5 lợi ích sức khỏe từ thịt vịt không nên bỏ qua

Thịt vịt thường bị xem là 'béo' hơn so với thịt gà nhưng khi hiểu rõ về thành phần dinh dưỡng và có cách chế biến hợp lý, thịt vịt hoàn toàn có thể trở thành một phần bổ dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày.

NỘI DUNG

1. Thành phần dinh dưỡng của thịt vịt

2. Lợi ích sức khỏe của thịt vịt

3. Lợi ích và rủi ro cần cân nhắc khi dùng mỡ vịt

Thịt vịt là một loại thịt gia cầm phổ biến, không chỉ nổi tiếng với hương vị đặc trưng mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên.

1. Thành phần dinh dưỡng của thịt vịt

Thịt vịt chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Thịt vịt chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Thành phần dinh dưỡng trong 100 g thịt vịt:

Calo: 267 - 337 kcal (có da); 130 - 135 kcal (không da, trở thành lựa chọn tốt cho người muốn giảm cân).
Protein (Chất đạm): 17,8 - 23,5 g
Chất béo: 7,3 g - 28 g (có da) phần lớn chất béo này tập trung ở da. Mỡ vịt giàu chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa (như omega-3,omega-6), được coi là loại chất béo có lợi cho tim mạch khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Omega-3: 290 mg; Omega-6: 3360 mg.
Carbohydrate: 0 g
Chất xơ: 0 g
Vitamin A: 47 mcg
Vitamin E: 0.3 mg
Folate (Vitamin B9): 37 mcg
Vitamin D: 3 IU
Vitamin K: 6% RDI/100g (giá trị khuyến nghị hàng ngày)
Sắt: 2.7mg (hoặc 14% RDI cho sắt)
Kẽm: 1.9 mg - 2.3 mg
Selen: 13 mcg
Kali: 182 - 204 mg
Magie: 16 – 21 mg
Canxi: 11 – 20 mg
Phốt pho: 10 – 188 mg
Natri: 89 mg
Thịt vịt rất giàu các loại vitamin thiết yếu, đặc biệt là nhóm B: B1, B2, B3, B5, B6 và B12

2. Lợi ích sức khỏe của thịt vịt

Thịt vịt không chỉ ngon mà còn chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể.

Nguồn protein chất lượng cao

Thịt vịt là một nguồn protein dồi dào và chất lượng cao. Chỉ khoảng 75 g thịt vịt nấu chín đã cung cấp 17,6 g protein, chiếm khoảng 35% giá trị khuyến nghị hàng ngày (50 g). Protein là thành phần cơ bản để xây dựng và phục hồi cơ bắp, sản xuất enzyme, hormone và duy trì sức khỏe của da, tóc, móng. Việc cung cấp đủ protein hàng ngày là cực kỳ quan trọng cho mọi chức năng cơ thể.

Giàu vitamin nhóm B

Thịt vịt là một nguồn tốt các vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B3 (Niacin). Các vitamin B đóng vai trò thiết yếu trong nhiều chức năng của cơ thể:

Hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Duy trì chức năng khỏe mạnh của hệ thần kinh và cơ bắp.
Cải thiện chức năng nhận thức, bao gồm trí nhớ và sự tập trung.
Tham gia vào quá trình sản xuất hormone.
Vitamin B12 trong thịt vịt cũng cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu và duy trì sức khỏe thần kinh.

Cung cấp sắt dồi dào

Sắt là một khoáng chất thiết yếu và thịt vịt là một nguồn cung cấp sắt đáng kể. Một miếng ức vịt có thể chứa tới 3,74 g sắt, tương đương khoảng 14% giá trị khuyến nghị hàng ngày (18 g). Sắt là thành phần chính của hemoglobin, loại protein có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu đi khắp cơ thể. Việc thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, gây mệt mỏi, suy nhược và giảm khả năng tập trung.

Nguồn acid béo omega có lợi

Chất béo trong thịt vịt vừa là nguồn acid béo omega-3 và omega-6.

Chất béo trong thịt vịt vừa là nguồn acid béo omega-3 và omega-6.

Mặc dù nhiều người lo ngại về hàm lượng chất béo trong thịt vịt nhưng nó lại là một nguồn tuyệt vời của acid béo omega-3 chuỗi ngắn và một nguồn tốt của chất béo omega-6. Điều thú vị là các nghiên cứu cho thấy hệ thống tiêu hóa của vịt có khả năng chuyển đổi omega-3 chuỗi ngắn (như ALA) thành omega-3 chuỗi dài (như DHA).

Omega-3 chuỗi dài (DHA) là acid béo quan trọng có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh mạn tính, bao gồm:

Bệnh ung thư.
Bệnh tim mạch.
Các bệnh lý tâm thần.
Bệnh vẩy nến.
Hen suyễn.

Điều này cho thấy chất béo trong thịt vịt, đặc biệt là phần mỡ, nếu được tiêu thụ đúng cách, có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch và tổng thể.

Giàu selen - khoáng chất chống oxy hóa

Thịt vịt là một nguồn phong phú selen, một khoáng chất vi lượng quan trọng. Selen là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có khả năng:

Giảm các triệu chứng của viêm mạn tính trong cơ thể.
Hỗ trợ xây dựng và tăng cường phản ứng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.

3. Lợi ích và rủi ro cần cân nhắc khi dùng mỡ vịt

Mỡ vịt, đặc biệt là mỡ từ phần da, thường bị coi là không tốt. Tuy nhiên, nó lại giàu chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa hơn so với bơ và nhiều sản phẩm động vật khác. Điều này có nghĩa là mỡ vịt có thể mang lại một số lợi ích:

Giảm cholesterol: Chất béo không bão hòa đơn trong mỡ vịt có thể giúp duy trì mức cholesterol "tốt" (HDL) ở mức mong muốn và giảm mức cholesterol "xấu" (LDL).

Hạ thấp đường huyết: Một số nghiên cứu cho thấy chất béo không bão hòa đa như trong mỡ vịt có thể giúp giảm mức đường huyết, đặc biệt nếu thay thế calo từ carbohydrate bằng calo từ chất béo không bão hòa đa.

Tăng năng lượng: Mỡ vịt cũng chứa các acid amin thiết yếu, giúp cơ thể sản xuất năng lượng hiệu quả.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ mỡ vịt cũng đi kèm với một số rủi ro nếu không kiểm soát:

Tăng tổng cholesterol và nguy cơ bệnh tim: Mặc dù không cao bằng một số sản phẩm động vật khác nhưng mỡ vịt vẫn chứa chất béo bão hòa. Chế độ ăn quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng tổng lượng cholesterol, dẫn đến nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Do đó, nên tiêu thụ mỡ vịt điều độ và không nên thay thế hoàn toàn các nguồn chất béo lành mạnh hơn như dầu ô liu.

Tăng cân: Mỡ vịt có hàm lượng calo rất cao (khoảng 113 calo cho mỗi muỗng canh). Việc sử dụng nhiều mỡ vịt trong các món ăn có thể khiến tổng lượng calo nạp vào cơ thể tăng đáng kể, gây khó khăn cho việc kiểm soát cân nặng.

Giảm chất lượng khi bảo quản: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng mỡ vịt đã tinh chế dễ bị oxy hóa lipid hơn các loại dầu mỡ khác trong quá trình bảo quản, dẫn đến giảm chất lượng và dễ bị hỏng.

Lưu ý, thịt vịt giàu dinh dưỡng nhưng cũng chứa nhiều chất béo và cholesterol, vì vậy nên ăn uống điều độ, khoa học và đa dạng nguồn thực phẩm lành mạnh.

Người mắc bệnh tim mạch, mỡ máu cao, tăng huyết áp nên hạn chế ăn thịt vịt, đặc biệt là da vịt, để tránh làm tăng tình trạng bệnh. Thay vào đó, hãy chọn phần nạc và loại bỏ da. Đối với người bị gout, thịt vịt có hàm lượng purin khá cao, có thể làm tăng acid uric trong máu, gây bùng phát cơn gout cấp. Người có vấn đề về tiêu hóa, lạnh bụng cũng nên ăn ít thịt vịt vì tính hàn của nó có thể gây khó tiêu. Tốt nhất nên chế biến đơn giản, tránh các món nhiều dầu mỡ. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có lời khuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân.

ThS. BS Trần Phương Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-loi-ich-suc-khoe-tu-thit-vit-khong-nen-bo-qua-16925062710100424.htm