50 năm - Vẹn nguyên ký ức
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về ngày 30/4/1975 vẫn còn nguyên vẹn trong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Văn Năm (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển (phường 4, TP.Tân An). Đó không chỉ là những hồi ức đau thương và mất mát mà còn là niềm tự hào sâu sắc về một thời tuổi trẻ sống trọn với Tổ quốc.
Hạnh phúc của người lính
“Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ sống đến ngày hòa bình, càng không ngờ có lúc được thấy đất nước phát triển như hôm nay” - giọng Đại tá Trần Văn Năm trầm lắng giữa buổi trưa. Từng là người lính trinh sát dày dạn trận mạc, Đại tá Trần Văn Năm hay còn gọi là Năm Gấu vẫn nhớ như in những ngày tháng “sống giữa lằn ranh của sự sống và cái chết”. Trong 11 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông trực tiếp chiến đấu hơn 20 trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt 45 tên Mỹ, ngụy, bắn cháy 2 xe tăng. Với những chiến công ấy, ông được phong nhiều danh hiệu cao quý như Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Văn Năm (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) xem lại những hình ảnh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Ngày nay, dù tuổi đã cao nhưng ký ức về những trận đánh giữa rừng sâu, những đêm mai phục căng thẳng, những lần thoát chết trong gang tấc,... vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Đặc biệt, giây phút ngày đất nước giải phóng 30/4/1975 mãi là dấu ấn sâu đậm, không thể phai mờ trong cuộc đời người lính già.
“Tôi không bao giờ quên cảm xúc khi nghe tin Sài Gòn giải phóng. Người dân vỡ òa trong niềm vui, đổ ra đường reo mừng chiến thắng, mọi người ôm nhau, nước mắt rơi vì hạnh phúc. Khi ấy tôi chỉ nghĩ, cuối cùng, máu xương của bao người đã đổi được hai chữ “hòa bình”” - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Văn Năm bồi hồi nhớ lại.
Trở về từ chiến trường, với cương vị Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, ông Năm tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ biên giới và giữ gìn mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Ông từng trực tiếp tham gia nhiều hoạt động đối ngoại khôn khéo, góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước.
Không chỉ vậy, trong suốt 9 năm rong ruổi trên đất bạn Campuchia, ông lặng lẽ đi tìm đồng đội. Gần 500 hài cốt liệt sĩ đã được ông quy tập, đưa về quê hương. Có những người do chính tay ông chôn cất năm xưa nhưng vì địa hình đổi thay, việc tìm lại không hề dễ. “Có lẽ đồng đội thương nên cứ cố công là tôi tìm được” - ông Năm nói.
“Chiến tranh đi qua, đất nước thống nhất, đó là thành quả mà cả một thế hệ chúng tôi đã đánh đổi bằng cả tuổi thanh xuân. Mỗi năm, cứ đến kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi lại nhớ đến đồng đội, những người đã nằm lại vĩnh viễn vì nền hòa bình. Vậy nên, sống đến hôm nay, tôi luôn tự nhủ mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó. Nhìn lớp trẻ hôm nay được học hành, sống trong hòa bình, tôi mừng lắm!...” - ông Năm bùi ngùi.
Ở tuổi xế chiều, dù không còn xông pha nơi chiến trường nhưng trong từng lời nói, từng cử chỉ của Đại tá Trần Văn Năm vẫn toát lên thần thái của người lính bình dị mà kiên cường. Những gì ông và biết bao thế hệ đồng đội đã trải qua không chỉ là lịch sử mà là bài học sống động về tình yêu nước, sự hy sinh, niềm tin và khát vọng độc lập.
Tự hào gia đình cách mạng
Gần một thế kỷ cuộc đời, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển (97 tuổi, ngụ phường 4, TP.Tân An) vẫn nhớ như in khoảnh khắc ngày đất nước giải phóng. Mẹ Uyển bồi hồi nhớ lại: “Xe chở bộ đội chạy ngang qua, tôi đứng trên lầu nhìn xuống, lòng mừng khôn xiết. Nhưng niềm vui ấy chỉ có một mình - muốn chia sẻ cũng chẳng biết nói với ai”.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển (giữa) (phường 4, TP.Tân An) sống an vui bên những người thân gia đình
Sinh ra tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, mẹ Uyển tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi. Cả tuổi thanh xuân, mẹ cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng. Những ngày tiễn chồng, tiễn con lên đường ra trận, mẹ chưa từng nghĩ đó là lần cuối cùng được nhìn thấy họ. Gần như cả gia đình mẹ là một phần của lịch sử khi ba, chồng, con và 4 em trai của mẹ đều hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi có 7 người hy sinh vì đất nước, 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tôi luôn khắc ghi công ơn của Đảng, Nhà nước đã cho tôi được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc”. Đất nước hòa bình, mẹ Uyển sống cuộc đời bình dị, thờ chồng, thờ con, tiếp tục làm điểm tựa tinh thần cho gia đình. Những hy sinh của mẹ không chỉ là ký ức mà là lời nhắc nhở về sự biết ơn với những người đã ngã xuống, về trách nhiệm giữ gìn nền độc lập hôm nay trong thế hệ trẻ.
Bà Huỳnh Thị Hành (em ruột Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển, SN 1936, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) xúc động: “Gia đình tôi có nhiều người tham gia kháng chiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 50 năm đất nước hòa bình, người dân được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc, đó là điều mà thế hệ đi trước như chúng tôi từng mơ ước. Noi gương truyền thống cách mạng của ông bà, cha mẹ, tôi luôn nhắc nhở, dạy bảo con cháu sống tốt, sống tử tế, biết yêu quê hương, thương đồng bào và kính trọng Bác Hồ”.
Câu chuyện của người lính già, của người mẹ tóc bạc tiễn con ra trận… gói ghém trong đó không chỉ là lịch sử mà là chất men của lòng yêu nước. 50 năm nhìn lại, họ không chỉ kể chuyện cũ mà trao đi bài học sống quý giá: “Biết ơn - Trân trọng - Cống hiến”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/50-nam-ven-nguyen-ky-uc-a194627.html