50% cơ sở giáo dục đến năm 2025 có đào tạo thương mại điện tử là khả thi
Đến hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục, đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi. Đây sẽ mở ra cơ hội kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời đại số.
Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2023 được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) xây dựng từ số liệu khảo sát từ 238 cơ sở giáo dục Đại học trong cả nước từ tháng 8 - 10/2023.
Dưới sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA - Bộ Công Thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã hoàn tất Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử 2023 và công bố vào ngày 5/12. Báo cáo cho thấy, tại 238 cơ sở giáo dục Đại học (Trường Đại học) không thuộc khối quốc phòng - an ninh, nghệ thuật hoặc đặc thù đã có 89 trường đào tạo học phần thương mại điện tử (TMĐT), 16 trường đào tạo chuyên ngành và 40 trường đào tạo ngành TMĐT với Mã ngành: 7340122.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra mục tiêu, tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT và 1 triệu lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.
“Nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường Đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và TMĐT, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các tổ chức và DN, mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục Đại học triển khai đào tạo TMĐT là khả thi”, ông Kiên đánh giá.
Tuy nhiên theo phân tích của ông Kiên, mục tiêu về số lượng có thể đạt được, nhưng chất lượng đào tạo TMĐT từ mức học phần tới chuyên ngành và đặc biệt là ngành còn chưa cao. Thực tế hiện chưa có chính sách khuyến khích giảng dạy lĩnh vực TMĐT nào được ban hành hay đang dự thảo. Ngay trong Quyết định 645 cũng không nêu rõ cơ quan, tổ chức nào chủ trì triển khai nhiệm vụ đào tạo kiến thức, kỹ năng TMĐT cho giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về TMĐT. Tới cuối năm 2023, hầu như chưa có hoạt động nào được triển khai.
“Trên thực tế các trường Đại học đều cố gắng mời các DN TMĐT uy tín góp ý chương trình đào tạo, hỗ trợ thực tập, kiến tập của sinh viên… Tuy nhiên, do từng trường triển khai riêng lẻ, còn DN phải ưu tiên nguồn lực cho kinh doanh nên kết quả triển khai nhiệm vụ này còn khá thấp”, ông Kiên nêu.
Nhấn mạnh về vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển TMĐT hiện nay, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT đóng vai trò quan trọng. Đào tạo ngành TMĐT tại các trường Đại học cần có sự khác biệt với đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như các trường Cao đẳng, trung cấp hay trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
“Cử nhân ngành TMĐT cần được đào tạo để có đủ năng lực và khát vọng khởi nghiệp kinh doanh số. Do đó, chương trình đào tạo cần có các học phần về khởi nghiệp, các hình thức huy động vốn đầu tư, bao gồm đầu tư mạo hiểm, thị trường chứng khoán,…”, PGS.TS Phạm Thu Hương đề xuất.
Từ thực tế đào tạo TMĐT, Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử 2023 khuyến nghị, những trường Đại học nào chưa có học phần này trong chương trình đào tạo ngành TMĐT nên nhanh chóng bổ sung. Những trường nào coi đây là học phần tự chọn cần chuyển sang bắt buộc. Chương trình đào tạo ngành TMĐT nên có các học phần liên quan với số tín chỉ hợp lý.
Chương trình đào tạo ngành TMĐT của mỗi trường nên có sự độc đáo, khác biệt với các trường khác và gắn với thế mạnh của trường mình. Các trường Đại học nên nhanh chóng công bố công khai chương trình đào tạo nói chung và ngành TMĐT nói riêng. Việc công khai này giúp cho các trường dễ dàng tham khảo được chương trình đào tạo của nhau, từ đó sửa đổi để tạo ra sự đặc sắc, khác biệt của trường mình, tạo ra lợi thế cạnh tranh khi tuyển sinh đầu vào và hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm.