người Dao Quần Chẹt chia sẻ.

Với anh, mỗi điệu múa, lời hát hay nét văn hóa của người Dao Quần Chẹt đều mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và phản ánh triết lý sống hài hòa với thiên nhiên. Trong đó, điệu múa chuông là minh chứng rõ nét nhất.

Ngày trước, điệu múa này chỉ xuất hiện trong những nghi lễ quan trọng như Tết Nhảy hay lễ cấp sắc, thể hiện sự kính trọng với tổ tiên và cầu mong mùa màng bội thu. Thế nhưng, với sự thay đổi của thời đại, anh cùng nhóm của mình đã luyện tập mỗi ngày để nhuần nhuyễn từng động tác, không chỉ giữ đúng tinh thần gốc mà còn thêm vào một số yếu tố trình diễn để giới thiệu rộng rãi, phù hợp với du khách hơn.

Mỗi điệu múa, lời hát hay nét văn hóa của người Dao Quần Chẹt đều mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Mỗi điệu múa, lời hát hay nét văn hóa của người Dao Quần Chẹt đều mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Tiếng chuông ngân vang, hòa cùng nhịp bước dứt khoát của các nghệ nhân, không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.

Anh Cương cho rằng việc bảo tồn văn hóa không thể chỉ dừng lại ở việc gìn giữ những giá trị cũ mà còn cần đổi mới để phù hợp với thị hiếu của du khách hiện đại. Dù phải thay đổi cách thể hiện cho hấp dẫn hơn, nhưng vẫn giữ chuẩn theo văn hóa gốc. Văn hóa dân tộc nếu không biết thích nghi sẽ dần mai một.

Không dừng lại ở nghệ thuật biểu diễn, cộng đồng Dao Quần Chẹt còn duy trì các nghề truyền thống như đan lát, thêu thùa, đặc biệt là nghề bốc thuốc Nam gia truyền. Với kho tàng tri thức phong phú về dược liệu, người Dao Quần Chẹt đã gắn bó với việc chữa bệnh bằng thuốc Nam qua nhiều thế hệ.

Văn hóa Mường là tài sản vô giá

Còn với bà Bùi Thị Huân, trưởng nhà Mường đến từ huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Ngày ngày, bà cùng các thành viên vẫn miệt mài giới thiệu cho du khách về văn hóa Mường. Với bà, mỗi lời giới thiệu không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cách để lan tỏa tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc mình.

Người Mường từ lâu đã nổi tiếng với những giá trị văn hóa độc đáo, từ Mo Mường, chiêng Mường đến những lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc tâm linh… tất cả đều mang trong mình hơi thở của lịch sử và tâm hồn người Mường. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian và sự phát triển của kinh tế thị trường, nhiều giá trị cốt lõi đã đứng trước nguy cơ mai một.

Bà Huân cùng các thành viên đã cùng nhau nỗ lực khôi phục các lễ hội truyền thống. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Bà Huân cùng các thành viên đã cùng nhau nỗ lực khôi phục các lễ hội truyền thống. Ảnh: VGP/Minh Thúy

"Có thời điểm, nạn 'chảy máu chiêng' khiến chúng tôi lo lắng. Những làn điệu dân ca chẳng mấy ai còn nhớ, con cháu thì quên cả tiếng mẹ đẻ", bà Huân trăn trở. Trước thực trạng đó, bà Huân cùng cộng đồng người Mường đã nỗ lực khôi phục các lễ hội truyền thống, tái hiện không gian văn hóa nhà sàn và dạy hát dân ca cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, nghệ thuật chiêng Mường – linh hồn của người Mường – đã được chú trọng bảo tồn và phát huy.

Bà chia sẻ: "Tiếng chiêng không chỉ là âm thanh mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, truyền tải những thông điệp thiêng liêng từ thế hệ này sang thế hệ khác".

Bên cạnh việc bảo tồn văn hóa dân tộc, việc bảo tồn chữ viết cũng là một điểm sáng trong nỗ lực gìn giữ văn hóa Mường. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã đưa chữ viết của người Mường vào giảng dạy tại một số trường học, góp phần giữ gìn tiếng nói dân tộc.

Việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian được tổ chức thường xuyên, thu hút du khách trong và ngoài nước. Theo bà Huân, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Mường khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Đưa văn hóa dân tộc đến gần với đời sống hiện đại

Câu chuyện của anh Cương và bà Huân là minh chứng sống động cho tinh thần gìn giữ và đổi mới bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới. Họ không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn tìm cách làm mới, đưa văn hóa dân tộc đến gần hơn với đời sống hiện đại.

Những nỗ lực này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc riêng của mỗi cộng đồng mà còn làm giàu thêm bức tranh văn hóa đa dạng của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm của những nghệ nhân mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, ý thức và nỗ lực tự thân của cộng đồng là yếu tố quyết định để văn hóa dân tộc tiếp tục trường tồn với thời gian. Nhìn về tương lai, những ngọn lửa âm thầm cháy sáng từ anh Cương, bà Huân và biết bao thế hệ kế cận sẽ tiếp tục thắp sáng niềm tự hào dân tộc, để mỗi điệu múa, lời hát, phong tục tập quán không chỉ là ký ức mà trở thành giá trị sống động, trường tồn qua năm tháng.

Minh Thúy/Chinhphu.vn

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/quang-ba-net-dep-van-hoa-dan-toc-tai-thu-do-10194.html