53% người tìm việc là trung niên, gần 81% mong muốn nhận lương 5 - 10 triệu đồng/tháng
Người tìm việc ở nhóm tuổi từ 35 trở lên chiếm 53,05%; mức lương mong muốn của người tìm việc từ 5-10 triệu đồng chiếm 80,91%. Lát cắt này cho thấy nhóm lao động phổ thông gặp thách thức lớn và là nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động.
Thông tin về thị trường lao động tháng 3/2025, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội) cho biết: Người lao động tìm kiếm việc làm chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 35 trở lên chiếm 53,05%; từ 25 - 34 tuổi chiếm 39,38%. Tuy nhiên, nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi chiếm 7,56%.
"Điều này chỉ ra những khó khăn của lao động trung niên, nhất là lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong việc quay trở lại thị trường lao động", ông Thành nhìn nhận.

Gần 23.000 người lao động trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong tháng 3/2025.
Theo Trung tâm Dịch vụ Hà Nội, trong tháng 3/2025, có gần 23.000 người lao động trên địa bàn có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 1.786 hồ sơ người tìm việc của Trung tâm Dịch vụ Hà Nội, mức lương mong muốn của người tìm việc chủ yếu từ 5-10 triệu đồng chiếm 80,91%; từ 10 - 20 triệu đồng chiếm 11,53%; mức lương trên 20 triệu đồng chiếm 1,34%.
Cũng theo số liệu khảo sát, theo giới tính, có trên 60% lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm là nữ, cho thấy phụ nữ vẫn là nhóm yếu thế hơn, gặp nhiều khó khăn hơn nam giới trong việc duy trì công việc hoặc tìm kiếm việc làm mới.
Trong khi đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người tìm việc tập trung chủ yếu ở nhóm chưa qua đào tạo chiếm 39,62%, như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng...
Tiếp đến là trình độ công nhân kỹ thuật không có bằng, chứng chỉ nghề chiếm 29,83%, tập trung tìm kiếm việc làm ở các công việc: công nhân lắp ráp linh kiện, thợ cơ khí, thợ xây dựng...
Từ thực tế trên, ông Thành cho rằng, nhóm lao động phổ thông đang đối mặt với thách thức lớn và là nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động hiện tại.
Về bức tranh việc làm trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, dự kiến trong quý II/2025, nhu cầu tuyển dụng ước tính khoảng 80.000-120.000 người.
Trong đó, một số ngành nghề nổi bật như: sản xuất công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, công nghệ chuyển đổi số tiếp tục có nhu cầu tăng về lao động. Đặc biệt, công nghệ thông tin đang cần nhân sự trình độ cao để đáp ứng các dự án chuyển đổi số.
Dự báo một số ngành nghề sẽ có nhu cầu nhân lực cao như y tế - chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 4%; công nghệ thông tin tăng 3,5%; dịch vụ du lịch, lữ hành tăng 5%.
Báo cáo mới nhất về thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 3/2025 tăng đáng kể so với hai tháng trước đó.
So với tháng 2/2025, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng khoảng 50,3%, từ 3.458 hồ sơ tăng lên 5.198 hồ sơ.
Đây là mức tăng mạnh, phản ánh thực tế rằng một bộ phận lao động sau Tết vẫn gặp khó khăn trong quá trình tái hòa nhập thị trường lao động.