6 năm thu hút được 706 sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ vào cơ quan nhà nước

Từ năm 2018 đến tháng 10/2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức.

Tại phiên họp thứ 47 sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đây là chuyên đề giám sát rất thiết thực và có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh đất nước cần nguồn nhân lực chất lượng cao làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững.

Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến về nghị quyết tập trung phát triển giáo dục và đào tạo, cũng như nghị quyết liên quan chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Quốc hội

"Chúng ta sẽ có 6 nghị quyết. Vừa qua, đã triển khai 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị. Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết về khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, về xây dựng, thực thi pháp luật và về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là các nghị quyết rất quan trọng”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Với khu vực công, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch.

Với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng, nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm trên 91% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế.

Đoàn giám sát nhận định, quy mô đào tạo đại học và nghề nghiệp nhìn chung ổn định trong giai đoạn giám sát. Cơ cấu ngành nghề, trình độ, lĩnh vực đào tạo đa dạng. Nhiều ngành mới được mở, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh: 47,3 triệu người làm việc ở khu vực ngoài nhà nước. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh: 47,3 triệu người làm việc ở khu vực ngoài nhà nước. Ảnh: Quốc hội

Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10/2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức.

Nhiều công chức, viên chức, người lao động được cấp học bổng, hỗ trợ đào tạo sau đại học ở trong nước và ngoài nước, hỗ trợ một lần khi thu hút nhân tài về địa phương.

Một số địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện thi tuyển công khai một số vị trí lãnh đạo, cho phép nhân sự ngoài hệ thống được thi tuyển, thí điểm trả lương cao cho giảng viên, bác sĩ giỏi, có cơ chế nội bộ linh hoạt về lương, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ khác để giữ người tài.

Tuy nhiên, ông Vinh cho biết, cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài chậm đổi mới. Chính sách tuyển dụng, thu nhập, tạo môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn. Cơ cấu, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa hợp lý.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài sử dụng ngân sách nhà nước chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trích Báo cáo giám sát

Ngoài ra, đang thiếu hụt chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư trong các lĩnh vực quan trọng, nhất là công nghệ mới, công nghệ cao, có đủ năng lực dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế phát triển bứt phá.

“Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo”, ông Vinh cho biết.

Công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa thực sự hiệu quả. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn khá cao, chiếm 64,6% lực lượng lao động, đa số thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện lao động không bảo đảm. Cả nước còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo.

Việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập còn có một số bất cập. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài sử dụng ngân sách nhà nước chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đoàn giám sát đề xuất các nhóm giải pháp như hoàn thiện thể chế, đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, gắn với các nhóm ngành nghề được ưu tiên, những lĩnh vực mới, quan trọng.

Trong sử dụng nguồn nhân lực, cần hoàn thiện đề án vị trí việc làm của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập các cấp sau sắp xếp tổ chức, bộ máy.

Thực hiện triệt để và có hiệu quả các quy định về tuyển dụng, sử dụng và thực hiện chính sách, chế độ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngoài ra, cần chú trọng việc thu hút nhân tài là sinh viên học tập ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, “tổng công trình sư” người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành là người nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng.

Về phát triển nguồn nhân lực, đoàn giám sát kiến nghị xây dựng Quỹ học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sinh viên xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đào tạo bậc đại học trở lên ở trong nước và nước ngoài, ưu tiên các lĩnh vực khoa học cơ bản, ngành nghề trọng điểm.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/6-nam-thu-hut-duoc-706-sinh-vien-xuat-sac-can-bo-tre-vao-co-quan-nha-nuoc-2420052.html