6 xu hướng công nghệ khí hậu hàng đầu trong năm 2025

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở thành mối đe dọa với mọi nền kinh tế và đời sống, công nghệ khí hậu đang nổi lên như một giải pháp để giảm phát thải và xây dựng tương lai bền vững.

Bước sang năm 2025, hàng loạt công nghệ mới và các sáng kiến đột phá đang định hình lại cách chúng ta tiếp cận và giải quyết vấn đề môi trường. Dưới đây là 6 xu hướng công nghệ khí hậu nổi bật đang được triển khai, hứa hẹn tạo nên bước ngoặt trong hành trình chuyển đổi xanh toàn cầu.

1. Công nghệ thu giữ carbon

Thu giữ carbon (Carbon Capture) là một trong những công nghệ chủ lực nhằm giảm lượng khí CO₂, tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Các giải pháp hiện nay tập trung vào việc “bắt giữ” khí thải trực tiếp từ không khí (Direct Air Capture - DAC) hoặc từ các quá trình công nghiệp, sau đó lưu trữ hoặc tái sử dụng.

Năm 2025, công nghệ DAC do các công ty như Climeworks phát triển tiếp tục được cải thiện về hiệu suất và chi phí. Đồng thời, các mô hình kết hợp như BECCS (năng lượng sinh học đi kèm thu giữ carbon) và khoáng hóa carbon, biến CO₂ thành đá cacbonat đang được mở rộng.

 Các công nghệ khí hậu mới đang góp phần xây dựng hành tinh xanh. Ảnh: AI

Các công nghệ khí hậu mới đang góp phần xây dựng hành tinh xanh. Ảnh: AI

2. AI và học máy

Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) đang được áp dụng nhiều trong việc dự báo thời tiết cực đoan đến quản lý năng lượng thông minh. Ngoài ra, những công nghệ này còn được sử dụng để phân tích dữ liệu vệ tinh, cảm biến, phát hiện phá rừng, giám sát băng tan hay theo dõi khí thải theo thời gian thực.

Các công ty như Google, IBM đang xây dựng nền tảng giúp theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên ở cấp độ chi tiết chưa từng có.

Trong nông nghiệp, ClimateAI giúp nông dân canh tác hiệu quả hơn với ít tài nguyên hơn. Ứng dụng như AutoGrid hay Grid.io thì hỗ trợ điều tiết lưới điện, nâng cao khả năng lưu trữ năng lượng tái tạo.

Một ví dụ cụ thể là nền tảng Carbon Trail đã ra mắt AI Copilot, công cụ đánh giá vòng đời sản phẩm và dự báo tác động môi trường, mang lại giải pháp phát triển bền vững cho ngành thời trang và các lĩnh vực khác.

3. Năng lượng tái tạo và lưu trữ

Sự bùng nổ của năng lượng mặt trời, gió và thủy điện trong những năm gần đây là chưa đủ. Thách thức lớn hơn là làm thế nào để lưu trữ hiệu quả nguồn năng lượng này để sử dụng khi cần.

Năm 2025, các công nghệ pin như lithium-ion và thể rắn hứa hẹn đột phá về dung lượng và độ bền. Tesla, với hệ thống Megapack, đang thúc đẩy giải pháp lưu trữ quy mô lớn cho các mạng lưới điện.

Bên cạnh đó, hydro xanh, được sản xuất từ năng lượng tái tạo nổi lên như giải pháp lưu trữ dài hạn, với những dự án tiêu biểu như Hybrit (Thụy Điển) ứng dụng vào sản xuất thép không phát thải.

Các xu hướng đáng chú ý khác bao gồm lưới điện phi tập trung (microgrid), điện mặt trời nổi và AI trong quản lý năng lượng nhằm giảm lãng phí và tăng hiệu suất.

4. Giao thông xanh

Ngành vận tải, nguồn phát thải CO₂ lớn thứ hai toàn cầu đang có những chuyển đổi mạnh mẽ.

Xe điện (EV) đang dẫn đầu sự chuyển dịch sang phương tiện giao thông bền vững, với doanh số toàn cầu dự kiến sẽ tăng vào năm 2025 khi các công ty như Tesla, BYD và Volkswagen tăng cường sản xuất. Những tiến bộ trong pin thể rắn đang làm cho EV hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn. Các loại xe chạy bằng hydro, chẳng hạn như Toyota Mirai và Hyundai NEXO, ngày càng phổ biến trong vận tải hàng hóa, cung cấp một giải pháp thay thế sạch hơn cho xe chạy bằng dầu diesel.

Tại California, Dự án thí điểm xe tải và xe buýt không phát thải có kế hoạch triển khai 100 xe tải chạy bằng pin nhiên liệu hydro vào năm 2025. Ngoài ô tô, xe tải giao hàng chạy bằng điện và tàu chở hàng chạy bằng amoniac cũng đang được phát triển để giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực khác.

Giao thông công cộng đang trở thành trọng tâm trong nỗ lực thúc đẩy tính di động xanh hơn. Các thành phố trên toàn thế giới đang điện khí hóa đội xe buýt của mình để giảm lượng khí thải. Ví dụ, Thâm Quyến, Trung Quốc, đã chuyển đổi toàn bộ đội xe buýt của mình, 16.000 xe buýt sang xe điện. Chỉ riêng động thái này dự kiến sẽ cắt giảm lượng khí thải hơn 1,35 triệu tấn mỗi năm.

Ở châu Âu, các thành phố như Oslo đang tích hợp phà điện, trong khi Tổng công ty Đường sắt Metro Delhi ở Ấn Độ đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 thông qua các nhà ga chạy bằng năng lượng mặt trời và tàu hỏa tiết kiệm năng lượng. Những ví dụ này chứng minh cách các hệ thống giao thông công cộng có thể dẫn đầu trong việc di chuyển đô thị bền vững.

5. Kinh tế tuần hoàn

Thay vì sử dụng rồi vứt bỏ, nền kinh tế tuần hoàn hướng tới mô hình sản xuất - tiêu dùng - tái sử dụng, trong đó vật liệu được kéo dài vòng đời và giá trị.

Theo Quỹ Ellen MacArthur, các ngành như nhựa và dệt may có thể giảm tới 45% lượng khí thải CO₂ toàn cầu vào năm 2050 nếu áp dụng chiến lược tuần hoàn triệt để.

Năm 2025, công nghệ phân loại rác bằng AI như của AMP Robotics đang giúp tăng tốc tái chế với hiệu suất vượt trội. Tái chế hóa học, tái tạo nhựa thành phân tử ban đầu cũng đang mở ra tiềm năng mới. Từ việc biến chai nhựa thành quần áo cho đến thu hồi kim loại quý từ rác điện tử, mọi rác thải đều có thể là nguyên liệu đầu vào cho chu trình mới.

6. Đô thị thông minh chống biến đổi khí hậu

Cuối cùng, xu hướng tích hợp công nghệ khí hậu vào quy hoạch đô thị đang tạo ra những thành phố “thông minh - xanh - bền vững”. Từ cảm biến chất lượng không khí, hệ thống cảnh báo sớm, cho đến hạ tầng năng lượng sạch và giao thông không phát thải, đô thị tương lai sẽ là trung tâm của các chiến lược chống biến đổi khí hậu.

Các thành phố như Amsterdam, Singapore hay Vancouver đang tiên phong xây dựng các phòng thí nghiệm đô thị với giải pháp khí hậu tích hợp, mở đường cho mô hình thành phố carbon thấp.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/6-xu-huong-cong-nghe-khi-hau-hang-dau-trong-nam-2025-post844667.html