5 vấn đề trẻ em thường gặp trong đại dịch

Giãn cách xã hội, học online mang lại nhiều vấn đề về tâm lý, hành vi và khiến các mối quan hệ của trẻ bị ảnh hưởng.

1. Bất ổn tâm lý: Giãn cách xã hội, học online thời gian dài tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Các em dễ căng thẳng hoặc trở nên hung hăng hơn, thậm chí mối quan hệ với người thân cũng rạn nứt. Tiến sĩ Gary Blau nhận định nhiều yếu tố môi trường trong thời điểm đại dịch đã làm gia tăng đáng kể các vấn đề tâm lý của trẻ. Theo đó, cha mẹ các em cũng căng thẳng theo. Nghiên cứu của Kaiser Family Foundation công bố đầu năm 2021 cho biết cứ 10 người trưởng thành tại Mỹ, 4 người có triệu chứng rối loạn lo âu. Con số này tăng gấp 4 lần so với trước thời điểm dịch bùng phát và phổ biến hơn với những người có con dưới 18 tuổi. Ảnh: OSF HealthCare.

2. Kỹ năng xã hội bị hạn chế: Giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc mọi hoạt động vui chơi, giao tiếp của trẻ đều hạn chế. Vấn đề này có thể xảy ra với trẻ ở mọi độ tuổi. Với trẻ tiểu học, mẫu giáo, việc học các kỹ năng xã hội có thể bị trì hoãn vì các em không được đi học và tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Với trẻ THCS và THPT, các em mất đi cơ hội xây dựng mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống. Tiến sĩ y khoa Tamera Coyne-Beasley nhận định trẻ ở tuổi vị thành niên sẽ bị tác động nhiều nhất vì đây là thời điểm các em chuyển dần sang giai đoạn trưởng thành. Do đại dịch, các em không thể kết nối với bạn bè và phát triển những mối quan hệ ổn định, lành mạnh. Ảnh: Education Votes.

3. Việc học bị gián đoạn: Tất cả học sinh đều bị ảnh hưởng khi phải học online trong đại dịch. Đặc biệt, trẻ em nghèo, khuyết tật hoặc không có người chăm sóc là đối tượng bị tác động nặng nề hơn cả. Với trẻ tiểu học, các em cũng đối mặt thách thức vì chưa sử dụng thành thạo đồ công nghệ. Nếu cha mẹ không thể giám sát thường xuyên, hiệu quả học của các em cũng bị giảm đi. Tại Mỹ, thông thường một năm học kéo dài trong khoảng 9 tháng. Đại dịch đã khiến trẻ mất đi 1/4 đến 1/3 thời gian năm học. Ảnh: InQueensland.

4. Tổn thương vì mất người thân: Bốn tháng đầu tiên khi dịch Covid-19 bùng phát, 1,5 triệu trẻ em trên toàn cầu mất người chăm sóc (có thể là cha mẹ, ông bà hoặc người giám hộ). Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021, 1,1 triệu trẻ em đã mồ côi do đại dịch. Nora Volkow, Giám đốc Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (Mỹ), nói rằng cái chết của cha, mẹ là mất mát to lớn, có thể tác động cuộc đời của một đứa trẻ. Những bất lợi và nguy cơ trẻ mồ côi có thể mắc phải trong tương lai, bao gồm tổn thương về thể chất, tinh thần, dẫn đến lạm dụng ma túy, bị bóc lột, thậm chí tự tử. Ảnh: Australian Human Rights Commission.

5. Cơ hội khám bệnh giảm: Báo cáo của Centers for Medicare & Medicaid Services (CMS) vào năm 2020 cho thấy xu hướng khám bệnh của người Mỹ giảm đáng kể trong đại dịch. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 5/2020, số trẻ dưới 2 tuổi tham gia bảo hiểm sức khỏe trẻ em và các chương trình tiêm chủng giảm hơn 30%. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, các dịch vụ y tế quan trọng dành cho trẻ dưới 18 tuổi cũng giảm mạnh. Ngoài ra, dịch vụ nha khoa cho trẻ em tại nước này cũng giảm gần 75% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát. Ảnh: UC San Francisco.

Minh Thúy

Theo Children's Hospital Association

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/5-van-de-tre-em-thuong-gap-trong-dai-dich-post1275459.html