50 năm mở cửa Lăng Bác: Giữ gìn lâu dài thi hài Bác là nhiệm vụ thiêng liêng
Để hàng chục triệu đồng bào cũng như khách quốc tế 50 năm qua có cơ hội vào Lăng viếng Bác là sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ nhưng vô cùng quan trọng của các y, bác sĩ ở Viện 69.
Thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị trong phiên họp vào tháng 5/1967 để chuẩn bị cho ngày Bác đi xa, các bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều đã được lựa chọn đi đào tạo về khoa học giữ gìn thi hài tại Liên Xô. Đây là những bác sĩ đầu tiên xây dựng nền móng cho việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác và phát triển của Viện 69 sau này.
Năm 1968, các bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Sái Văn Thế và y sĩ Nguyễn Trung Hát, y tá Phạm Ngọc Ảm được bổ sung để hình thành Tổ y tế đặc biệt do Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm tổ trưởng. Với lực lượng khiêm tốn như vậy, nhưng Tổ đã triển khai rất nhiều công việc, từ tham gia thiết kế phòng thí nghiệm, đảm bảo những trang thiết bị cần thiết và tiến hành công tác thực nghiệm để chuẩn bị phục vụ ướp bảo quản thi hài. Với sự chuẩn bị chủ động và tích cực về mọi mặt, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Tổ y tế đặc biệt đã cùng với các chuyên gia Liên Xô triển khai kịp thời nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài lâu dài và phục vụ Lễ viếng tại Quảng trường Ba Đình từ ngày 6/9/1969. Ngày 9/9/1969 - ngày kết thúc Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) - cũng là thời điểm bắt đầu nhiệm vụ giữ gìn lâu dài Thi hài Bác, sau này được quyết định công nhận là ngày truyền thống của Viện 69.

Dòng người vào Lăng viếng Bác
Không để xảy ra sai sót, dù là nhỏ nhất
Buổi sáng ngày 8/3/2025 trong đoàn người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh có bà Lê Thị Dung, 86 tuổi (quận 2, TP.HCM). Bà Dung rưng rưng chia sẻ: “Tôi viếng Bác lần đầu cách đây đã 20 năm, tâm nguyện của tôi trước khi mất là được viếng Bác lần nữa. Thể theo nguyện vọng của mẹ, các con tôi đã cố gắng thu xếp công việc để đưa tôi ra Thủ đô viếng Bác. Nhìn thấy Bác, tôi không kìm được nước mắt. Bác vẫn nằm đó nguyên vẹn như lần đầu tôi nhìn thấy Bác cách đây 20 năm. Không chỉ riêng tôi mà những bà má ở miền Nam ai cũng muốn ít nhất được một lần vào Lăng viếng Bác”.
Để bà Dung và hàng chục triệu đồng bào cũng như khách quốc tế 50 năm qua có cơ hội vào Lăng viếng Bác là sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ nhưng vô cùng quan trọng của các y, bác sĩ ở Viện 69. Được trò chuyện với một số bác sĩ trực tiếp làm thuốc cho Bác ở Viện 69, được nghe họ chia sẻ về công việc, tôi nhận thấy sự điềm đạm, khiêm tốn, giản dị của họ. Họ không thích nói về mình, chỉ nói về công việc, trong mắt ai cũng ánh lên niềm tự hào bởi họ được công tác tại một đơn vị giàu thành tích, đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động, được đảm nhận một công việc cực kỳ quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam cũng như đối với đất nước, đó là giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tá Phùng Công Thưởng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện 69.
Để có thể giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, cùng với đợt làm thuốc lớn trong năm, các bác sĩ của Viện 69 tiến hành làm thuốc thường xuyên cho Bác vào mỗi sáng thứ hai và sáng thứ sáu hằng tuần. Trước mỗi buổi làm thuốc, công tác chuẩn bị phải chu đáo mọi thứ, từ những chi tiết nhỏ nhất đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Vì vậy, ngoài hai ngày làm thuốc, những ngày còn lại, các bác sĩ lại bận rộn với công việc chuẩn bị làm thuốc và nghiên cứu khoa học để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Đại tá Phùng Công Thưởng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện 69, thành viên Tổ làm thuốc thi hài Bác chia sẻ: “Công tác chuẩn bị có rất nhiều nội dung, từ con người tới phòng ốc, trang thiết bị, dụng cụ và các điều kiện về môi trường. Phòng làm thuốc phải đảm bảo những điều kiện khắt khe, được vô trùng, đảm bảo môi trường tinh khiết, độ ẩm, ánh sáng ổn định, ngăn ngừa côn trùng xâm nhập. Trang thiết bị, dụng cụ cũng phải vô trùng để đảm bảo không có bất kỳ nguy cơ lây nhiễm. Để đảm bảo những yếu tố này, một mình Viện 69 không làm được mà phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị khác, tất nhiên lực lượng y tế vẫn là cốt lõi”.
Đại tá Phùng Công Thưởng nhấn mạnh đến yếu tố con người: “Chúng tôi bước vào phòng làm thuốc, sức khỏe phải trong tình trạng tốt, không có bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là phải chuẩn bị tâm thế tốt nhất, trong đầu không được vướng bận điều gì, chỉ nghĩ về công việc, không để xảy ra sai sót, dù là nhỏ nhất. Nguyên tắc làm việc của chúng tôi là: “Nghiêm cách, thận trọng, tỷ mỷ, chính xác, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót”.
Theo Đại tá Phùng Công Thưởng, các bác sĩ làm thuốc cho Bác ngoài trình độ chuyên môn y tế vững vàng thì phải có phẩm chất đạo đức tốt, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm không chỉ vì công việc mà còn vì tình cảm với Bác, là trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Trung tá Lê Tài Thế, Chủ nhiệm Khoa Hình thái, Viện 69 cho biết: “Dù có gần chục năm làm thuốc cho Bác nhưng trước ngày làm thuốc trong đầu tôi luôn hiện lên những công việc cần chuẩn bị, những thao tác sẽ làm trong phòng thuốc. Bước vào phòng thuốc là tôi và các anh em gạt hết những tâm tư tình cảm cá nhân, bởi công việc này khác những công việc khác là phải phòng tránh, không thể khắc phục nếu sai sót, vì vậy không thể lơ là một chút nào. Tất cả phải tuân theo quy định nghiêm ngặt và chặt chẽ, thao tác chuẩn xác”.
Thế hệ đi trước đào tạo cho thế hệ đi sau
Bởi công việc không cho phép có bất kỳ sai sót nào xảy ra nên các bác sĩ ở Viện 69 phải có tâm lý ổn định, vững vàng. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để có được điều này, họ phải trải qua trên dưới 10 năm học tập, nghiên cứu.
“Các bác sĩ quân y sau khi ra trường về Viện 69 không thể đảm đương công việc được ngay mà phải trải qua quá trình đào tạo, giống như đào tạo chuyên khoa sâu. Thường mất trên dưới 10 năm, chúng tôi mới có thể đào tạo được một bác sĩ có chuyên môn vững vàng, có kỹ năng trong công việc, tâm lý ổn định. Đào tạo xong, trước khi được làm thuốc cho Bác, họ lại trải qua nhiều năm kiến tập, khi đó chỉ vào phòng làm thuốc để quan sát mọi người làm. Vào nhiều họ sẽ quen dần với không khí, thao tác làm việc, rèn luyện nhiều sẽ thuần thục. Kết thúc thời gian kiến tập có một hội đồng chuyên môn được thành lập để kiểm tra, đánh giá xem bác sĩ đó có đủ tin cậy để được tham gia Tổ làm thuốc thi hài hay không, chứ không phải ai cũng được chọn”, Đại tá Phùng Công Thưởng nhấn mạnh.

Viện 69 thực hiện các nội dung hợp tác với chuyên gia Liên Bang Nga.
Trung tá Lê Tài Thế - Chủ nhiệm Khoa Hình thái, Viện 69 nhớ lại: “Tốt nghiệp Học viện Quân y, chuyên ngành bác sĩ đa khoa năm 2007, tôi được tổ chức phân công về Viện 69 và gắn bó với Viện từ đó đến nay. Hồi đó internet chưa phổ biến, tôi không biết nhiều về Viện 69. Người lính chúng tôi tổ chức phân công đi đâu thì đi đấy. Tôi cứ nghĩ về Viện 69 là để khám chữa bệnh cho đội ngũ quân y và người dân vào Lăng viếng Bác, không nghĩ là mình được làm công việc rất đặc biệt. Công việc của chúng tôi không chỉ đòi hỏi chuyên môn về y tế mà là tổng hợp của rất nhiều chuyên ngành khoa học sâu rộng như: kỹ thuật, công nghệ ánh sáng, công nghệ may mặc… Vì vậy, việc học tập, nghiên cứu không chỉ dừng ở 10 năm mới về mà vẫn tiếp tục cho đến khi về hưu. Hiện cứ rảnh là tôi đọc thêm sách báo của chuyên ngành khác. Học mãi vẫn thấy chưa đủ. Mới về Viện tôi, được các bậc đàn anh, trong đó có Đại tá Phùng Công Thưởng dạy bảo, nay tôi lại tiếp tục truyền nghề cho thế hệ sau. Để có thể dạy tốt, tôi đã tham gia học khóa học nghiệp vụ sư phạm để nâng cao khả năng truyền đạt”.

Trung tá Lê Tài Thế, Chủ nhiệm Khoa Hình thái, Viện 69.
Cứ thế, hơn 55 năm qua, các bác sĩ ở Viện 69 người đi trước đào tạo cho người đi sau, vì công việc họ làm chưa có trường lớp nào ở Việt Nam giảng dạy chính quy. Bởi có sự gắn bó nên các bác sĩ ở đây sống với nhau rất tình cảm, coi nhau như người thân trong gia đình. Họ chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và trong công việc. Ai cũng tâm niệm mình phải làm việc với tinh thần cao nhất để người dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác được đến chiêm ngưỡng Người, để bày tỏ lòng biết ơn Người vì những gì Người đã làm cho đất nước, cho dân tộc.
Phấn đấu đến năm 2030 làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác
Những năm đầu, việc giữ gìn thi hài Bác tại Lăng của Người do chuyên gia y tế Liên Xô đảm nhận. Tháng 3/1992, ta đề nghị bạn bàn giao toàn bộ số lượng dung dịch hiện có trong Lăng cho đơn vị phía Việt Nam quản lý. Từ ngày 29/4/1995, chuyên gia y tế Nga rút hết về nước, việc làm thuốc thường xuyên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh do các bác sĩ ở Viện 69 đảm nhiệm. Ngày 4/6/2003, Viện sĩ Bukov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Moscow và Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký biên bản: “Bạn bàn giao tỉ lệ hóa chất dung dịch và nhất trí phối hợp với cán bộ, bác sĩ của ta pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam vào quý I năm 2004”. Đây là điểm mốc quan trọng đánh dấu kết quả to lớn của giai đoạn từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn an toàn, lâu dài Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong 21 năm qua, Viện 69 và các chuyên gia Nga đã 21 lần pha chế thành công dung dịch tại Việt Nam đưa vào làm thuốc thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt. Ngoài pha chế dung dịch, năm 2013, Viện Nghiên cứu Khoa học công nghiệp Liên bang Nga cũng chuyển giao công nghệ sản xuất bộ quần áo đặc biệt cho Việt Nam. Năm 2021, 2022, Viện 69 độc lập tự chủ, tự lực tự cường làm thuốc lớn thi hài Bác và pha chế dung dịch đặc biệt khi không có sự giúp đỡ của chuyên gia Nga.

Viện 69 thực hiện các nội dung hợp tác với chuyên gia Liên Bang Nga.
Đại tá Phùng Công Thưởng (Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện 69) cho rằng, nhờ phát huy tốt tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, đồng thời tranh thủ học hỏi cũng như giúp đỡ từ chuyên gia Nga, đội ngũ cán bộ y tế của Viện ngày càng trưởng thành. Việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác từ chỗ bạn làm chính, ta phụ giúp, nay ta làm chính, bạn tham mưu, tư vấn. Trong hợp tác nghiên cứu khoa học, trước kia bạn đề xuất thì bây giờ mình chủ động đề xuất những vấn đề, nội dung mà trong quá trình làm việc mình nhận thấy cần phải giải quyết.
“Để bạn chuyển giao việc làm thuốc cho ta, chuyển giao việc pha chế dung dịch và công nghệ sản xuất bộ quần áo đặc biệt cho Việt Nam là một quá trình đàm phán lâu dài của các cấp lãnh đạo và sự cố gắng của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Viện 69 và của mỗi y, bác sĩ. Chuyên gia Liên Bang Nga kiểm tra rất kỹ về phòng thí nghiệm phân tích dung dịch, trang thiết bị dụng cụ, nguyên liệu đầu vào, con người… Tất cả đều đáp ứng họ mới chuyển giao. Việc chủ động về dung dịch, tự đảm bảo bộ quần áo đặc biệt, tự làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn thi hài là các bước làm chủ vững chắc nhiệm vụ, phấn đấu đến năm 2030, Viện 69 làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Viện 69 chuyên ngành, chính quy, khoa học, hiện đại” - Đại tá Phùng Công Thưởng chia sẻ.
Năm 2019, kỷ niệm 50 năm giữ gìn thi hài Bác, Viện 69 đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Lăng thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá tình trạng thi hài. Kết quả đánh giá của Hội đồng y tế Việt - Nga nêu rõ: “Trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được giữ gìn rất tốt. Chưa phát hiện được sự thay đổi nào so với những lần đánh giá trước đây”.

Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Viện 69 mừng Ngày quốc tế phụ nữ.
Có được điều này là một sự cố gắng lớn của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và các bác sĩ ở Viện 69 nói riêng, nhất là những người có vinh dự trong Tổ làm thuốc thi hài. Kết quả này đồng thời cũng khẳng định năng lực chuyên môn, khả năng độc lập, tự chủ của Việt Nam trong thực hiện lĩnh vực khoa học đặc thù không có tiền lệ ở nước ta.
Hơn 55 năm qua, với niềm vinh dự, tự hào, với trách nhiệm của anh bộ đội “Cụ Hồ”, với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Viện 69 dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Họ chính là lực lượng trực tiếp quyết định thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 14/5/1976, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có Viện nghiên cứu khoa học giữ gìn thi hài với phiên hiệu là Viện 69 do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm Viện trưởng. Chức năng, nhiệm vụ của Viện được xác định là: Trực tiếp tiến hành toàn bộ công tác y tế chăm sóc thi hài và triển khai công tác nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ giữ gìn lâu dài và tuyệt đối an toàn Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hơn 55 năm qua, phát huy truyền thống “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”, công tác y tế đặc biệt do Viện 69 thực hiện đã có những bước tiến khẳng định trình độ, năng lực làm chủ nhiệm vụ ngày càng vững mạnh, đủ sức để có thể tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ gìn giữ lâu dài thi hài Bác.