7 tác dụng phụ của dầu cá, ai không nên dùng?
Dầu cá là một chất bổ sung phổ biến giàu axit béo omega-3, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và não bộ. Tuy nhiên, giống như bất kỳ chất bổ sung nào, nó có thể gây ra tác dụng phụ.
Tác dụng phụ của dầu cá
1. Mồ hôi có mùi
Các hợp chất trong dầu cá được bài tiết qua tuyến mồ hôi, do đó bạn có thể nhận thấy mùi đặc trưng trên da sau khi dùng thực phẩm bổ sung này. Mùi này có thể thay đổi cường độ tùy thuộc vào quá trình trao đổi chất, liều lượng và tình trạng hydrat hóa tổng thể của cơ thể mỗi người.
Nội dung
Tác dụng phụ của dầu cá
1. Mồ hôi có mùi
2. Triệu chứng đường tiêu hóa
3. Thay đổi lượng đường trong máu
4. Giảm huyết áp
5. Làm chậm quá trình đông máu
6. Tăng cholesterol - LDL
7. Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn
Những yếu tố làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của dầu cá
Ai nên tránh dùng dầu cá?
Tương tác thuốc cần lưu ý
2. Triệu chứng đường tiêu hóa
Dầu cá có thể kích thích sản xuất axit trong dạ dày, gây ợ nóng hoặc khó tiêu, đặc biệt nếu uống khi bụng đói. Tác dụng phụ có thể bao gồm:
Ợ hơi
Vị tanh hoặc khó chịu trong miệng
Ợ nóng
Buồn nôn, nôn
Táo bón, tiêu chảy…
3. Thay đổi lượng đường trong máu
Các nghiên cứu đưa ra kết quả trái chiều về ảnh hưởng của dầu cá đối với lượng đường trong máu. Một phân tích đã quan sát thấy sự gia tăng đường trong máu khi đói, với các chất bổ sung dầu cá liều cao. Tuy nhiên, nó có thể cải thiện độ nhạy insulin ở một số nhóm dân số cụ thể.

Dầu cá có thể gây tác dụng phụ, nhất là khi dùng liều cao.
4. Giảm huyết áp
Một phân tích lớn đã quan sát thấy huyết áp giảm khi dùng 2 - 3 g dầu cá mỗi ngày. Mặc dù có lợi cho những người bị huyết áp cao, nhưng nó có thể gây ra vấn đề cho những người bị huyết áp thấp.
5. Làm chậm quá trình đông máu
Tốc độ đông máu rất quan trọng để cầm máu và chữa lành vết cắt, vết trầy xước và các vết thương khác. Viên uống dầu cá có thể làm chậm quá trình đông máu, đặc biệt là khi dùng với thuốc làm loãng máu. Đối với người sắp phẫu thuật không nên dùng dầu cá.
6. Tăng cholesterol - LDL
Một số chất bổ sung dầu cá có thể làm tăng cholesterol - LDL. Mặc dù chỉ tăng khiêm tốn, nhưng nó có thể tạo ra sự khác biệt giữa giá trị cholesterol bình thường và tăng cao.
7. Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng mức axit béo omega-3 lưu thông cao hơn từ các chất bổ sung có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Ăn nhiều cá béo không liên quan đến tác dụng phụ này.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của dầu cá
Một số yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ tác dụng phụ từ dầu cá:
- Liều dùng: Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), 5 g chất bổ sung omega-3 mỗi ngày, như dầu cá, là an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng liều cao hơn có thể dẫn đến các tác dụng phụ thường xuyên hoặc nghiêm trọng hơn.
- Bệnh tim: Dầu cá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ, đặc biệt ở liều trên 4 gam mỗi ngày ở những người mắc bệnh tim cụ thể hoặc nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ.
- Phản ứng của từng cá nhân: Trong khi liều cao có thể gây rủi ro cho một số người, chúng có thể có lợi cho những người khác nếu được giám sát y tế.
Để giảm thiểu tác dụng phụ, hãy bắt đầu với liều lượng nhỏ và tăng dần đến liều lượng được khuyến nghị.
Ai nên tránh dùng dầu cá?
Bạn không nên dùng dầu cá nếu:
- Có dị ứng với cá hoặc động vật có vỏ: Dầu cá có thể gây ra phản ứng dị ứng.
- Đang lên lịch phẫu thuật: Dầu cá có thể làm loãng máu, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Đang mang thai và uống dầu gan cá: Dầu gan cá chứa hàm lượng vitamin A cao, có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển.
- Đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc thuốc chống đông máu: Dầu cá có thể khuếch đại tác dụng và làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Mắc một số tình trạng bệnh lý nhất định (ví dụ, rối loạn chảy máu, huyết áp thấp hoặc bệnh gan): Dầu cá có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng này.
- Đã hấp thụ đủ omega-3 từ chế độ ăn uống: Không cần bổ sung thêm.
- Đang gặp phải một số tác dụng phụ nhất định (ví dụ, buồn nôn, tiêu chảy, vị tanh): Điều này có thể cho thấy cơ thể không dung nạp tốt chất bổ sung.
Tương tác thuốc cần lưu ý
Dầu cá có thể tương tác với các loại thuốc sau:
-Thuốc hạ huyết áp: Dầu cá có thể gây hạ huyết áp, nên khi dùng chung với thuốc điều trị huyết áp cao có thể làm tăng tác dụng này.
- Thuốc hạ đường huyết: Dầu cá có tác dụng khác nhau đối với lượng đường trong máu, nên tốt nhất nên thận trọng khi sử dụng đối với người bị tiểu đường và đang dùng thuốc ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
- Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) và thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Dùng những loại thuốc này với dầu cá có thể gây ra vấn đề chảy máu. Đối với người thường xuyên dùng thuốc chống đông máu hoặc NSAID, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thực phẩm bổ sung dầu cá.
- Thuốc làm giảm mức cholesterol (statin): Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến tác dụng phụ của các chất bổ sung dầu cá. Hơn nữa, statin có thể ảnh hưởng đến vai trò của dầu cá trong việc ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Ăn cá là cách an toàn và hiệu quả để tiêu thụ axit béo omega-3. Các nguồn cá giàu omega-3 bao gồm cá hồi, cá mòi, cá thu và cá cơm. Bên cạnh omega-3, cá cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu khác như selen, iốt và kẽm. Các chất bổ sung dầu cá thông thường có thể thiếu các chất dinh dưỡng bổ sung quan trọng này.