6 tháng cuối năm khó khả thi để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí chỉ là 6%, thì trong hai quý còn lại của năm, tốc độ tăng trưởng phải đạt ở mức rất cao, phải lên tới 8 - 9%.
Tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Kịch bản này được đưa ra sau khi Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP 6 tháng ước chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với kịch bản đã đề ra.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, cao hơn lần lượt 0,3 điểm phần trăm và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8,0%.
Kịch bản 2, để tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí chỉ là 6%, thì trong hai quý còn lại của năm, tốc độ tăng trưởng phải đạt ở mức rất cao, không phải chỉ là 7 - 7,5% như kịch bản đã được cập nhật hồi đầu tháng 4/2023, mà phải lên tới 8 - 9%.
Tăng trưởng 6 tháng cuối năm lên 8 - 9% không hề dễ dàng
Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia nhận định:
Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế cả nước cần phải tăng trên 9%. Điều này là rất khó khả thi và là thách thức rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay và một số ngành kinh tế phải có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như: Công nghiệp chế biến chế tạo (tăng trên 13,4%), sản xuất và phân phối điện (tăng 13,6%), xây dựng (đạt trên 8,7%), bán buôn, bán lẻ (tăng trên 8,5%), vận tải kho bãi (tăng trên 9,2%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng trên 12,3%).
Trong bối cảnh các khó khăn, thách thức vẫn chưa thực sự chấm dứt như hiện nay, kinh tế thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố, rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo, cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu, việc phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu là một bài toán khó.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bối cảnh từ nay đến cuối năm cho thấy tình hình kinh tế trong nước còn tiếp tục khó khăn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Chính vì điều đó, gắn với mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội đặt ra là tăng trưởng cả năm 6,5% thì nhiệm vụ hết sức nặng nề.
"Nếu chúng ta muốn đạt mục tiêu 6,5% thì tăng trưởng quý III tối thiểu phải 7,4% và quý IV phải 10,3%. Mặc dù quý III/2022 chúng ta đã đạt con số trên 10%, nhưng năm nay khó hơn rất nhiều so với năm ngoái", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Còn theo kịch bản thấp hơn là tăng trưởng cả năm ở mức 6% thì tăng trưởng quý III cũng phải đạt 6,8% và tăng trưởng quý IV phải là 9%. Ông Phương cho rằng: "Đây là hai con số cũng khá thách thức".
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành của Thủ tướng cũng như của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhóm chính sách giải pháp cho 6 tháng cuối năm.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là tăng cường phân tích dự báo, đặc biệt là dự báo về thị trường quốc tế, nắm bắt chặt chẽ tình hình, diễn biến của quốc tế, trên cơ sở đó đề xuất kịp thời các giải pháp ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống.
Nhóm giải pháp thứ hai là phải giữ cho bằng được ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, tập trung vào việc tiếp tục điều hành hàng hóa, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng như kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chương trình, định hướng cải thiện lãi suất cho vay để kích thích, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế cũng như tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ chính sách tài khóa về miễn, giảm thuế, triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT 2%.
Nhóm giải pháp thứ ba là rà soát tất cả động lực tăng trưởng để tác động kích thích tăng trưởng, trong đó, đặt trọng tâm vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tháo gỡ khó khăn cho động lực xuất khẩu. Bên cạnh đó là tập trung vào động lực phát triển tiêu dùng trong nước, khuyến khích đầu tư, trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...