7 câu cửa miệng của người tự tin
Theo Hack Sipirit, trong khi nhiều người có thể bối rối, líu lưỡi khi nói chuyện, người tự tin lại không như vậy. Không phải vì họ giỏi hơn, mà vì họ biết rõ giá trị của bản thân.

1. "Không": Với những người thực sự tự tin, đây không chỉ là một từ, mà là cách họ thiết lập ranh giới. Với họ, quan tâm người khác là cần thiết, nhưng quan tâm chính mình cũng quan trọng không kém. Trái lại, những người luôn gật đầu, luôn cố làm vừa lòng tất cả thường là những người kiệt sức và thiếu tự tin nhất. Họ sợ từ chối vì sợ bị đánh giá và sợ người khác mất lòng.

2. "Cảm ơn": Người tự tin thường nói “cảm ơn” một cách tự nhiên và dứt khoát. Khi được khen, họ không vội chối từ hay tỏ ra ngại ngùng mà mỉm cười và đáp lại bằng lời cảm ơn chân thành. Họ hiểu rằng tiếp nhận lời khen không khiến mình kiêu ngạo mà là thể hiện sự trân trọng với người đối diện. Không chỉ vậy, người tự tin còn dùng “cảm ơn” thay cho những lời “xin lỗi” không cần thiết. Thay vì nói “xin lỗi vì đã làm phiền”, họ sẽ nói “cảm ơn vì đã hỗ trợ”. Điều này không chỉ thể hiện sự bình tĩnh, chuyên nghiệp mà còn tạo cảm giác tích cực cho người khác.

3. "Tôi trân trọng ý kiến này, nhưng tôi không đồng ý": Người tự tin không né tránh bất đồng. Họ hiểu rằng không phải ai cũng nhìn nhận vấn đề theo cùng một cách. Khi không đồng ý với ai đó, họ không im lặng cho qua, cũng không phản ứng gay gắt. Thay vào đó, họ thường bắt đầu bằng câu “Tôi trân trọng ý kiến của bạn, nhưng tôi không đồng ý". Đối với họ, nói lên chính kiến là cách thể hiện sự trưởng thành và chân thành trong mối quan hệ.

4. "Hãy nghe tôi nói": Nếu có một ý tưởng hay và cảm thấy người đối diện chưa thực sự lắng nghe, người tự tin sẽ thẳng thắn yêu cầu "Hãy lắng nghe tôi!". Hoặc khi có điều gì thực sự muốn nói, họ sẽ chủ động tìm thời điểm thích hợp để được bày tỏ, dù biết rằng điều mình sắp nói có thể chưa phải hay nhất. Thậm chí, ngay cả khi biết mình có thể sai, người tự tin vẫn sẵn sàng phản biện. Họ không bao giờ giả vờ hay cố gắng trở nên hoàn hảo.

5. "Cảm ơn phản hồi của bạn": Người tự tin hiểu rằng mỗi góp ý, dù tích cực hay tiêu cực, đều là cơ hội để nhìn lại và hoàn thiện bản thân. Họ không dễ tổn thương trước lời chê bai, vì họ biết giá trị của mình không bị quyết định bởi ý kiến người khác. Tuy nhiên, họ cũng không tiếp thu một cách mù quáng. Họ chọn lọc, cân nhắc và chỉ thay đổi khi thấy hợp lý. Quan trọng nhất, họ xem phản hồi là bước đệm để phát triển, chứ không phải rào cản để tự ti hay né tránh.

6. “Tôi dở tệ khoản đó": Người tự tin không cần che giấu khuyết điểm hay tỏ ra mình biết hết mọi thứ. Trái lại, họ thừa nhận điểm yếu một cách thành thật. Sự tự tin thật sự không đến từ việc hoàn hảo, mà từ việc biết rõ mình là ai. Nhờ đó, họ sẵn sàng học hỏi, nhận sự giúp đỡ và không sợ bị đánh giá.

7. "Tôi xin lỗi": Một người thiếu tự tin sẽ rất khó thừa nhận lỗi lầm của mình. Đối với họ, đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Những người tự tin lại không như vậy. Nhờ khả năng tự nhận thức cao, họ biết rõ khi nào mình mắc lỗi. Và ngay khi nhận ra điều đó, họ sẽ không ngần ngại thừa nhận sai lầm và chủ động xin lỗi vì những rắc rối đã gây ra. Họ hiểu thừa nhận lỗi sai không làm giảm sút giá trị bản thân, đó là sự bản lĩnh và trưởng thành trong tư duy.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/7-cau-cua-mieng-cua-nguoi-tu-tin-post1555907.html