6 động tác dưỡng sinh hỗ trợ kiểm soát hen phế quản
Mục tiêu điều trị hen phế quản nhằm kiểm soát tốt triệu chứng, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong đó, thực hiện các động tác dưỡng sinh là một trong những biện pháp giúp kiểm soát bệnh tốt.
1. Nguyên tắc điều trị hen phế quản
Hen phế quản (hen suyễn), là một bệnh lý đường hô hấp được đặc trưng bởi tình trạng viêm đường dẫn khí mạn tính.
Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản của người bệnh vốn rất nhạy cảm sẽ phản ứng một cách dữ dội, biểu hiện bởi các triệu chứng như khó thở, khò khè, nặng ngực và ho.
Tùy vào mức độ kích thích các tiểu phế quản và cơ địa của từng người bệnh mà cơn hen phế quản biểu hiện ở mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Nguyên tắc của điều trị hen phế quản theo mục tiêu dài hạn là kiểm soát tốt triệu chứng, duy trì khả năng hoạt động bình thường và giảm thiểu nguy cơ trong tương lai gồm tử vong do hen, đợt cấp, giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ của thuốc.
2. Một số động tác dưỡng sinh người bệnh hen phế quản nên tập
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc tập luyện các động tác dưỡng sinh giúp cải thiện các triệu chứng hô hấp, tăng cường cử động hô hấp của lồng ngực. Qua đó đóng vai trò nhất định trong kiểm soát hen phế quản.
Sau đây là một số động tác dưỡng sinh giúp hỗ trợ điều trị bệnh:
2.1 Thư giãn
- Tư thế: Nằm hoặc ngồi dựa thoải mái trên một ghế dựa.
- Các bước thực hiện:
Bước 1: Che mắt, tập ở nơi yên tĩnh. Nếu trời nóng, mặc quần áo mỏng hoặc để quạt nhẹ. Nếu trời lạnh, đắp mền mỏng. Thực hiện ở xa nơi đang nấu ăn…
Bước 2: Tự nhủ thầm cho các cơ mềm ra, giãn ra từ từ, chắc chắn, từng nhóm cơ một, từ trên xuống dưới, toàn thân cảm thấy nặng và ấm.
Bước 3: Tập trung ý chí theo dõi hơi thở ra vào qua mũi tới phổi, khoảng 10 hơi thở, có thể đi vào giấc ngủ ngắn 15 – 30 phút.
Tập 2 – 3 lần/ngày. Tối thư giãn giúp dễ đi vào giấc ngủ.
2.2 Thở 4 thì có kê mông và giơ chân
- Tư thế: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao thấp tùy sức khoảng 5 – 8 cm, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực. Việc kê gối ở mông làm cho trọng lượng của các cơ quan đè vào cơ hoành, do đó khi hít vào cơ hoành thở sẽ phải gắng sức hơn vì có trở ngại, đó là cách luyện cơ hoành.
- Các bước thực hiện:
Thì 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng cứng. Thời gian 4 – 6 giây.
Thì 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân dao động qua lại, cuối thời hai hạ chân xuống. Thời gian 4 – 6 giây. Giơ luân phiên từng chân cao khoảng 20 cm để luyện cơ bụng rắn chắc, đồng thời tăng tác dụng xoa bóp nội tạng ở thời giữ hơi.
Thì 3: Thở ra, tự nhiên thoải mái, không kìm, không thúc. Thời gian 4 – 6 giây.
Thì 4: Nghỉ, thư giãn. Chuẩn bị trở lại thì 1. Thời gian 4 – 6 giây.
Tập 2 lần/ngày, mỗi lần 10 – 20 hơi thở.
2.3 Ưỡn cổ
- Tư thế: Nằm ngửa thẳng, hai tay xuôi, lấy điểm tựa là xương chẩm và mông, ưỡn cổ và vai lên.
- Các bước thực hiện: Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách liên tục hít thêm), đồng thời dao động vai qua lại 4 lần, thở ra triệt để ép bụng, hạ vai xuống, nghỉ, trở lại tư thế ban đầu.
Tập 2 lần/ngày, mỗi lần 3 – 5 hơi thở.
2.4 Để tay sau gáy
- Tư thế: Ngồi hoa sen, hai bàn tay đan vào nhau để sau gáy, hai khuỷu tay bật ra sau, lưng thẳng.
- Các bước thực hiện: Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách liên tục hít thêm), đồng thời dao động thân trước sau 2 – 6 cái, thở ra (bằng mũi) triệt để, trở về tư thế ban đầu, nghỉ.
Tập 2 lần/ngày, mỗi lần 3 – 5 hơi thở.
2.5 Xem xa xem gần
- Tư thế: Ngồi hoa sen, lưng thẳng, các ngón tay đan vào nhau để trước bụng dưới, mắt nhìn vào các ngón tay và đưa lật lên trời, đầu bật ra sau, mắt nhìn vào một điểm cố định của ngón tay.
- Thực hiện: Hít vào tối đa, đồng thời đưa tay qua khỏi đầu, lòng bàn tay lật đưa thẳng lên trời; giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại 2 – 6 cái, thở ra triệt để, hạ tay xuống, mắt vẫn nhìn theo ngón tay, nghỉ.
Tập 2 lần/ngày, mỗi lần 3 – 5 hơi thở.
2.6 Co tay rút ra phía sau
- Tư thế: Ngồi hoa sen, hai tay co lại, rút ra phía sau, ngực ưỡn, hai bàn tay nắm chặt và kéo ra sau, hai xương bả vai áp sát vào nhau.
- Các bước thực hiện: Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách liên tục hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại, từ 2 – 6 cái, thở ra (bằng mũi) triệt để; trở về tư thế ban đầu, nghỉ.
Tập 2 lần/ngày, mỗi lần 3 – 5 hơi thở.
Mời bạn xem tiếp video: