7 nguyên nhân khiến cây lan Ý còi cọc, khó nở hoa
Mặc dù lan Ý là loại cây dễ trồng nhưng nếu không biết cách chăm, cây vẫn kém phát triển, dưới đây là những nguyên nhân khiến cây lan Ý còi cọc, không nở hoa.
Lan Ý là loại cây cảnh rất phổ biến do sống khỏe, dễ chăm sóc, khả năng ra hoa tốt. Tuy nhiên, rất nhiều người khi trồng lan Ý gặp phải các vấn đề như cây gầy yếu, lá vàng, chậm ra hoa.
Nguyên nhân khiến Lan ý còi cọc, không ra hoa
Nếu bạn trồng Lan Ý mà gặp phải vấn đề này, hãy xem xét cẩn thận xem cây có gặp một trong 7 vấn đề sau hay không để kịp thời khắc phục nhé.

Lan Ý là loại cây dễ trồng, có hoa đẹp và bền. (Ảnh: Sohu)
Ánh sáng không phù hợp
Lan Ý ưa môi trường có đủ ánh sáng khuếch tán và đặc biệt sợ ánh nắng mặt trời mạnh. Vì vậy, trong thời kỳ sinh trưởng, không nên cho cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tránh bị cháy nắng, lá vàng. Vị trí trồng cây thích hợp nên là hướng bắc để tránh ánh nắng quá gắt.
Cây có sâu bệnh
Nhiều người thường trồng lan Ý trong phòng, tuy nhiên đây là loại cây ưa môi trường thông thoáng. Việc trồng trong phòng kín có thể gây sâu bệnh, ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Lúc này, bạn có thể phun một ít carbendazim để cây khỏe mạnh, trị và phòng sâu bệnh tốt hơn.
Thiếu dinh dưỡng
Lan Ý cần đủ chất dinh dưỡng trong suốt thời kỳ sinh trưởng. Việc bổ sung thường xuyên các loại phân bón hỗn hợp có hàm lượng nitơ, phốt pho và kali cân đối sẽ giúp cây hấp thụ tốt hơn. Nếu bạn trồng lan Ý nhưng không bón phân trong thời gian dài, cành cây sẽ mọc dài, gầy yếu, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và ra hoa của cây.

Đây là loại cây phát triển mạnh, cần nhiều dinh dưỡng để ra lá, hoa đẹp. (Ảnh: Sohu)
Tưới quá nhiều nước
Đây là loại cây không ưa nhiều nước nên tránh tưới thường xuyên. Việc tưới nước quá nhiều sẽ khiến nước tích tụ và thối rễ. Do đó, phương pháp thủy canh khi trồng lan Ý được cho là phù hợp hơn. Nếu trồng cây trong chậu đất, hãy đợi tới khi bề mặt đất gần khô thì mới tưới cho cây để tránh ứ đọng nước.
Không thay đất cho cây
Nếu trồng lan Ý trong chậu, bạn cần lưu ý rằng phải thay chậu và đất mỗi năm một lần. Việc quên thay đất cho cây sẽ khiến đất trở nên cứng, chất lượng kém, và ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Thời điểm thay đất tốt nhất là mùa xuân, khi thay đất bạn nên chia lại các khóm cây, chỉ để lại 3 cây một khóm để kích thích sự phát triển của mầm mới, giúp cây có nhiều lá, hoa và thời gian ra hoa kéo dài hơn.
Nhiệt độ quá thấp
Lan Ý rất sợ lạnh và dễ bị tê cóng khi nhiệt độ quá thấp. Vì vậy, điều quan trọng cần lưu ý là phải giữ ấm khi tiết trời lạnh, tránh gió hoặc để cây vào trong phòng để cây có thể hấp thụ tốt hơn và khỏe mạnh hơn. Nhiệt độ thích hợp cho cây phát triển là từ 22 đến 28 độ C, vì vậy vào mùa đông, nhiệt độ thích hợp cần được duy trì trên 10 độ C.

Lan Ý sợ ánh nắng trực tiếp nhưng cũng không chịu được lạnh nên nếu thời tiết quá lạnh, cần chuyển cây vào trong nhà. (Ảnh: Sohu)
Cây bị già cỗi
Lý do cây lan Ý xuất hiện nhiều lá vàng có thể do cây bị già đi. Lúc này nên loại bỏ các gốc cây già, giúp cây mới phát triển và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Tóm lại, khi chăm sóc lan Ý, bạn cần chú ý đến sự cân bằng giữa ánh sáng, nước, dinh dưỡng và độ ẩm môi trường. Bằng cách điều chỉnh các biện pháp chăm sóc phù hợp và đưa ra cách chữa trị kịp thời với các vấn đề như lá vàng, cây còi cọc sẽ giúp lan Ý phát triển khỏe mạnh, ra hoa quanh năm.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/7-nguyen-nhan-khien-cay-lan-y-coi-coc-kho-no-hoa-ar933962.html