6 bộ phận trên cơ thể cần giữ ấm trong mùa đông

Vào những ngày giá rét, nhiệt độ ngoài trời giảm sâu, cơ thể cần được giữ ấm nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe.

Các bộ phận trong cơ thể được kết nối chặt chẽ với nhau và việc hạ thân nhiệt của một bộ phận có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các hệ thống quan trọng nhất của cơ thể, chịu trách nhiệm hỗ trợ sự sống và cuối cùng là khả năng miễn dịch của con người. Trong đó, có một số bộ phận đặc biệt nhạy cảm, nhất thiết phải được giữ ấm, ngay cả khi nhiệt độ giảm nhẹ.

Dưới đây là một số bộ phận trên cơ thể cần được giữ ấm trong mùa đông:

Chân

Người ta vẫn nói “chân lạnh thì toàn thân lạnh” là bởi vì kinh mạch của thận, tỳ và dạ dày đều bắt nguồn từ chân. Nhưng do khoảng cách từ chân so với tim là xa nhất, con đường lưu thông máu cũng dài nhất, cho nên máu cung cấp luôn bị thiếu ở chân.

Để chân ấm hơn, bạn có thể ngâm chân bằng nước ấm khoảng 42 độ C là tốt nhất, nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng nhiệt độ cho cơ thể. Mỗi ngày nên ngâm chân 20 phút, đồng thời mát xa huyệt Thông Tuyền ở lòng bàn chân, có tác dụng điều chỉnh kinh mạch ngũ tạng được thông thuận. Ngoài ra, không quên mang tất chân giúp giữ ấm hiệu quả.

Đầu và tai

Đầu là nơi lưu thông các mạch máu trong cơ thể. Nếu bị lạnh đầu nghĩa là cơ thể cũng sẽ bị lạnh theo, chưa kể bị ê buốt và đau nhức đầu. Kéo dài sẽ khiến bạn bị chứng đau đầu mãn tính nguy hiểm hơn.

Còn đôi tai lại rất mỏng và nhạy cảm, nếu để nó quá lạnh sẽ dẫn tới cảm lạnh hoặc nhức đầu. Cách tốt nhất khi trời lạnh bạn nên mặc áo trùm đầu và tai hoặc dùng riêng đồ bịt tai để giữ ấm.

Cổ

Cổ giống như cầu nối giữa đầu và toàn bộ cơ thể, nó còn là đường hô hấp chính, một khi bị lạnh thì các bệnh về cột sống, đốt sống cổ, hen suyễn,viêm đường hô hấp và các bệnh về mạch máu não đều có thể kéo đến. Để phòng tránh tình trạng này, bạn nên bảo vệ phần cổ bằng cách mặc áo cổ cao và quàng khăn ấm.

Bụng

Bụng là bộ phận quan trọng trong phần tiêu hóa, nó cũng dễ bị nhạy cảm khi thời tiết chuyển sang đông. Nếu không được giữ ấm, có khả năng bạn phải đối mặt với tình trạng tiêu chảy, nguy hiểm hơn là sốt cao, mất nước. Ngoài việc giữ ấm bụng bằng cách mặc áo ra thì bạn cũng nên ăn uống đồ nóng hoặc ấm, tuyệt đối không nên dùng đồ lạnh hoặc có tính hàn.

Mũi

Nếu bạn bảo vệ mũi không tốt vào mùa lạnh thì có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang… thậm chí nặng hơn có thể gây ra tình trạng khô mũi, vỡ mao mạch, chảy máu mũi ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp.

Do đó, mũi tuy là bộ phận nhỏ xíu trên cơ thể nhưng bạn cũng cần lưu ý bảo vệ ngay khi trời lạnh. Tốt nhất là mỗi khi ra đường, bạn nên đeo khẩu trang che kín miệng lẫn mũi để hạn chế không khí lạnh xâm nhập. Đặc biệt, thỉnh thoảng bạn có thể dùng 2 tay xoa cho ấm rồi đặt lên 2 bên sống mũi sẽ giúp làm ấm mũi tức thì.

Giang Thu

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/6-bo-phan-tren-co-the-can-giu-am-trong-mua-dong-1950739.html