5 vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ em

Các vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự phát triển, tăng trưởng, phòng ngừa bệnh tật và sức khỏe. Tìm hiểu một số vi chất dinh dưỡng thiết yếu đối với trẻ em.

1. Thông điệp Ngày Sức khỏe Thế giới 2025

NỘI DUNG

1. Thông điệp Ngày Sức khỏe Thế giới 2025

2. Tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng

3. Một số vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ em

Thông điệp của Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2025 là "Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng". Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực bảo vệ sức khỏe cho nhóm đối tượng này. Mục tiêu chính là giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở bà mẹ và trẻ em, đồng thời đảm bảo một khởi đầu khỏe mạnh cho trẻ em, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai tươi sáng.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới 2025 sẽ tập trung vào chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước, trong và sau khi mang thai; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho bà mẹ và trẻ em; tăng cường dinh dưỡng và tiêm chủng cho trẻ em; xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho bà mẹ và trẻ em.

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng đến vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày.

2. Tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng

Ngoại trừ vitamin D, các chất dinh dưỡng vi lượng không được sản xuất trong cơ thể. Mọi người phải lấy chúng từ chế độ ăn uống. Chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc bổ sung đủ lượng khuyến nghị rất quan trọng đối với sức khỏe. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết:

Vi chất dinh dưỡng là các vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần với lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, tác động của chúng đối với sức khỏe của cơ thể là rất quan trọng và thiếu hụt bất kỳ chất nào trong số chúng đều có thể gây ra các tình trạng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng. Chúng thực hiện một loạt các chức năng, bao gồm cho phép cơ thể sản xuất các enzyme, hormone và các chất khác cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường. Thiếu sắt, vitamin A và iốt là tình trạng phổ biến nhất trên toàn thế giới, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ mang thai.

Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể gây ra các tình trạng sức khỏe nguy hiểm và dễ thấy nhưng chúng cũng có thể dẫn đến tình trạng giảm năng lượng, sự minh mẫn về tinh thần và khả năng chung ít đáng chú ý hơn về mặt lâm sàng. Điều này có thể dẫn đến kết quả giáo dục giảm, năng suất làm việc giảm và nguy cơ mắc các bệnh và tình trạng sức khỏe khác tăng lên.

Nhiều trong số những thiếu hụt này có thể phòng ngừa được thông qua giáo dục dinh dưỡng và tiêu thụ chế độ ăn uống lành mạnh có chứa nhiều loại thực phẩm, cũng như tăng cường và bổ sung thực phẩm, khi cần thiết.

Cần bổ sung các chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.

Cần bổ sung các chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.

3. Một số vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ em

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng về dinh dưỡng trẻ em, nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh cho trẻ, trong đó khuyến cáo về vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Tìm hiểu một số vi chất dinh dưỡng thiết yếu nên bổ sung vào chế độ ăn của trẻ:

Sắt

Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hemoglobin, một protein trong tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược, kém tập trung và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.

Nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau xanh đậm và các loại đậu.

Kẽm

Kẽm tham gia vào nhiều quá trình sinh học quan trọng, bao gồm tăng trưởng, phát triển hệ miễn dịch, chức năng não bộ và chữa lành vết thương. Thiếu kẽm có thể gây ra chậm lớn, suy giảm miễn dịch, dễ mắc bệnh nhiễm trùng và ảnh hưởng đến vị giác.

Nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt, hải sản, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

Vitamin A

Vitamin A rất cần thiết cho sự phát triển thị lực, hệ miễn dịch và sự phát triển tế bào. Thiếu vitamin A có thể gây ra quáng gà, khô mắt, suy giảm miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Khi thiếu trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng đưa đến khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa.

Các thực phẩm có nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn; các loại rau có màu xanh đậm, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ) có nhiều beta carotene (là tiền vitamin A).

Chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng là cách tốt nhất để đảm bảo rằng cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng vi lượng cần thiết.

Chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng là cách tốt nhất để đảm bảo rằng cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng vi lượng cần thiết.

Vitamin D

Cơ thể tạo ra vitamin D từ ánh sáng mặt trời nhưng điều này thay đổi tùy theo địa lý, màu da, ô nhiễm không khí và các yếu tố khác. Ngoài ra, cần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đúng cách để tránh nguy cơ ung thư da.

Tất cả trẻ em đều cần bổ sung vitamin D ngay sau khi sinh. Vitamin D giúp hệ thống miễn dịch chống lại vi khuẩn và virus, cần thiết cho chức năng của cơ và thần kinh. Vitamin D giúp xương chắc khỏe bằng cách giúp cơ thể hấp thụ canxi. Thiếu vitamin D gây ra các bệnh về xương, bao gồm còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người lớn.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin D bao gồm cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng và nấm.

Bên cạnh việc chú ý tới vi chất này cần chú trọng bổ sung canxi – một khoáng chất thiết yếu giúp xây dựng xương và răng chắc khỏe cho trẻ, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển. Thiếu canxi có thể dẫn đến còi xương, ảnh hưởng đến chiều cao và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Nguồn thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, phô mai, các loại rau lá xanh đậm, cá mòi, cá hồi, tôm, tép, các loại đậu…

Iốt

Iốt là thành phần thiết yếu của hormone tuyến giáp, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ và hệ thần kinh. Thiếu iốt có thể gây ra chậm phát triển trí tuệ, bướu cổ và các vấn đề về tuyến giáp.

Nguồn iốt chính là muối iốt và hải sản như các loại cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo,…

Việc đảm bảo cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn là rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh của trẻ em.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-vi-chat-dinh-duong-thiet-yeu-cho-tre-em-1692504061607242.htm