6 bài tập hiệu quả giúp máu lưu thông tốt

Các bài tập này có tác dụng thúc đẩy tĩnh mạch đưa máu về tim tốt hơn, từ đó giúp máu được lưu thông, tạo cho bạn cảm giác thoải mái hơn mỗi ngày.

Các bài tập với những tư thế như mở ngực, xoắn vặn bằng cách kết hợp các động tác kéo giãn, tư thế đảo ngược và chuyển động hướng vào các bộ phận của cơ thể, nơi lưu thông máu có thể bị chậm lại, từ đó kích thích máu lưu thông tốt hơn.

Những tư thế này thúc đẩy mở các mạch máu, tăng cường cơ bắp và tăng lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng.

Một số bài tập do giáo viên yoga Anne-Claire Mihalic người Pháp đưa ra, bạn có thể tham khảo:

1. Bài tập - 'Cái ghế '

Cách tập:

Đứng thẳng, hai chân dang rộng bằng vai.

Hít vào từ từ giơ cao hai tay song song qua đầu, áp tai, hai lòng bàn tay hướng vào nhau.

Thở ra, từ từ hạ đầu gối, sao cho hai đùi song song với sàn và đầu gối không vượt quá mũi chân (nghĩa là bạn vẫn nhìn thấy mũi chân nếu cúi nhìn xuống), tưởng tượng như đang ngồi vào một chiếc ghế.Giữ nguyên tư thế trong vài nhịp thở.

Tác dụng của bài tập: Giúp tăng lưu thông máu. Ngoài ra, bài tập này còn có tác dụng tốt cho hông, cột sống, cơ ngực, làm săn chắc và thon gọn chân, cơ đầu gối và đùi, cân bằng cơ thể và tâm trí, massage các cơ quan nội tạng, hỗ trợ giảm cân, giảm các triệu chứng đau khớp, đau lưng…

Bài tập "Cái ghế" tăng cường lưu thông máu.

Bài tập "Cái ghế" tăng cường lưu thông máu.

2. Tư thế 'Đại bàng'

Cách tập:

Bắt đầu ở tư thế cái ghế với hai chân gập lại và đặt hai tay sang hai bên.

Chuyển trọng lượng vào chân trái, nâng chân phải lên khỏi sàn, bắt chéo đùi phải qua đùi trái càng cao càng tốt.

Móc bàn chân phải quanh bắp chân trái.

Đưa cả hai cánh tay ra trước mặt và song song với sàn, gập và bắt chéo cánh tay trái qua bên phải, móc vào khuỷu tay sao cho khuỷu tay chồng lên nhau và uốn 1 góc 90 độ

Giữ tư thế trong 5 đến 10 nhịp thở và đổi bên.

Tác dụng của bài tập: Làm tăng lưu thông máu của cơ thể.

Để phát huy tối đa lợi ích này, bạn cần tập tư thế này mỗi ngày. Ngoài ra, bài tập này còn có tác dụng kích thích hệ miễn dịch, nuôi dưỡng sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần, kéo giãn vai và cổ tay, tăng sức mạnh cho mắt cá chân, bắp chân, đùi và hông. Đồng thời giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng và sức mạnh của vùng bụng. Đặc biệt đây còn là một trong những bài tập rất hữu ích trong việc điều trị chứng đau thắt lưng và đau thần kinh tọa.

Bài tập "Con đại bàng" làm tăng lưu thông máu của cơ thể.

Bài tập "Con đại bàng" làm tăng lưu thông máu của cơ thể.

3. Tư thế 'Vặn mình'

Cách tập:

Ngồi trên sàn, hai chân duỗi thẳng ra phía trước. Hít vào, từ từ co chân trái lại.
Khi thở ra, từ từ vặn người sang trái, đặt cánh tay phải bên ngoài đầu gối trái. Tay trái chống xuống đất. Giữ cho lưng thật thẳng (xem hình).
Giữ tư thế trong vài nhịp thở rồi đổi bên.

Tác dụng của bài tập này giúp lưu thông máu, tốt cho hệ thần kinh. Ngoài ra, bài tập này cũng giúp thanh lọc, giải độc và tăng cường chức năng của các cơ quan trong ổ bụng, mát xa các bộ phận trên cơ thể; giảm áp lực và giúp lưng trở nên linh hoạt hơn; giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp tâm trí bình tĩnh; đốt cháy mỡ thừa ở vùng hông, bẹn, đùi và bụng.

Tư thế vặn mình giúp lưu thông máu.

Tư thế vặn mình giúp lưu thông máu.

4. Tư thế 'Chiến binh'

Cách tập:

Đứng thẳng hai tay dang ngang song song với sàn, lòng bàn tay hướng xuống đất.
Bước chân phải về phía trước, hai chân dang rộng. Chân trước và chân sau trên một đường thẳng.

Thở ra, từ từ hạ đầu gối phải xuống sao cho cẳng chân vuông góc với mặt đất. Cố gắng mở cả hai đầu gối ra ngoài.
Đổi chân kia sau một vài nhịp thở.

Tác dụng của bài tập này giúp tăng cường sự tuần hoàn máu trong cơ thể, tăng sự dẻo dai của các cơ. Ngoài ra, bài tập còn kích thích hoạt động tích cực của các cơ quan, điều hòa hormone trong cơ thể.

Bài tập "Chiến binh" tăng cường sự tuần hoàn máu trong cơ thể.

Bài tập "Chiến binh" tăng cường sự tuần hoàn máu trong cơ thể.

5. Tư thế 'Ngọn nến'

Cách tập:

Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, đặt gần nhau, hai tay đặt xuôi theo hai bên cơ thể.
Nâng chân, mông và lưng lên bằng cách lấy vai làm trụ, chống tay sau lưng để tăng sức nâng đỡ cơ thể. Sau khi đã ổn định, bạn hãy khép hai khuỷu tay lại, chống tay gần bả vai. Hạ hai khuỷu tay xuống sàn và ép mạnh tay vào lưng để giữ thân và lưng thẳng. Dồn trọng lượng cơ thể vào vai và cánh tay trên, không dồn vào đầu và cổ. Giữ chặt chân, giơ hai chân lên, duỗi thẳng, mũi bàn chân hướng lên trời.
Sau một vài nhịp thở, hạ thấp cơ thể trở lại sàn nhà.
Sau đó hít thở sâu hai lần.
Lặp lại động tác.

Tác dụng của bài tập giúp kích hoạt cung cấp máu bằng cách kích thích các tuyến khác nhau trong cơ thể, đặc biệt là tuyến giáp. Ngoài ra, do kéo căng sâu các cơ của lưng, vai và cổ, do đó giúp tăng cường sức mạnh cho cột sống từ trên xướng dưới; thư giãn hệ thần kinh trong khi giúp cung cấp oxy cho não, thư giãn tinh thần và giảm lo lắng, cải thiện sự cân bằng và sự tập trung; ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh như trĩ, giãn tĩnh mạch, táo bón, mất cân bằng nội tiết tố, cảm lạnh và cải thiện trí nhớ...

Động tác "Ngọn nến" kích hoạt cung cấp máu.

Động tác "Ngọn nến" kích hoạt cung cấp máu.

6. Bài tập 'Kéo giãn'

Cách tập:

Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, hai tay xuôi theo thân mình. Từ từ nâng chân trái lên.
Hít vào, hai tay nắm lấy ngón chân trái, thở ra và nâng đầu về phía chân.
Đổi chân sau một vài nhịp thở.

Bài tập này có tác dụng tăng cường lưu thông máu, nhất là vùng chân. Ngoài ra, bài tập cũng có tác dụng kéo giãn các cơ vùng chân, đùi, hông.

Bài tập "kéo giãn" tăng cường lưu thông máu, nhất là vùng chân.

Bài tập "kéo giãn" tăng cường lưu thông máu, nhất là vùng chân.

Kết thúc buổi tập với tư thế xác chết:

Nằm ngửa, hai tay và hai chân dang nhẹ ra, hai bàn chân thả lỏng hướng ra ngoài.
Nhắm mắt lại, chỉ cần quan sát hơi thở của bạn và năng lượng đang lưu thông.

Tư thế này sẽ giúp bạn thư giãn hoàn toàn toàn bộ cơ thể, lấy lại năng lượng và phục hồi sự lưu thông của các mạch máu trong cơ thể.

Hà Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-bai-tap-hieu-qua-giup-mau-luu-thong-tot-169230705172624132.htm