5 nội dung có tính 'đột phá' về quản lý nhà nước với nhà giáo tại dự thảo Luật

Quản lý nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lý tinh tế và chuyên biệt, trong đó nhà giáo thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình...

Sau thời gian soạn thảo, tháng 5/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.

Để dư luận hiểu rõ hơn về dự thảo này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo.

 Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo.

Phóng viên: Thưa ông, dự thảo Luật Nhà giáo đang nhận được sự quan tâm từ hàng triệu nhà giáo và toàn xã hội. Được biết, ý tưởng xây dựng dự án luật đã được ấp ủ từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện được. Vậy đâu là lí do để thời điểm này, dự án Luật Nhà giáo được khởi động với quyết tâm rất lớn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Ông Vũ Minh Đức: Giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, giáo dục và đào tạo luôn được được đặt ở vị trí “quốc sách hàng đầu”.

Nhà giáo - nguồn lực, tài sản lớn của ngành Giáo dục, lực lượng then chốt trong phát triển sự nghiệp giáo dục cũng vì thế được quan tâm để phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Thực tế ở Việt Nam, hầu hết nhà giáo thuộc các trường công lập (chiếm khoảng 90%) nên những nhà giáo này cũng là viên chức, chịu sự quản lý theo Luật Viên chức.

Điều này đang đồng nghĩa với việc ứng xử đối với nhà giáo trong các quy định quản lý nhà nước cũng giống như các viên chức thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Vì thế, nhà giáo cũng chỉ đơn thuần là người lao động, là viên chức, được cơ quan quản lý tuyển dụng, điều động, phân công và trả lương để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong nhà trường công lập.

Áp dụng tư duy đồng nhất và hàng loạt trong quản lý đội ngũ nhân lực quan trọng của quốc gia là nhà giáo như vậy dễ dẫn đến một cơ chế xơ cứng, máy móc, hạn chế tính chuyên nghiệp, kìm hãm năng lực sáng tạo, làm giảm động lực và lòng yêu nghề của nhà giáo.

Quản lý nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lý tinh tế và chuyên biệt, trong đó nhà giáo (cả công lập và tư thục) thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường thăng tiến của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và sự hài lòng của xã hội.

Về hệ thống pháp luật, ở Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về nhà giáo nhưng một luật dành cho nhà giáo vẫn là mong mỏi, dự định trong hàng chục năm qua.

Với lực lượng hàng triệu người, với lao động mang tính đặc thù và giá trị nghề nghiệp được đo đếm bằng chất lượng con người phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước, một dự án Luật riêng cho nhà giáo để thể chế với mục tiêu quan trọng nhất là giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Ngành Giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá, có ý nghĩa quyết định đối với thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

Vì vậy, việc chuẩn bị cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Luật Nhà giáo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc triển khai với một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học; khảo sát lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp để phục vụ phân tích, đánh giá để phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật; đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật liên quan đến nhà giáo; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo.

Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức rõ đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là cơ hội để những những trăn trở, mong mỏi về nghề nghiệp nhà giáo sẽ được giải quyết trên một nền tảng vững chắc, đó là Luật Nhà giáo.

Luật Nhà giáo cần có đủ yếu tố mới, mạnh mẽ không phải chỉ quản lý nhà giáo mà là phát triển nhà giáo, qua đó phát triển nguồn nhân lực - một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

 Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Phóng viên: Ông nhắc đến những yếu tố mới, mạnh mẽ để phát triển nhà giáo sẽ có trong dự thảo Luật Nhà giáo. Cụ thể đó là gì?

Ông Vũ Minh Đức: Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 5 chính sách: 1. Định danh nhà giáo; 2. Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; 3. Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; 4. Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; 5. Quản lý nhà nước về nhà giáo. Với 5 chính sách này, sẽ có 6 yếu tố mới, mạnh mẽ để phát triển nhà giáo.

Các chính sách này được cụ thể hóa thành dự thảo Luật gồm 9 chương, 71 điều với một số nội dung quan trọng như sau:

Thứ nhất: Định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo làm cơ sở đề xuất chính sách.

Đây là lần đầu tiên, việc định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp được quy định một cách đầy đủ, hệ thống, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo.

Điều này vừa đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo và tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Thứ hai: Bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh.

Luật Nhà giáo dự kiến quy định một số nội dung nhằm tạo cơ chế, khung pháp lý bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, cụ thể: Quy định rõ quyền được tạo điều kiện để làm việc trong môi trường thuận lợi, an toàn; được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể; được đối xử bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp và thăng tiến nghề nghiệp bên cạnh các quyền khác hiện đang được quy định; quy định những hành vi nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân đối với nhà giáo; việc xử lý hành vi vi phạm của nhà giáo trong khuôn viên các cơ sở giáo dục; quy định về đảm bảo trả lương theo đúng hợp đồng, đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo khi cơ sở giáo dục giải thể, dừng hoạt động vì lý do bệnh dịch…

Thứ ba: Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới. Một trong những quy định được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Dự kiến, chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Cụ thể, sẽ tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự (do chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc).

Giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

 Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Thứ tư: Quy định thống nhất về tuyển dụng.

Luật Nhà giáo dự kiến quy định đầy đủ và thống nhất về tuyển dụng nhà giáo, trong đó đổi mới quy định về phương thức, nội dung tuyển dụng phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để đảm bảo tuyển dụng được người giỏi vào ngành; quy định về việc sử dụng, quản lý nhà giáo đảm bảo phủ hết các nhóm đối tượng nhà giáo trong công lập và ngoài công lập và tạo điều kiện cho nhà giáo các cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Thứ năm: Xếp lương nhà giáo cao nhất; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Đối với chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải đảm bảo không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Quy định nêu trên, cùng với một số chế tài khác, nhằm bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng và bảo vệ nhà giáo dù công tác tại các cơ sở giáo dục trong hay ngoài công lập.

Thứ sáu: Tháo gỡ bất cập, giải quyết tình trạng thừa/thiếu cục bộ giáo viên.

Luật Nhà giáo dự kiến điều chỉnh các quy định về quản lý nhà giáo theo hướng thống nhất quản lý nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống, đồng thời tăng cường phân cấp, khẳng định vị thế, vai trò quản lý nhà nước của ngành Giáo dục (đặc biệt là đối với các cấp học mầm non, phổ thông) nhằm tháo gỡ các bất cập trong thừa/thiếu cục bộ đội ngũ nhà giáo, chủ động điều tiết nhà giáo trên phạm vi từng tỉnh/toàn quốc.

 Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Phóng viên: Một trong những điểm được coi là “đột phá” trong dự thảo Luật Nhà giáo là đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với nhà giáo, như chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là “Chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực”. Ông có thể làm rõ hơn về điểm “đột phá” này?

Ông Vũ Minh Đức: So với nguồn nhân lực khác của đất nước, đội ngũ nhà giáo thực sự có những đặc trưng khác biệt và tính đa dạng cao, quyết định đến định hướng công tác quản lý nhà nước về nhà giáo, thể hiện ở một số đặc điểm:

Nhà giáo chiếm số lượng lớn trong tổng số nguồn nhân lực của quốc gia, đặc biệt là đội ngũ trí thức của đất nước; chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số viên chức của các ngành, lĩnh vực.

Đội ngũ nhà giáo làm việc trong cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; đa dạng về cấp học, trình độ, nơi công tác (từ cấp mầm non đến đại học, từ đào tạo trình độ sơ cấp đến đào tạo trình độ sau đại học; từ vùng thuận lợi đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; từ nông thôn đến thành thị, từ vùng đồng bằng đến cả vùng hải đảo, biên giới). Nhà giáo là nữ có tỷ lệ cao hơn; nhà giáo bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài.

Nhà giáo có hoạt động nghề nghiệp đặc biệt với sản phẩm là nhân cách người học; có tính chuyên nghiệp trong việc dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn, truyền cảm hứng cho học sinh trong việc tìm kiếm tri thức, sản sinh tri thức, rèn luyện phẩm chất và năng lực cá nhân, là “cầu nối” để chuyển giao những tri thức, những ý tưởng sáng tạo, những kỹ năng, thái độ sống từ thế hệ này sang thế hệ khác; từ đó đòi hỏi tính gương mẫu, tự giác, linh hoạt và sáng tạo cao.

Nhà giáo có thời gian làm việc được tính theo số tiết hoặc số giờ giảng dạy, giáo dục theo năm học hoặc khóa học hoặc quy đổi theo tuần làm việc.

Với mục tiêu phát triển và với những đặc điểm riêng biệt nhưng rất đa dạng của nhà giáo thì việc quản lý nhà nước về nhà giáo theo định hướng quản lý nhân sự - tức là quản lý các yếu tố hành chính liên quan đến việc sử dụng nhà giáo mà ít quan tâm đến tiềm lực và sự phát triển của nhà giáo - không phải là một phương thức phù hợp.

Yêu cầu đặt ra là cần phải chuyển từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, để tạo môi trường, điều kiện cho mỗi nhà giáo được phát triển nhiều nhất, có động lực làm việc lớn nhất, đóng góp nhiều nhất nhằm đạt cùng mục tiêu của chính nhà giáo và mục tiêu giáo dục.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến quy định 5 nội dung mang tính đột phá về công tác quản lý nhà nước đối với nhà giáo.

Thứ nhất, công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Thứ hai, công tác điều động, biệt phái nhà giáo không chỉ được thực hiện trong phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh mà còn được thực hiện giữa các tỉnh/thành phố khác nhau và được thực hiện giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Thứ ba, tăng cường các điều kiện để bảo vệ nhà giáo, giúp nhà giáo được làm việc trong môi trường an toàn, được tạo động lực để phát triển nghề nghiệp.

Thứ tư, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong việc lựa chọn, bổ nhiệm nhà giáo giỏi trở thành cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và nhà giáo giỏi giữ các vị trí lãnh đạo tại cơ quan quản lý giáo dục.

Thứ năm, chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo.

Những điều kiện nói trên là thành tố quan trọng để góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn, nơi nhà giáo được bảo vệ và được đảm bảo về các điều kiện vật chất, tinh thần, đảm bảo điều kiện an sinh xã hội.

Từ đó, các nhà giáo an tâm công tác, tập trung cho công tác chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục; được ghi nhận xứng đáng đối với những thành tích, đóng góp đạt được để duy trì động lực phấn đấu, tận tụy với nghề, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; có cơ hội công bằng trong thăng tiến nghề nghiệp; được xã hội tôn vinh tương xứng với vị thế nghề nghiệp trong xã hội, vun đắp thêm niềm tự hào, vinh dự với “nghề” nhà giáo.

Nhờ vậy, “trở thành nhà giáo” tự khắc là nguyện vọng của những người có tài năng, có năng lực, là “sức hút” tự nhiên làm tăng số lượng người muốn trở thành nhà giáo, thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo nhà giáo, tăng hiệu quả công tác tuyển dụng nhà giáo…

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong xây dựng dự án Luật Nhà giáo?

Ông Vũ Minh Đức: Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo ghi nhận và đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong quá trình xây dựng dự án Luật này.

Chính vì vậy, chỉ ít ngày ngay sau khi dự án Luật được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến nhân dân, Ban soạn thảo đã tổ chức buổi tọa đàm đầu tiên với các cơ quan báo chí về dự án Luật này.

Chúng tôi mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tiếp tục ủng hộ và tăng cường truyền thông về sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo và quan điểm chỉ đạo trong xây dựng Luật Nhà giáo; nghiên cứu, góp ý cụ thể đối với dự thảo.

Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan báo chí chủ động tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo Luật Nhà giáo và quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo bằng hình thức phù hợp.

Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tôi xin chúc tập thể những người làm báo của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và thành công với nghề báo cũng như có nhiều đóng góp nổi bật trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.

Hà An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/5-noi-dung-co-tinh-dot-pha-ve-quan-ly-nha-nuoc-voi-nha-giao-tai-du-thao-luat-post243481.gd